Thái Lan: Sở hữu công việc ổn định cũng không thể trả khoản nợ 5 tỷ đồng, chính phủ và các tổ chức nỗ lực hỗ trợ người dân
Quan chức NHTW Thái Lan (BOT) - Kajorn Thanapase, cho biết 1 nửa số người trên 30 tuổi tại Thái Lan đều mắc nợ và 1/5 trong số đó không có khả năng để thanh toán toàn bộ.
Chưa một lần thảnh thơi vì khi nào cũng "ôm nợ"
Jiraporn Maysoongnoen (58 tuổi) không thể nhớ khi nào mình không có một khoản nợ trong tay. 18 tuổi, Jiraporn bắt đầu công việc là một giáo viên với mức lương hàng tháng từ 2.200 baht (60 USD). Sau đó, bà đi vay tiền mua một chiếc xe máy để đi làm ở miền đông Thái Lan.
Để có thêm thu nhập, Jiraporn bắt đầu bán tour du lịch từ cách đây khoảng 20 năm. Bà lại vay tiền để mua một chiếc xe bus chở khách du lịch. Khoản nợ ngày càng lớn sau khi Jiraporn mua một căn nhà mới cho gia đình, hỗ trợ họ và trả nợ thẻ tín dụng.
Dù hiện tại kiếm được số tiền gấp 30 lần so với cách đây 4 thập kỷ, nhưng Jiraporn cho biết bà chưa một từng một lần thảnh thơi vì không phải "ôm nợ". Những khoản nợ của bà ngày càng lớn và hiện lên tới 8 triệu bath (218.000 USD). Jiraporn chia sẻ: "Tôi không biết liệu đến năm 80 tuổi mình có trả hết nợ hay không. Nhưng tôi không có cách nào để sống mà không phải vay tiền."
Dù có được khoản thu nhập ổn định, nhưng không như hàng triệu người làm việc trong lĩnh vực phi truyền thống của Thái Lan, Jiraporn lại là một phần trong cuộc khủng hoảng nợ hộ gia đình. Tình trạng này đang ảnh hưởng đến khoảng 1 nửa trong số 66 triệu dân của xứ Chùa vàng.
Một người bán hàng rong trên phố ở Bangkok.
Theo quan chức NHTW Thái Lan (BOT) - Kajorn Thanapase, nhiều người Thái mắc nợ khi họ còn trẻ hoặc mới bắt đầu sự nghiệp. Phát biểu tại một cuộc hội thảo gần đây, ông nói, số liệu cho thấy 1 nửa số người trên 30 tuổi tại Thái Lan đều mắc nợ và 1/5 trong số đó không có khả năng để thanh toán toàn bộ. Điều này đang trở thành "vết sẹo kinh tế" và ảnh hưởng đến năng suất lao động cũng như tâm lý của họ.
BOT đã khởi động một chiến dịch "khám nợ" vào khoảng năm 2017, tập trung vào việc bổ sung kiến thức tài chính, đi vay có trách nhiệm cho người dân. Chính phủ Thái Lan đã chỉ định 2022 là năm chống nợ hộ gia đình, với mục đích giúp các nông dân, giáo viên, nhân viên của chính phủ, cảnh sát và những người có nợ sinh viên tái cơ cấu và xử lý nợ.
Nhiều giáo viên – bao gồm cả Jiraporn, đã nhận khoản vay từ Quỹ Tiết kiệm Hợp tác dành cho giáo viên do chính phủ hậu thuẫn. Theo đó, khoản nợ hàng tháng sẽ được tự động trừ vào tài khoản ngân hàng của họ. Một số người đi vay thậm chí không còn hoặc chỉ còn rất ít tiền sau khi trả nợ. Điều này tạo thành một vòng luẩn quẩn, khiến họ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất và không ngừng đi vay – từ thẻ tín dụng đến vay nặng lãi, để chi trả các khoản chi tiêu cơ bản.
Vòng luẩn quẩn: Kiếm tiền - trả nợ - đi vay
Nợ hộ gia đình ở Thái Lan đã lên mức 90% GDP vào cuối năm 2019 và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng. Xu hướng này đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động tiêu dùng và kìm hãm đà hồi phục của nền kinh tế. Tỷ lệ nợ của Thái Lan thuộc top cao nhất châu Á, khi nợ hộ gia đình của Hàn Quốc là 104% nhưng đây lại là nền kinh tế phát triển. Theo BOT, nợ hộ gia đình của Thái Lan đạt mức 14,5 nghìn tỷ baht (394 triệu USD) vào năm 2021. Các khoản vay chủ yếu tập trung vào việc thế chấp nhà, cho vay kinh doanh và cho thuê ô tô hoặc xe máy.
Nhiều cửa hàng ở Thái Lan phải đóng cửa vì đại dịch.
Pavida Pananond – giáo sư kinh doanh quốc tế tại Trường Kinh doanh Thammasat, cho biết Thái Lan gặp một vài trở ngại trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ gia đình. Bà cho hay: "Nợ hộ gia đình không hẳn là điều tiêu cực nếu họ có thể thanh toán nợ. Tuy nhiên, mức nợ hộ gia đình/GDP tăng trong giai đoạn này là điều đáng lo ngại, vì lãi suất cùng lạm phát gia tăng sẽ khiến người dân khó trả nợ hơn. Điều này tạo rủi roc ho sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng các con nợ."
Theo Pananond, Thái Lan được dự báo sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp ít nhất là cho đến năm 2025. Do đó, việc thanh toán các khoản nợ cũng trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, dân số già cũng khiến một số con nợ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong việc trả nợ do thu nhập sụt giảm.
James Guild – trợ giảng tại Trường nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam, cho biết nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ hộ gia đình ở Thái Lan tăng cao có từ trước Covid-19.
Ông nói: "Khi lương thấp, các hộ gia đình sẽ phải đi vay để chi trả cho hoạt động tiêu dùng. Hơn nữa, chính sách tiền tệ được nới lỏng trong vài năm qua cũng giúp các hộ gia đình dễ dàng tiếp cận với các khoản tín dụng hơn. Nhưng điều này càng trở nên tồi tệ khi thu nhập giảm sút do ảnh hưởng của đại dịch."
"Tia sáng" trả nợ cho những người gặp khó khăn
Trong thời gian nghỉ hè, Jiraporn làm những công việc thời vụ như tài xế xe tải chở hàng ở miền trung và miền đông Thái Lan – nơi có nhiều các nhà sản xuất và phân phối. Bà cho biết, công việc này giúp bà kiếm được 70.000 – 80.000 baht (1.900 – 2.170 USD)/tháng và điều kiện làm việc không quá tệ. Nhiều trong số các tài xế khác cũng là phụ nữ.
Jiraporn nhận việc tài xế sau khi được Achin Chunglog tư vấn – ông là phó chủ tịch của Quỹ hoạt động Cải cách quyền của Những người mang nợ Supa Wongsaena (Foundation for Debtors’ Rights Reform). Achin gia nhập tổ chức này vào năm 2009 và chỉ hơn 1 năm sau, hơn 10.000 đã đăng ký tham gia chương trình và họ có số nợ hơn 7 tỷ baht (190 triệu USD).
Achin chia sẻ: "Lần đầu tôi gặp Jiraporn, bà có 6 khoản nợ thẻ tín dụng và thậm chí còn bị công ty tín dụng kiện, sau đó tịch thu nhà của bà. Kế hoạch để giúp Jiraporn trả nợ là tìm cách dàn xếp với công ty thẻ tín dụng và từ từ trả nợ."
Achin cho biết nhiều người Thái ở trong "vòng lặp" mắc nợ triền miên vì đây là cách họ thực hiện để có tiền tiêu. Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này, Achin đang tăng cường làm việc với mạng lưới khoảng 50 tình nguyện viên ở một số vùng của Thái Lan, bổ sung kiến thức về tài chính cho họ để tư vấn các vấn đề về nợ.
Tham khảo SCMP