Thà bỏ thời gian nâng cao kỹ năng viết hồ sơ xin việc còn hơn bị loại từ vòng gửi xe: 6 lời khuyên tai hại nhất định bạn phải tránh xa!
Một sai lầm nhỏ có thể sẽ không giết chết cơ hội được phỏng vấn tuyển dụng, nhưng tốt nhất bạn nên bỏ qua những lời khuyên cũ rích và vô ích này nếu muốn xin việc thành công.
- 23-01-2019Xin việc mãi không xong, lương thưởng mãi không tăng: Đừng đổ lỗi tại số phận, có thể kỹ năng tối thiểu này của bạn đang gặp vấn đề
- 08-01-2019Phỏng vấn xin việc không quá đáng sợ nhưng bạn nhất định phải nắm được những quy tắc sau để thể hiện sự tự tin
- 25-12-2018Không làm việc này khi đi xin việc có thể khiến bạn thất thoát số tiền lên tới 750.000 USD chỉ vì một lý do
Khi bạn tìm kiếm công việc, một bản lý lịch tốt có thể giúp bạn bước qua cửa đầu tiên. Thật không may, có rất nhiều lời khuyên tồi tệ xung quanh việc viết một bản lý lịch gây chú ý. Dưới đây là những sai lầm phổ biến nhất mà các ứng viên thường mắc phải trong hồ sơ xin việc của mình.
Chỉ viết trong 1 trang giấy
Chắc hẳn bạn đã từng nghe lời khuyên rằng một bản sơ yếu lý lịch chỉ nên trình bày trong 1 trang giấy, nhưng một nghiên cứu từ ResumeGo lại chứng minh điều ngược lại. Các nhà tuyển dụng có xu hướng thích sơ yếu lý lịch 2 trang hơn là 1 trang, Peter Yang – CEO của dịch vụ viết sơ yếu lý lịch chuyên nghiệp ResumeGo – cho biết. Khả năng được chấp nhận của những hồ sơ 2 trang càng tăng lên đối với những công việc ở cấp trung và cấp quản lý.
Theo Yang, hồ sơ dài đồng nghĩa với việc thông tin chi tiết hơn, cho phép nhà tuyển dụng cân nhắc quyết định tốt hơn, đem tới cơ hội tươi sáng hơn cho ứng viên, ngay cả đối với các công việc cấp đầu vào, vốn thường dành cho sinh viên tốt nghiệp không yêu cầu nhiều kỹ năng hay kinh nghiệm.
Đính kèm bản tóm tắt cá nhân
Rất nhiều hồ sơ xin việc đính kèm một bản tóm tắt ở phần đầu, theo một lời khuyên mang tính truyền thống, nhưng điều này thực tế lại là sự lãng phí thời gian và không gian.
Theo Sarah Connors, quản lý nhân sự tại công ty chuyên mua lại nhân tài WinterWyman, "rất nhiều nhà tuyển dụng bị ngập trong thông tin, họ chỉ có vài giây để tìm hiểu một hồ sơ xin việc và quyết định xem nó có được chuyển sang bước tiếp theo hay không". "Khi tôi xem qua một hồ sơ, tôi có xu hướng chuyển ngay sang phần kinh nghiệm làm việc để xem ứng viên đã từng làm gì, trong lĩnh vực nào, quy mô công ty…"
Connors khuyến khích các ứng viên cung cấp nhiều thông tin chi tiết cho từng công việc, bao gồm thành tích, dự án họ đa tham gia và tóm tắt một dòng dưới mỗi công ty để xem công ty đó có bao nhiêu nhân viên và hoạt động trong lĩnh vực gì. Điều đó sẽ giúp họ chắc chân trong vòng nhận hồ sơ và hứa hẹn một cuộc hẹn phỏng vấn, Connors cho biết. Cuộc phóng vấn là không gian tốt hơn để thể hiện bản thân cũng như những khả năng của bạn.
Sử dụng đồ họa
Ruben Moreno, đối tác của Blue Rock Search Group - một công ty chuyên tìm kiếm người quản lý - cho biết, các sơ yếu lý lịch sử dụng hình ảnh, chẳng hạn như đồ họa và biểu đồ, thay vì văn bản hay hình ảnh truyền thống, nhìn có vẻ hấp dẫn, nhưng thực tế lại có thể khiến bạn mất cơ hội việc làm. Chúng có thể cho bạn cơ hội mong manh trong các ngành phần mềm hay các lĩnh vực sáng tạo, nhưng không đáng để bạn bỏ qua cấu trúc hồ sơ truyền thống.
Tương tự đối với hình thức ứng tuyển bằng video. Theo Steven Rothberg, chủ tịch và người sáng lập College Recruiter cho biết, phần lớn các nhà tuyển dụng sử dụng hệ thống theo dõi người nộp đơn và hầu như không thể xử lý từng video hay đồ họa. Các ứng viên phụ thuộc vào video hoặc đồ họa để thể hiện trình độ hoặc kỹ năng nghề nghiệp của mình không khác nào tự đặt mình vào thế bất lợi khi nộp đơn xin việc vào các công ty này.
Sử dụng sơ yếu lý lịch kiểu mẫu
Corey Berkey, giám đốc nhân sự của JazzHR, một công ty phần mềm tuyển dụng cho biết, một thất bại phổ biến đối với các ứng viên là tạo ra một bản sơ yếu lý lịch mà họ nghĩ là "kiểu mẫu tuyệt vời" và gửi nó đi mọi công ty. "Sự thật là một bản sơ yếu lung linh như khuôn mẫu không có tác dụng, vì các nhà tuyển dụng có thể phát hiện nó từ xa, nó cho thấy sự lười biếng và thiếu chuyên nghiệp."
Mặc dù một bản sơ yếu mẫu khiến việc nộp đơn trở nên dễ dàng hơn, nhưng việc dành thời gian điều chỉnh sơ yếu lý lịch, với các gạch đầu dòng mô tả công việc rõ ràng, phù hợp với công ty sẽ giúp người đọc thấy rằng bạn chính là người phù hợp cho vị trí đó.
"Cứ khoảng 15 bản sơ yếu lý lịch theo mẫu, tôi mới nhận được 1 bản được trình bày một cách hấp dẫn và chu đáo. Sơ yếu lý lịch chính là cơ hội để bạn tỏa sáng và cho nhà tuyển dụng lý do để đưa bạn lên vị trí cao nhất."
Trình bày theo chức năng thay vì thời gian
John Nykolaiszn, giám đốc Văn phòng Quản lý nghề nghiệp kinh doanh tại Trường kinh doanh Florida thuộc Đại học Quốc tế Florida cho biết, việc tạo ra một sơ yếu lý lịch tập trung vào các chức năng thay vì trật tự thời gian là một sai lầm.
"Suy nghĩ đầu tiên khi tôi nhìn thấy một sơ yếu lý lịch theo chức năng là ‘Bạn đang cố gắng che giấu điều gì vậy?’", Nykolaiszn cho biết. "Hãy trình bày sơ yếu lý lịch theo trình tự thời gian đảo ngược. Hầu hết hệ thống theo dõi ứng viên hiện nay đều yêu cầu nhập dữ liệu theo thứ tự thời gian đảo ngược, vì vậy, nếu bạn đính kèm một sơ yếu lý lịch theo chức năng, bạn sẽ gây nhầm lẫn."
Lisa Rangel, người sáng lập và giám đốc điều hành của Chameleon Resume cho biết, các nhà quản lý tuyển dụng cần theo dõi công việc và thành tích của bạn trong bối cảnh một công ty, và khung thời gian phải được trình bày một cách rõ ràng. "Khi bạn tách thành tích của mình ra khỏi bối cảnh công ty và những năm tháng làm việc, người đọc sẽ không có chỗ dựa tham khảo để đánh giá chuyên môn của bạn", Rangel cho biết.
Bỏ qua thư xin việc
Các ứng dụng tuyển dụng trực tuyến thường không yêu cầu thư xin việc, nhưng đừng bỏ qua bước này. Lá thư xin việc có thể là chìa khóa cho hồ sơ của bạn – đó là lời khuyên của Michelle Tillis Lederman, Giám đốc điều hành của Executive Essentials. "Tại sao công việc này lại hấp dẫn bạn? Tại sao bạn lại là người phù hợp cho vị trí đó? Tại sao bạn muốn làm việc ở công ty này?" Đó là những điều được thể hiện trong thư xin việc, và Lederman đã tuyển dụng rất nhiều người dựa trên lá thư này.
Hãy dành thời gian để viết một lá thư xin việc và viết nó như thể bạn đang nói chuyện với nhà tuyển dụng, Lederman gợi ý. "Hãy thể hiện cá tính, đam mê của bạn và bỏ qua các khuôn mẫu".
Trí Thức Trẻ