MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thái độ với Grab và Uber: Singapore ủng hộ ngầm, Thái Lan lo ngại, Indonesia áp giá sàn

Những quy định lạ lùng về taxi khiến cho Uber và Grab là một giải pháp cho việc phát triển mạnh hơn phương tiện công cộng. Trong khi đó, Thái Lan bày tỏ lo ngại về việc taxi công nghệ không tuân thủ pháp luật như taxi truyền thống.

Singapore

Chính phủ Singapore đặc biệt khuyến khích Uber tại quốc gia của họ. Lý do là những chiếc xe cho thuê được vận hành bởi Uber sẽ dành phần lớn thời gian hoạt động trên đường thay vì ở trong bãi đỗ - như những chiếc xe thuộc sở hữu tư nhân. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng được sử dụng một cách hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, chính phủ Singrapore chỉ có thể ngấm ngầm ủng hộ Uber, vì vướng phải sự phản đối của hàng chục nghìn tài xế taxi truyền thống. Để có bằng lái xe taxi, bạn phải là công dân Singapore. Đó là một yêu cầu kỳ quặc so với các quốc gia khác hoặc thậm chí là các công việc khác ở ngay Singapore.

Lý do cho quy định này chưa được chính thức công bố, nhưng thật dễ dàng để thấy được ý nghĩa chính trị. Thực tế, lái taxi ở Singapore thường là phương sách cuối cùng khi một người không thể tìm được một công việc phù hợp khác vì tuổi già hoặc sau khi bị sa thải. Nó không phải là một công việc hấp dẫn. Hơn một nửa thu nhập của một lái xe taxi là để chi trả cho các công ty cho thuê xe hơi và nhiên liệu. Nếu những người này mất việc làm cho lao động nước ngoài giá rẻ, chính phủ sẽ mất tín nhiệm trong các cuộc bầu cử.

Nhưng chính phủ đã tìm ra giải pháp, và Uber là một phần trong số đó, bởi nó có thể thu hút tài xế ra khỏi các công ty taxi với tỷ lệ cho thuê cắt cổ. Nếu Uber mang đến các dịch vụ hậu cần và giao hàng tiện lợi, sẽ có thêm việc làm cho các lái xe taxi. Uber, do đó, giải quyết hai vấn đề lớn đối với chính phủ: cung cấp công ăn việc làm và giảm tải gánh nặng giao thông.

Thái Lan

Thái độ với Grab và Uber: Singapore ủng hộ ngầm, Thái Lan lo ngại, Indonesia áp giá sàn           - Ảnh 1.

Nhà chức trách Thái Lan bày tỏ mối lo ngại về việc tuân thủ pháp luật của dịch vụ xe hơi công nghệ. Mặc dù công nhận sự phổ biến và hữu ích của dịch vụ này, đặc biệt với những người trẻ tuổi, cơ quan quản lý của Thái Lan cũng cho rằng các tài xế không có bảo hiểm khi chở hành khách và không có đăng ký thích hợp, thì tài xế không có quyền nhận tiền từ hành khách. Hiện tại, các nhà quản lý bị lúng túng bởi Uber đang không tuân theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan lại ủng hộ Grab. Grab tự bước vào thị trường cùng thời điểm với Uber. Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận của họ khéo léo hơn khi làm việc với chính quyền và các bên liên quan. Mặc dù Grab về cơ bản cung cấp dịch vụ tương tự Uber, nhưng họ đã có những thỏa thuận và không làm ảnh hưởng đến công việc quản lý của các nhà chức trách. It nhất là họ có vẻ rất hợp tác với chính phủ.

Ở châu Á, ấn tượng đầu tiên là tối quan trọng, Uber đã không để lại một ấn tượng tốt đẹp với các nhà quản lý Thái Lan, vì vậy, họ đã thất bại trước Grab.

Indonesia

Chính quyền Indonesia cho phép các dịch vụ như Uber và Grab hoạt động tại đất nước họ, nhưng đặt ra các chính sách điều tiết riêng. Chính phủ đặt giá sàn, giá trần và thuế cho các dịch vụ di chuyển bằng ô tô thông qua các ứng dụng di động. Đây là một động thái để điều chỉnh ngành dịch vụ đang phát triển này.

Thái độ với Grab và Uber: Singapore ủng hộ ngầm, Thái Lan lo ngại, Indonesia áp giá sàn           - Ảnh 2.

Tổng cục trưởng Cục đường bộ Bộ Giao thông vận tải Indonesia, Pudji Hartanto, cho biết hệ thống thuế quan bắt buộc cho dịch vụ này mới được ban hành gần đây, được phân biệt dựa trên hệ thống phân vùng. Khu vực đầu tiên bao gồm Sumatra, Java và Bali, trong khi khu vực thứ hai bao gồm Kalimantan, Sulawesi, Nusa Tenggara, Maluku và Papua. "Mức thuế tối thiểu cho khu vực đầu tiên là 3.500 Rp /km và tối đa là 6.000 Rp /km, trong khi khu thứ hai, mức thuế tối thiểu được đặt tại 3.700 Rp và mức thuế tối đa là Rp. 6.500".

Tại Indonesia, Uber và Grab đã làm dấy lên mối quan ngại giữa các nhà cung cấp dịch vụ vận tải thông thường - như taxi truyền thống. Các hãng taxi truyền thống cũng cáo buộc những doanh nghiệp lớn như Go-Jek, Grab và Uber đang phá giá bằng cách trợ giá quá lớn cho khách hàng sử dụng dịch vụ vận tải di động của họ.

Nguyễn Thái Quỳnh Trang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên