Thái Lan đối mặt khủng hoảng nợ hộ gia đình
Bà Jiraporn Maysoongnoen, 58 tuổi, không thể nhớ mình mắc nợ từ lúc nào. Khi mới làm giáo viên với mức lương 2.200 baht (60 USD)/tháng, bà đã vay tiền mua một chiếc xe máy để đi làm ở miền Đông Thái Lan.
- 27-06-2022Ngành bảo hiểm Thái Lan trước nguy cơ vỡ nợ dây chuyền vì đại dịch
- 18-02-2022Đọc hụt hơi 15 giây mới xong tên đầy đủ của thủ đô Thái Lan: Dân bản địa cũng khó nhớ hết!
- 17-02-2022Choáng với tên thủ đô "hack não" mới của Thái Lan: Dài nhất thế giới, dài đến nỗi có thể làm lời cho toàn bộ một bài hát
Cách đây 20 năm, bà Jiraporn một lần nữa vay tiền mua xe buýt du lịch để kinh doanh thêm. Khoản nợ của người phụ nữ này ngày càng phình to sau khi mua một căn nhà mới cho gia đình, hỗ trợ tài chính cho người thân và trả các khoản vay bằng thẻ tín dụng.
Dù thu nhập hiện tại đã gấp 30 lần so với 40 năm trước nhưng bà hiện vẫn mắc nợ 8 triệu baht. "Tôi không biết có trả hết nợ vào năm tôi 80 tuổi hay không. Nhưng tôi khó có thể kiếm được bất cứ thứ gì nếu không có các khoản vay" - người phụ nữ này bộc bạch với tờ South China Morning Post.
Câu chuyện của bà Jiraporn nêu bật cuộc khủng hoảng nợ hộ gia đình đang ảnh hưởng đến khoảng một nửa trong số 66 triệu người dân Thái Lan.
Theo quan chức Ngân hàng Trung ương Thái Lan Kajorn Thanapase, nhiều người dân nước này mắc nợ khi còn trẻ hoặc khởi nghiệp. Phát biểu tại cuộc hội thảo gần đây, ông Kajorn dẫn dữ liệu cho thấy khoảng 50% người trên 30 tuổi đang mắc nợ tài chính và 20% trong số họ không có khả năng trả hết nợ.
Theo Ngân hàng Trung ương Thái Lan, nợ hộ gia đình tại nước này đã đạt mức 90% GDP, tương đương 14.500 tỉ baht vào cuối năm 2021. Con số này được dự báo tiếp tục tăng, làm tê liệt tiêu dùng và cản trở kinh tế phục hồi.
Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở thủ đô Bangkok - Thái Lan Ảnh: REUTERS
Để ngăn tình hình thêm tồi tệ, Chính phủ Thái Lan đang nỗ lực giúp nông dân, giáo viên, công chức, cảnh sát và người có khoản vay sinh viên tái cơ cấu nợ và giải quyết các khoản vay. Nhiều giáo viên, trong đó có bà Jiraporn, đã vay tiền của một quỹ tiết kiệm được chính phủ hậu thuẫn.
Tiền nợ được trả hàng tháng bằng cách trừ tự động qua tài khoản ngân hàng, khiến nhiều người không đủ tiền chi tiêu. Điều này tạo thành một vòng luẩn quẩn, khiến họ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất khi tiếp tục vay mượn (thông qua thẻ tín dụng hoặc từ bọn cho vay nặng lãi) để trang trải các chi phí cơ bản.
Dù vậy, bà Pavida Pananond, chuyên gia tại Trường Kinh doanh Thammasat (Thái Lan), nhận định nước này hiện đối mặt một số trở ngại trên con đường tìm giải pháp cho vấn đề nợ hộ gia đình.
"Nợ hộ gia đình so với GDP tăng lên trong giai đoạn này là đáng lo ngại vì lạm phát và lãi suất tăng sẽ làm giảm khả năng trả nợ của các hộ gia đình, gây rủi ro cho sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và người vay nợ. Kinh tế Thái Lan được dự báo sẽ tăng trưởng chậm ít nhất là cho đến năm 2025, khiến việc trả nợ thêm khó khăn. Dân số già đi cũng đồng nghĩa một số người vay nợ phải đối mặt nhiều thách thức hơn trong việc trả nợ do thu nhập bị giảm" - bà Pavida giải thích.
Người Lao động