TGĐ Điện lực TP.HCM: ‘Điện lực muốn 1 bậc thang giá điện’
“Thực sự điện lực TP.HCM cũng muốn 1 bậc để dễ quản lý chứ nhiều bậc khó quản lý lắm, nhưng đây là chính sách chung của Nhà nước".
- 13-05-2019EVN phải báo cáo việc tăng giá điện trước 15/5 tới
- 13-05-2019Thanh tra giá điện: Không phát hiện bất thường!
- 11-05-2019Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam: Tăng giá điện vì gánh tổn hao là bất hợp lý
Đó là một trong những nội dung mà ông Phạm Quốc Bảo, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM, báo cáo với Đoàn ĐBQH TP.HCM về tình hình giá điện tăng, hôm 15-5.
Ông Phạm Quốc Bảo, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM báo cáo với Đoàn ĐBQH TP.HCM . Ảnh: PHƯƠNG THÙY
Theo ông Bảo, sau khi triển khai điều chỉnh mức giá bán lẻ điện, từ ngày 20-3 đến 13-5, Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty đã nhận được hơn 300.000 tin báo về dịch vụ điện. Trong đó chỉ có 888 trường hợp thắc mắc trực tiếp về hóa đơn, còn lại là hỏi về thông tin. Tất cả các trường hợp phản ảnh về hóa đơn này đều được đối soát, giải thích. Đến giờ, tất cả đều không còn thắc mắc.
Về hóa đơn tiền điện tăng, ông Bảo cho rằng trong tháng 3 và tháng 4-2019 là tháng nắng nóng nên sản lượng điện tăng, tiền điện theo hóa đơn tăng đột biến. “Khoảng 47% khách hàng sử dụng điện sinh hoạt (hơn 1 triệu khách hàng) có mức sử dụng điện tháng 4-2019 tăng trên 30% so với tháng trước đó” – ông Bảo nói.
Về bậc tiêu thụ điện, ông Bảo cho biết có sự biến động lớn ở TP.HCM so với cả nước. Nếu như ở TP.HCM chỉ có gần 10% tổng hộ dân tiêu thụ điện ở bậc 1 và 2 (từ 0 đến 99kWh/tháng) trong khi bình quân cả nước gần 32%. Ở bậc 3 (từ 100kWh đến 200kWh/tháng trở xuống), TP.HCM chỉ có hơn 26% tổng hộ dân tiêu thụ, trong khi cả nước lên đến hơn 68%.
“Còn ở bậc 4, 5, 6 (từ 200kWh/tháng trở lên), TP.HCM có 71% tổng hộ dân tiêu thụ điện ở mức này, trong khi cả nước chỉ có 31%” – ông Bảo lý giải về việc giá điện tăng ảnh hưởng nhiều nhất đến các đô thị như TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, còn ở vùng nông thôn ảnh hưởng rất thấp.
Ông Bảo cho biết thêm, vừa qua đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Công Thương đã đi kiểm tra thực tế tiêu thụ điện ở Khu chế xuất Tân Thuận với 20 mẫu sinh hoạt, 5 mẫu sản xuất cũng như xuống tiếp xúc với 3 khách hàng sản xuất. Qua đó cho thấy hóa đơn tiền điện tháng 3 tăng đột biến so với tháng 2, đúng như thực tế.
Về khung giá bán điện , ông Bảo cho biết năm 2017, Thủ tướng đã có Quyết định số 34 về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016-2020, trong đó mức giá bán lẻ tối thiểu là 1.606,19 đồng/kWh và tối đa là 1.906,42 đồng/kWh.
“Vừa rồi, giá điện tăng lên ở mức bình quân 1.864,44 đồng/kWh, vẫn nằm trong khung giá do Thủ tướng phê duyệt” - ông Bảo lý giải.
Nói về 6 bậc thang tăng giá điện , ông Bảo cho biết các nước lân cận đều sử dụng bảng giá điện bậc thang , mục tiêu để điều tiết giữa các thành phần sử dụng điện và quan trọng nhất là tiết kiệm điện. “Tất cả các nước khi xây dựng giá điện đều quy định một mức tiêu thụ điện - trên mức đó thì giá rất cao. Như ở Việt Nam là 400kWh/tháng trở lên, Thái Lan và Hàn Quốc cũng từ 400kWWh/tháng trở lên giá sẽ rất cao” – ông Bảo cho biết.
“Thực sự điện lực TP.HCM cũng muốn 1 bậc để dễ quản lý chứ nhiều bậc khó quản lý lắm, nhưng đây là chính sách chung của Nhà nước” – ông Bảo nói.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh