MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thách thức lớn đối với mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD

09-04-2017 - 07:51 AM | Thị trường

Tôm xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn như nguyên liệu tôm khan hiếm, giá tôm nguyên liệu cao hơn so với giá chào bán xuất khẩu, nhiều thị trường nhập khẩu tôm bắt đầu gắt gao hơn trong kiểm dịch và nhập khẩu. Mục tiêu xuất khẩu tôm đạt từ 8-10 tỷ USD vào năm 2025 là khá khó khăn.

Mục tiêu không dễ dàng

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2016 là năm đặc biệt khó khăn đối với ngành nông nghiệp và nuôi tôm do tình hình hạn hán, mặn diễn ra khốc liệt tại Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ tính riêng tại 3 tỉnh trọng điểm (Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang) tổng diện tích tôm thiệt hại đã chiếm hơn 180.000 ha, song bằng những biện pháp kịp thời, ngành tôm đã đạt được những kết quả khả quan khi tổng diện tích thả nuôi là 694.645 ha (đạt 100,1% so với cùng kỳ 2015), với tổng sản lượng thu hoạch đạt 657.282 tấn, bằng 109,5% so với năm 2015.

Năm 2016, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt kim ngạch khoảng 7,1 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2015. Trong số này, tôm vẫn mang lại giá trị xuất khẩu cao nhất cho ngành thủy sản, chiếm 44% về giá trị. Cụ thể, Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 90 thị trường, đạt kim ngạch hơn 3,1 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2015. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 62,1%, tôm sú chiếm gần 29,5%, tôm biển khác chiếm 8,3%.

Mặc dù, ngành tôm Việt Nam đã đạt được những thành tựu và kết quả vô cùng to lớn, tuy nhiên, ngành tôm vẫn chưa phát huy được hết những tiềm năng và lợi thế. Quá trình phát triển ngành tôm vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập và mâu thuẫn, có nguy cơ rủi ro không hề nhỏ, tác động trực tiếp đến kết quả và tính bền vững trong sản xuất. Hệ thống cơ sở hạ tầng đã đầu tư, nhưng chưa theo kịp với những yêu cầu của thực tế, chưa có trọng tâm, trọng điểm; tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, khó kiểm tra, kiểm soát; những mô hình áp dụng công nghệ cao còn khá hạn chế; sản xuất, quản lý con giống, thức ăn, dịch bệnh, môi trường… còn rất nhiều điểm chưa phù hợp; sự liên kết trong sản xuất, quản lý giữa các ban ngành còn lỏng lẻo….

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, với việc Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, ngành tôm cũng có nhiều cơ hội, triển vọng, tuy nhiên cũng có không ít thách thức về rào cản kỹ thuật, bảo hộ sản xuất trong nước… Bên cạnh đó, hiện tượng ô nhiễm môi trường, tác động của biến đổi khí hậu theo hướng ngày càng xấu, đã và đang là thách thức rất lớn trong quá trình sản xuất.

Nhận định về thị trường tôm xuất khẩu, nhiều chuyên gia cho rằng, tuy thị trường xuất khẩu cho tôm vẫn còn rất nhiều, nhưng rào cản đối với tôm xuất khẩu của Việt Nam cũng ngày càng nhiều hơn. Những năm gần đây, các thị trường nhập khẩu như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Brazil, Ả-rập Xê-út... liên tục đưa ra những cảnh báo về an toàn thực phẩm, thậm chí cấm nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Đặc biệt, từ năm 2017, tình hình thế giới đang có những diễn biến mới theo hướng bảo hộ mậu dịch trong nước có thể có những tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm. Trong khi đó, dự báo sản lượng tôm của các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan có thể phục hồi tăng trưởng vào các năm 2017 và 2018 sau thời kỳ sụt giảm sản lượng do dịch bệnh. Đây sẽ là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng xuất khẩu của tôm Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị “Triển khai kế hoạch sản xuất ngành tôm năm 2017” vừa được tổ chức tại Sóc Trăng, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa nhận, việc đạt được mục tiêu xuất khẩu tôm tới năm 2025 đạt mức 10 tỷ USD là việc không dễ dàng gì, nhất là trong bối cảnh ngân sách đầu tư không thể tăng được.

Bàn về những yếu tố căn cơ để phát triển ngành tôm trong thời gian tới, theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, cần phải tổ chức lại sản xuất, rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch. Đồng thời, tăng cường hợp tác và liên kết trong sản xuất, tập trung hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác và các mô hình liên kết theo chuỗi.

Cần những đột phá

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025. Theo đó, trong giai đoạn 2017-2020, với mục tiêu tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm thông qua áp dụng các tiến bộ về khoa học công nghệ và tạo giá trị khác biệt của sản phẩm tôm Việt Nam, xây dựng nền tảng cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng một cách bền vững ở giai đoạn tiếp theo.

Đối với nuôi tôm nước lợ công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức rà soát, quy hoạch các vùng tập trung nuôi tôm công nghiệp, công nghệ cao, vùng sản xuất giống tập trung, đặc biệt khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực ven biển miền Trung. Trong đó, xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm tôm công nghiệp công nghệ cao của Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, đưa năng suất trung bình lên trên 1 tấn/ha.

Tôm sinh thái, quảng canh sẽ được quy hoạch hình thành vùng nuôi có quy mô lớn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh. Xây dựng tỉnh Cà Mau thành trung tâm tôm sú sinh thái (tôm rừng, tôm lúa, tôm quảng canh), đưa năng suất lên 700kg/ha.

Đối với tôm càng xanh, tập trung phát triển tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre...

Riêng đối với tôm hùm sẽ được tập trung quy hoạch và phát triển tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định; tổ chức xúc tiến thương mại, xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, mở rộng thị trường tiêu thụ và các biện pháp bảo quản sau thu hoạch để xuất khẩu tôm hùm giá trị cao sang các nước trong khu vực và thế giới.

Để đạt được mục tiêu tổng thể trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra các nhóm giải pháp cơ bản như: Rà soát quy hoạch, nâng cấp hạ tầng thủy lợi, giao thông đầu mối, điện ba pha tại các vùng sản xuất tôm công nghiệp tập trung. Tổ chức lại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán theo hình thức hợp tác thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung và liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Theo Xuân Thảo

Hải quan

Trở lên trên