MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thách thức chuyển đổi số trong khu vực công ở Việt Nam

17-09-2022 - 10:51 AM | Kinh tế số

Mô hình hải quan thông minh trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin. (Nguồn: Hải quan)

Mô hình hải quan thông minh trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin. (Nguồn: Hải quan)

Khu vực công đang đứng trước cơ hội cải thiện chất lượng dịch vụ hướng đến hiệu quả và minh bạch hơn thông qua ứng dụng công nghệ vào quá trình hoạt động, quản lý.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính công

*Hải quan điện tử - Giải pháp tăng cường sự minh bạch

Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS) hiện đã được sử dụng trong lĩnh vực hải quan. VNACCS/VCIS bao gồm những ứng dụng: Khai báo điện tử (e-Declaration); Manifest điện tử (e-Manifest); Hóa đơn điện tử (e-Invoice); Thanh toán điện tử (e-Payment); C/O điện tử (e-C/O); Phân luồng (selectivity); Quản lý hồ sơ rủi ro/tiêu chí rủi ro; Quản lý doanh nghiệp XNK; Thông quan và giải phóng hàng; Giám sát và kiểm soát.

So với quy trình thủ tục hải quan truyền thống thì hệ thống thông quan tự động (VNACCS) đã thực hiện số hóa các quy trình thực hiện từ: (1) Đăng ký tờ khai hải quan, (2) Kiểm tra hàng hóa, (3) Kiểm tra, xác định giá và tính thuế, (4) Nộp thuế và các khoản phải thu khác. Ngoài ra, với hệ thống thông quan điện tử, sự kết nối giữa các Bộ/Ngành cũng trở nên thuận tiện hơn qua cơ chế một cửa cũng như rút ngắn được thời gian xử lý luồng xanh xuống 1-3 ngày. Bên cạnh gia tăng hiệu quả quản lý, hải quan điện tử còn mang lại những lợi ích lớn cho các doanh nghiệp như: Đơn giản hóa được thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; Thực hiện nộp thuế không phụ thuộc vào không gian và thời gian; Giảm thiểu sai sót thông tin, thống nhất được cơ sở dữ liệu cơ quan quản lý, đảm bảo thông quan hàng hóa kịp thời thông qua phối hợp với ngân hàng thương mại.

Chuyển đổi số đã cải thiện rõ nét hiệu quả trong lĩnh vực hải quan, đồng thời, củng cố lòng tin và sự hài lòng của doanh nghiệp thông qua tăng cường tính minh bạch trong các khâu quản lý của cơ quan quản lý nhà nước và rút ngắn được thời gian thực hiện các thủ tục liên quan.

*Hệ thống thuế điện tử - Giải pháp “kép” cho lĩnh vực thuế

Tính đến đầu năm 2021, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai rộng rãi đến 100% chi cục thuế trực thuộc 63/63 tỉnh thành trên cả nước với số lượng doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ đạt tỷ lệ 98,86%. Có thể nói, hệ thống thuế điện tử được triển khai đã số hóa toàn diện các quy trình từ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế - mang lại một giải pháp “lợi cả đôi đường” cho l ĩnh vực thuế.

Đối với các doanh nghiệp và cá nhân (gọi tắt là người sử dụng), hệ thống thuế điện tử giúp cắt giảm thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính. Người sử dụng các dịch vụ thuế điện tử hoàn toàn có thể thực hiện các hoạt động kê khai, nộp thuế ngay tại cơ quan và theo dõi kết quả xử lý trên hệ thống trực tuyến. Ngoài ra, người sử dụng dịch vụ còn nhận được nhiều hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý (do cắt giảm được thời gian xử lý trực tiếp hồ sơ) đối với những vướng mắc trong thực hiện nghĩa vụ.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, lợi ích rõ nét nhất mà hệ thống thuế điện tử mang lại chính là tinh giản hoạt động công việc, đẩy mạnh chuyên môn hóa tại cơ quan quản lý thuế. Ngành thuế đã cắt giảm được thời gian xử lý, lưu trữ hồ sơ giấy tờ cũng như hạn chế được sai sót thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin. Ngoài ra, hệ thống thuế điện tử cũng đã thực hiện rất tốt trong các dịch vụ công trực tuyến liên ngành như lệ phí trước bạ nhà đất, ô tô,...

Chuyển đổi số trong lĩnh vực Y tế

*Giảm thiểu chi phí cận lâm sàng thông qua ứng dụng IoT

Gần đây, nhiều tổ chức y tế đã tích hợp IoT nhằm cung cấp giải phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe, từ chẩn đoán, điều trị cho đến quản lý theo dõi diễn tiến của bệnh mọi lúc, mọi nơi. Giải pháp Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh PACS (Picture Archiving and Communication System) là một minh chứng cụ thể về ứng dụng IoT hiện đang được nhiều cơ sở y tế trên thế giới sử dụng và khai thác hiệu quả. Với đặc điểm các thiết bị sinh hình hoạt động theo chuẩn DICOM, chuẩn kỹ thuật số, thì PACS cho phép kết nối, lưu trữ và chuyển dữ liệu từ các thiết bị sinh hình như: máy chụp cộng hưởng từ (MR), chụp cắt lớp vi tính (CT), kỹ thuật số chụp X-quang (DR), X-quang (CR), chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), siêu âm (Ultrasound), nội soi (ES), chụp nhũ ảnh (MG),... đến các cơ sở y tế phục vụ công tác khám và điều trị bệnh. Như vậy, PACS là một công nghệ hình ảnh y tế, cung cấp nơi lưu trữ, truy xuất, quản lý, phân phối và trình chiếu hình ảnh. Điều này giảm thiểu hình thức in phim truyền thống tại các cơ sở y tế, tạo môi trường làm việc thuận lợi trong công tác chuyên môn về khám và điều trị bệnh. Mô hình hoạt động của PACS cho thấy, các cơ sở y tế ứng dụng PACS có thể cải thiện hiệu quả công tác chỉ đạo tuyến, tiết kiệm chi phí cận lâm sàng,…

Thách thức chuyển đổi số trong khu vực công ở Việt Nam - Ảnh 1.

Các bác sĩ ứng dụng robot phẫu thuật u não tại Bệnh viện Nhân dân 115. (Nguồn: TTBC-HCM)

*Ứng dụng AI trong chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao

Ứng dụng trong điều trị ung thư: IBM WFO (IBM Watson for Oncology) hỗ trợ các bác sĩ khi đưa ra phác đồ điều trị dựa trên bằng chứng. Hiện IBM WFO đã thu thập và quản lý 15 triệu hồ sơ bệnh án, 300.000 nghiên cứu y khoa thế giới và 400.000 đầu sách y khoa cập nhật liên tục về các loại ung thư phổ biến như: ung thư vú, phổi, dạ dày, đại tràng, trực tràng. Sau khi bác sĩ nhập liệu thông tin của người bệnh vào IBM WFO, hệ thống sẽ xử lý và đưa ra gợi ý về các phác đồ điều trị với các thứ tự ưu tiên về tính hiệu quả và bằng chứng chứng minh cho phác đồ đó. Bác sĩ sẽ quyết định cuối cùng phác đồ nào tốt nhất với bệnh nhân.

Ứng dụng trong chẩn đoán hình ảnh: Hệ thống phát hiện qua máy tính (Computer Aided Detection, CADe), hay chẩn đoán nhờ máy tính (Computer Aided Diagnosis CADx), máy móc với dung lượng bộ nhớ rất lớn sẽ dễ dàng giúp bác sĩ phân tích các hình ảnh y học nhanh và chuẩn xác hơn rất nhiều.

Ứng dụng trong xét nghiệm cận lâm sàng: Máy tính sẽ giúp bác sĩ phân tích, so sánh các xét nghiệm cận lâm sàng chuẩn xác, nhanh chóng, đặc biệt ngưỡng xét nghiệm vàng, xét nghiệm sinh học phân tử, gen di truyền. Trong điều trị ung thư, phương pháp điều trị trúng đích cũng được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm. Bằng cách sử dụng AI để phân tích các khối u ở cấp độ phân tử và khoanh vùng, chọn lựa các liệu pháp miễn dịch phù hợp nhất bởi nó không gây ảnh hưởng đến tế bào khỏe mạnh trong quá trình điều trị.

