MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thách thức chờ đón ngành vận tải biển

Thách thức chờ đón ngành vận tải biển

Những yếu tố thuận lợi dần mất đi, ngành vận tải biển đang đối diện với nhiều thách thức sau giai đoạn thăng hoa 2020-2022.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2022, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt 733,18 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021. Trong đó, hàng xuất khẩu đạt 179,07 triệu tấn, giảm 3% so với năm 2021. Hàng nhập khẩu đạt 209,26 tấn, giảm 2%. Hàng nội địa đạt 342,79 tấn, tăng 12%.

Đặc biệt, khối lượng hàng container thông qua cảng biển năm 2022 ước đạt 25,09 triệu TEUs, tăng 5% so với năm 2021. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận tăng do nguồn hàng vận tải và giá cước tăng trong đầu năm 2022.

Nổi bật là CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS), lũy kế năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu đạt 2.420,4 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 487,94 tỷ đồng. Đáng chú ý, với việc ghi nhận lãi trong năm 2022, VOS đã xóa hết toàn bộ lỗ lũy kế tại thời điểm cuối năm 2022, đồng thời hoàn thành 154,9% kế hoạch lợi nhuận đề ra trong năm.

Tương tự, "anh cả" Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 14.350 tỷ đồng, tăng nhẹ 7,5% so với cùng kỳ; lãi sau thuế hơn 2.565 tỷ đồng, giảm 761 tỷ đồng so với năm 2021. Năm 2022, VIMC đề ra mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 12.500 tỷ đồng và 2.518 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành các mục tiêu cả về doanh thu lẫn lợi nhuận năm.

Một "ông lớn" khác thuộc ngành vận tải biển là CTCP Gemadept (GMD) cũng có kết quả kinh doanh thuận lợi. Doanh thu thuần GMD năm 2022 đạt 3.915 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021, lãi ròng 995 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2021.

Tương tự, trong năm 2022, Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) ghi nhận doanh thu đạt 3.205,61 tỷ đồng, tăng 63,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 1.050 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2022, HAH đã thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 2.388 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 550 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 23% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, kết thúc năm 2022, công ty hoàn thành 191% kế hoạch lợi nhuận năm.

Về phần mình, lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của Tổng công ty Vận tải Dầu khí (PVTrans) đạt 9.047 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.161 tỷ đồng, vượt 39% mục tiêu doanh thu và 141,7% mục tiêu lợi nhuận năm 2022 đã đề ra.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cảng biển, logistics khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Điển hình như CTCP Cảng Đồng Nai (mã: PDN) lần đầu vượt mốc doanh thu 1.000 tỷ đồng trong lịch sử niêm yết, lợi nhuận sau thuế đạt 234 tỷ đồng tăng 45% so với năm 2021; Cảng Đà Nẵng (mã: CDN) ghi nhận lợi nhuận tăng 12% lên 271 tỷ đồng; CTCP Cảng Hải Phòng (mã: PHP) báo lãi 714 tỷ đồng; CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (mã: DVP) lãi 283 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với năm trước đó.

Thách thức

Theo SSI Research, nhu cầu vận tải container sẽ đối mặt nhiều khó khăn trong năm 2023. Đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng sẽ tiếp tục yếu khi lạm phát cao. Ngoài ra, việc giải phóng hàng tồn kho cần ít nhất hai quý nên nhu cầu vận tải có thể phục hồi từ nửa cuối năm 2023. Trung Quốc mở cửa trở lại và khôi phục các chuyến bay quốc tế là yếu tố tích cực đáng kể đối với ngành.

Nguồn cung tàu mới gia tăng cũng là áp lực cho ngành trong năm 2023. Clarksons thống kê, tổng khối lượng đặt đóng mới chiếm đến 26,3% đội tàu hiện có. Lượng cung tàu được giải phóng khi tình trạng tắc nghẽn cảng được giải quyết có thể tạo thêm áp lực dư cung cho thị trường vận tải.

SSI Research ước tính, xu hướng giá cước giảm sẽ tiếp diễn trong nửa đầu năm 2023 và phục hồi nhẹ trong nửa cuối năm nếu nhu cầu tăng. Từ đó, nhóm phân tích này nhận định các công ty vận tải container và logistics sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất do nhu cầu yếu và nguồn cung tăng. Tuy nhiên, sản lượng kỳ vọng có thể phục hồi vào nửa cuối năm 2023 khi nhu cầu tăng trở lại.

Các công ty cảng biển có thể duy trì tốt hơn nhờ giá dịch vụ ổn định mặc dù tăng trưởng sản lượng yếu. Các công ty vận tải dầu khí tham gia vào thị trường cho thuê tàu có thể hưởng lợi từ nhu cầu tàu chở dầu ổn định trong ngắn đến trung hạn, trong khi những công ty hoạt động trên thị trường giao ngay có thể chịu biến động mạnh về giá cước như quan sát từ đầu năm.

Phân khúc vận tải hàng rời có thể được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Các yếu tố tác động chính cần theo dõi bao gồm: Hồi phục nhu cầu tiêu dùng từ các nước nhập khẩu; Chiến tranh Nga – Ukraine; Kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại.

Cùng chung quan điểm, VNDirect cho rằng ngành cảng và vận tải biển toàn cầu sẽ gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại cũng như sản lượng vận tải. Tác động của việc giảm giá cước vận tải biển có thể ảnh hưởng rõ rệt đến kết quả kinh doanh của các hãng vận tải biển Việt Nam trong giai đoạn 2023-2024.

Tuy nhiên, vẫn có một vài yếu tố hỗ trợ tích cực như tình trạng thiếu container đã được giải quyết nhờ nguồn cung container bổ sung trong năm 2022, Trung Quốc đang mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại và tiêu dùng toàn cầu. Ngoài ra, đơn vị này dự báo giá dầu Brent trung bình duy trì ở mức 90 USD một thùng, giúp giảm chi phí nhiên liệu cho các doanh nghiệp.

Theo Khánh An

Nhà Đầu Tư

Trở lên trên