Thái Bình cần đột phá trong chuyển đổi số
Tỉnh Thái Bình xác định cần chuyển đổi số phù hợp với bối cảnh, tình hình của địa phương để phát triển nhanh và bền vững.
- 13-08-2022Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện - Bài cuối: Cần hợp sức từ mọi nguồn lực
- 13-08-2022Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện - Bài 2: Nền tảng công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh thái Bình về công tác chuyển đổi số để phát triển KT-XH theo hướng bền vững.
Thái Bình phấn đấu 100% doanh nghiệp áp dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh
Đổi mới toàn diện hướng tới chính quyền số
Ông Thận cho rằng, trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số được xác định là giải pháp quan trọng, xu hướng tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng, thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế. Tỉnh Thái Bình xác định chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực.
Mục tiêu đến năm 2030, Thái Bình đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền tiến tới xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo thống kê, đến nay, tỷ lệ thực hiện thủ tục hành chính của tỉnh đang cung cấp ở mức độ 3, 4 đạt 73%. Trong đó, các sở, ngành và UBND cấp huyện, tỷ lệ văn bản điện tử có chứng thực số và ký số đã đạt 94%.
Về hoạt động kinh tế số, tỉnh Thái Bình chú trọng đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử chủ yếu trên các sàn; phát triển xã hội số ngành giáo dục đẩy mạnh việc dạy và học trực tuyến. Ngành y tế đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Chuyển đổi số có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao chất lượng trong công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc, phục vụ người dân được tốt hơn. Trong thời gian qua, việc thực hiện Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng, ông Thận bày tỏ.
Ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Trưởng ban Chỉ đạo về chuyển đổi số phát biểu tại hội nghị phổ biến, tuyên truyền về chuyển đổi số và Đề án 06 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Thái Bình xác định mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp. Toàn tỉnh phấn đấu nâng tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt 80% trở lên; 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Hướng tới 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Mục tiêu đưa tỉnh Thái Bình thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu toàn quốc về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số.
Góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp
Người đứng đầu UBND tỉnh Thái Bình cho biết, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số và là một nội dung cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mở ra cơ hội bứt phá phát triển nhanh và bền vững.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, Thái Bình có 1,1 triệu người dân trong độ tuổi lao động. Nếu tỉnh quan tâm đào tạo kỹ năng số cho người lao động thì sẽ thu hút các doanh nghiệp tìm về đầu tư nhiều hơn. Tỉnh cũng nên tập trung chuyển đổi số cho tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn thay vì phát triển doanh nghiệp số.
"Thái Bình hiện có khoảng 700.000 người có điện thoại thông minh và chưa người dân nào có danh tính số. Do đó, Thái Bình nên tiên phong phổ cập danh tính điện tử, danh tính số. Tức là, thay vì phải đến tận địa chỉ cần để đưa căn cước công dân hay chứng minh danh tính thì có thể chứng minh bằng tài khoản di động. Hiện tại, Bộ TT&TT đã phê duyệt 35 nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số. Thái Bình cần công bố các nền tảng số được tỉnh lựa chọn để giải quyết các bài toán của xã hội, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh", ông Dũng lưu ý.
Nhấn mạnh những khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận chuyển đổi số, ông Đỗ Văn Vẻ, Phó TGĐ Tập đoàn Hương Sen, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình bày tỏ, các doanh nghiệp trong tỉnh mong muốn được tháo gỡ những khúc mắc còn tồn tại lâu nay, chính quyền cần hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn trong việc tiếp cận các thông tin thực tế, có tính ứng dụng cao về chuyển đổi số thay vì những thông tin chỉ mang tính lý thuyết.
Theo bà Đỗ Thị Đông, Giám đốc công ty CP sợi Trà Lý, hiện nay, việc chuyển đổi số rất thuận lợi vì ngoài sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh Thái Bình, còn có rất nhiều công nghệ tốt, hạ tầng tốt, nhân lực tốt. Công nghệ, công cụ, ngôn ngữ lập trình nhân sự là giống nhau nhưng quyết định giải pháp chuyển đổi số thành công thuộc về các chủ doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp phải chuyển đổi số tại chính doanh nghiệp mình, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế.
Tập đoàn VNPT và UBND tỉnh Thái Bình đã ký kết hợp tác chiến lược về VT-CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2021-2026.
Ông Đỗ Như Lâm, Giám đốc Sở TTTT Thái Bình cho biết, bên cạnh sự chủ động trong phát triển và hoàn thiện về hạ tầng chính quyền điện tử, Thái Bình còn sở hữu một lợi thế lớn về nguồn nhân lực. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn cũng là một động lực chuyển đổi số quan trọng cho công cuộc chuyển đổi số của Thái Bình.
Với sự thống nhất về nhận thức và hành động, quyết tâm cao, tỉnh sẽ triển khai thật tốt các nhiệm vụ về chuyển đổi số, Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, phục vụ cho phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thái Bình trong thời gian tới, ông Lâm nhấn mạnh.
Có thể nói, để Thái Bình bứt phá và tạo sự hài lòng người dân, doanh nghiệp, chính quyền tỉnh phải nỗ lực quyết tâm thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Từ đó sẽ tạo điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Diễn đàn doanh nghiệp