*Telemedicine - Giải pháp cho nhiều bài toán của ngành Y tế

Khám chữa bệnh từ xa (Telemedicine) là mô hình cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho dù ở khoảng cách xa. Khám chữa bệnh từ xa gồm nhiều hình thức khác nhau như: chẩn đoán và tư vấn từ xa (Remote diagnosing and teleconsulting system); theo dõi người bệnh từ xa (Remote monitoring system); can thiệp từ xa (Remote intervention system); đào tạo từ xa (Remote education system, e-learning),... Việc này không chỉ đáp ứng kịp thời trong trường hợp tận dụng giờ vàng trong cấp cứu mà còn góp phần giảm tỷ lệ vượt tuyến khi bệnh nhân ở lại tuyến cơ sở nhưng vẫn có cơ hội được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa hẹp.

Ngoài những ứng dụng cụ thể nêu trên, ứng dụng chuyển đổi số trong y tế còn giúp các bệnh viện xây dựng bệnh án điện tử, giải pháp không chỉ giúp tiết kiệm chi phí sử dụng giấy tờ mà còn giúp lưu trữ hồ sơ bệnh án, tìm kiếm thông tin bệnh án, phục vụ công tác nghiên cứu trong y khoa. Trong lĩnh vực y tế dự phòng, sử dụng bệnh án điện tử sẽ giúp ngành chức năng sớm phát hiện những ổ dịch để từ đó bao vây, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Trong ngành dược, quản lý bệnh án điện tử giúp các cơ quan quản lý thuốc quản lý tốt trong khâu kê toa thuộc điều trị, nghiên cứu bào chế thuốc hiệu quả hơn.

Thách thức chuyển đổi số trong khu vực công ở Việt Nam - Ảnh 2.

Mô hình kết nối các cơ sở y tế . (Nguồn: Tác giả tổng hợp)

Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục

*Đào tạo từ xa (E-learing): là một hình thức dạy và học từ xa, dựa trên các thiết bị công nghệ hiện đại và có kết nối Internet. Giảng viên và học viên đều có thể tương tác trên hệ thống E-learning bằng máy tính, máy tính bảng, hoặc điện thoại thông minh có kết nối Internet.

*Giáo dục mô phỏng: Công nghệ thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality - AR) và thực tế ảo (Virtual Reality -VR) được triển khai rộng rãi trong đào tạo, dạy nghề bởi nó giúp người học có trải nghiệm thực tế qua mô phỏng 3D, qua đó bài giảng trở nên thực tế, dễ hiểu dễ nhớ và thu hút người học.

*Thư viện thông minh (Smart library): Là mô hình kết hợp giữa thư viện với công nghệ thông tin và các dịch vụ hỗ trợ học tập nhằm cung cấp những dịch vụ tốt nhất đáp ứng được tối đa các nhu cầu của người dùng.

Những vướng mắc và kiến nghị chính sách

Tuy quá trình thực hiện chuyển đổi số trong khu vực công ở Việt Nam đã và đang được triển khai, nhưng trên thực tế vẫn còn một số vấn đề cần được sự quan tâm nhiều hơn từ các cấp quản lý.

Thứ nhất, chính sách thiếu sự đồng bộ, chưa tạo được sự thống nhất, đồng thuận, hiểu biết đúng về chuyển đổi số. Ngày 03 tháng 06 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu là xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đây là sự tiếp nối, cụ thể hoá Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tuy nhiên, một số tổ chức và cá nhân đang chưa thật sự thống nhất về khái niệm chuyển đổi số và cho rằng quá trình này chỉ bao hàm ứng dụng các tiến bộ công nghệ vào quy trình xử lý công việc hay thực hiện số hóa các dữ liệu tại cơ quan. Từ chỗ hiểu sai đã dẫn đến những cách làm chưa đúng, thiếu thống nhất trong chỉ đạo, đầu tư dàn trải và gây lãng phí cho xã hội. Vì vậy, vấn đề làm rõ nội hàm của định nghĩa về chuyển đổi số là yêu cầu quan trọng hiện nay.

Thứ hai, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CSHT) và truyền thông là nền tảng đóng góp quan trọng vào sự thành công của quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, hiện nay CSHT vẫn chưa được đầu tư một cách đồng bộ tại các địa phương. Trong quá trình chuyển đổi số, hạ tầng số quốc gia phải đi trước một bước để đáp ứng các yêu cầu mới về bùng nổ thiết bị thông minh kết nối internet vạn vật (IoT) và giao tiếp giữa máy móc với nhau. Bản chất của Internet là mở, dựa trên công nghệ mở, giao thức mở, do đó, để phát triển an toàn Việt Nam cần phải làm chủ hạ tầng internet và không gian mạng. Xây dựng hạ tầng số cần sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân từ trung ương đến địa phương, phải có khung pháp lý cho hạ tầng số, nhất là vấn đề về dữ liệu, bảo vệ thông tin cá nhân. Hai vấn đề cần giải quyết song song chính là: (1) đảm bảo đồng bộ hạ tầng công nghệ triển khai được các hoạt động chuyển đổi số phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, và (2) đảm bảo năng lực vận hành công nghệ. Về nguồn vốn, cần có cơ chế ưu tiên, chính sách thích hợp trong việc huy động hiệu quả các nguồn lực từ xã hội, từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số còn thiếu, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đi cùng với quá trình chuyển đổi số là những giải pháp công nghệ, là sự thay đổi cơ chế, quy trình làm việc. Hiện các kỹ sư, lập trình viên vẫn được “săn đón” bởi các doanh nghiệp với mức thu nhập và chế độ đãi ngộ rất lớn. Trong khi đó, các tổ chức công gặp nhiều ràng buộc về chính sách lương, thưởng cho nhân viên dẫn đến không giữ chân được người tài. Để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cần ban hành, hoàn thiện chính sách thực sự đãi ngộ, thu hút nhân tài như: chế độ lương bổng, phúc lợi, cơ hội thăng tiến, cơ hội phát triển nghề nghiệp, trao quyền tự chủ và chịu trách nhiệm trong công việc, sự minh bạch trong quy trình tuyển dụng... Về dài hạn cần đẩy mạnh đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên về các chuyên ngành công nghệ số, kinh tế số và xã hội số như công nghệ trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, tài chính số, kinh doanh số, truyền thông số...

Thứ tư, nhiều quy định, quy trình làm việc thiếu hoặc không phù hợp khi ứng dụng chuyển đổi số. Do đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến chuyển đổi số bằng cách ban hành các thông tư hướng dẫn, rà soát, điều chỉnh các quy trình làm việc, điều chỉnh luật có liên quan đến quá trình chuyển đổi số. Chẳng hạn, trong ngành y tế muốn triển khai mô hình khám chữa bệnh, hội chẩn từ xa giúp giảm tải các cơ sở y tế tuyến trên, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo, nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở, thì cần ban hành các thông tư quy định về điều kiện hoạt động trên môi trường mạng thông qua các chuẩn của ngành. Nếu Luật Khám, chữa bệnh vẫn chưa được sửa đổi, đặc biệt là việc ký đơn thuốc từ xa vẫn còn nhiều vướng mắc, thì giải pháp khám chữa bệnh từ xa sẽ còn nhiều ách tắc. Trong ngành giáo dục, các quy chế quy định về việc giảng dạy trực tuyến, quy chế tổ chức thi trực tuyến cũng cần được nghiên cứu, ban hành và hướng dẫn đến các cơ sở giáo dục. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số cũng gắn liền với việc thu thập, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu. Chính vì vậy, tùy theo từng ngành, vấn đề dữ liệu cũng cần được quy định cụ thể. Hoàn thiện hành lang pháp lý về chuyển đổi số là một trong những ưu tiên hàng đầu khi tiến hành chuyển đổi số. Khi xuất hiện hàng loạt công nghệ mới phát sinh từ quá trình chuyển đổi số, kéo theo việc thay đổi các yêu cầu nghiệp vụ thì hệ thống pháp luật đi kèm cũng cần thay đổi, bổ sung nhanh chóng.

Theo Nhóm Tác giả: TS. Đinh Công Khải; TS. Nguyễn Văn Dư; ThS. Nguyễn Lê Hoàng Long

Diễn đàn Doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên