Thái Lan tiếp tục cảnh báo về lũ lụt
Nhiều khu vực ở tỉnh Chiang Mai - Thái Lan, bao gồm thành phố thủ phủ cùng tên, có thể bị ngập lụt trong những ngày tới.
- 25-09-2024Châu Âu biến thành sông: Loạt quốc gia chịu mưa lũ “300 năm có 1”, ô tô, nhà cửa trôi nổi trong biển nước
- 24-09-2024Nhiều khu vực tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc "oằn mình" chống lũ lụt
- 23-09-2024Lũ lụt từ cơn mưa kỷ lục tạo ra khung cảnh tan hoang tại Nhật Bản: Nhiều ngôi nhà bị cuốn phăng, ô tô chìm trong biển nước
Theo Bloomberg, Văn phòng Tài nguyên nước quốc gia Thái Lan hôm 26-9 cảnh báo rằng tỉnh Chiang Mai ở phía Bắc đất nước sẽ ngập nhiều nơi hơn, bao gồm TP Chiang Mai, và ngập nặng hơn khi mực ở sông Ping dự kiến dâng cao hơn nữa cho đến ngày 27-9.
Một số khu vực ở trung tâm TP Chiang Mai đã bắt đầu bị ngập lụt từ sáng 25-9.
Trong ngày 26-9, mực nước sông Ping có hạ nhưng tình hình ở thành phố du lịch nổi tiếng Chiang Mai vẫn nghiêm trọng, khi lũ lụt gây thiệt hại cho nhiều khu vực kinh tế, theo The Bangkok Post.
Mực nước tại cầu Naowarat ở thành phố này là 4,8 m vào lúc 10 giờ sáng ngày 26-9, giảm so với mức 4,93 m vào lúc 2 giờ sáng, phá vỡ kỷ lục trước đó là 4,9 m được thiết lập cách đây 13 năm.
Tại khu chợ đêm vốn thu hút rất nhiều du khách của thành phố, mực nước dâng cao đến 1 m.
Trung tâm Y tế Khu vực 1 ở quận Muang đã phải đóng cửa vào cùng ngày trong khi bệnh viện Lanna 3 thông báo rằng họ sẽ không tiếp nhận bệnh nhân ngoại trừ trường hợp cấp cứu cho đến đầu tuần sau, vì nước lũ đã tràn vào nhiều khu vực, bao gồm khoa cấp cứu.
Ông Kuakul Manasamphansakul, Giám đốc cơ quan thủy lợi tỉnh Chiang Mai, cho biết nước lũ đang chảy về phía ga xe lửa Chiang Mai và đường cao tốc 11, là tuyến đường chính nối thành phố này với TP Lampang.
Với dự báo về tình hình sông Ping khó lường, chính quyền thành phố cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc.
Tại tỉnh Chiang Rai lân cận, nhà cửa và khu vực công cộng ở trung tâm thành phố đã bị phủ đầy bùn sau khi nước lũ rút đi.
Trước đó, lũ quét và lở đất do bão Yagi gây ra đã khiến 14 người thiệt mạng, sân bay phải đóng cửa tại nơi đây.
Hôm 25-9, Cục Thủy lợi Thái Lan cảnh báo một số đập dọc theo sông Chao Phrapya sẽ xả nước, điều này có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Việc xả nước cũng sẽ ảnh hưởng đến một số tỉnh miền Trung bao gồm Phra Nakhon Si Ayutthaya, một trung tâm sản xuất lớn. Năm 2011, tỉnh này đã phải hứng chịu trận lũ lụt được coi là tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, khiến hàng trăm người tử vong và ảnh hưởng đến hàng triệu người.
Nguồn cung cấp nước tại đập Mae Nghat - hồ chứa nước lớn nhất của Chiang Mai - sẽ đạt 112% công suất lưu trữ vào ngày 27-9, trong khi đập Queen Sirikit ở tỉnh Uttaradit - hồ chứa nước lớn thứ hai ở Thái Lan - hiện đạt 90% công suất, mức cao nhất kể từ năm 2017.
Người Lao động