MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thảm cảnh 3.700 người bị giam lỏng trên siêu tàu du lịch: Đếm số xe cứu thương để biết lượng người nhiễm corona

10-02-2020 - 14:16 PM | Tài chính quốc tế

Không được phép lên bờ, gần 3.700 người trên chiếc tàu du lịch Diamond Princess không chỉ bị mắc kẹt trong các ca bin khi nó cập cảng Nhật Bản gần 1 tuần qua mà còn đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh cao từ virus corona.

Khi tàu du lịch Diamond Princess trở lại cảng Yokohama, Nhật Bản vào sáng 9/2 sau một đêm cách ly trên biển, những hành khách may mắn có thể nhìn thấy xe cứu hỏa và 15 xe cứu thương đang chờ dưới bến cảng. Đó là dấu hiệu đáng sợ đối với gần 3.700 người mắc kẹt suốt 6 ngày qua trên tàu, nơi tập trung nhiều ca nhiễm viurs corona nhất ngoài Trung Quốc.

Chiều hôm đó, thuyền trưởng thông báo qua hệ thông thông tin liên lạc trên tàu rằng có thêm 6 người, bao gồm 5 thành viên thủy thủ đoàn, được xác định dương tính với virus corona. 8 người khác cũng được đưa khỏi tàu để điều trị các vấn đề về sức khỏe không liên quan đến loại virus đang làm cả thế giới khiếp sợ.

Cô Elizabeth Arana, 52 tuổi, một hành khách trên tàu quốc tịch Mỹ cho biết: "Chúng tôi đếm số xe cứu thương để biết số người bị đưa đi".

Với 6 ca nhiễm mới được xác nhận, số người nhiễm bệnh trên chiếc tàu du lịch Diamond Princess đã lên tới 70 người. Việc kiểm tra được chính phủ Nhật Bản tiến hành hồi tuần trước nhằm ngăn nguy cơ dịch bệnh lây lan. Số trường hợp nhiễm bệnh mới được công bố hàng ngày, làm dấy lên lo sợ của các hành khách rằng việc người Nhật kiểm soát y tế toàn bộ con tàu có thể khiến họ đứng trước nguy cơ mắc bệnh cao.

"Tôi biết căng thẳng và lo lắng làm ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của mình. Mọi thứ tôi làm chỉ để giữ cho mình bình tình bởi dù thế nào, tôi cũng đã ở đây. Tuy nhiên, hình ảnh những chiếc xe cứu thương xếp hàng bên mạn tàu mỗi ngày khiến chúng tôi không thể không lo sợ", cô Arana chia sẻ.

Hiện tại, hơn 2.600 hành khách đã bị cách ly trong những căn buồng của họ trên tàu kể từ khi Bộ Y tế Nhật Bản áp dụng các biện pháp kiểm dịch sau khi một người đàn ông rời tàu và được phát hiện dương tính với virus corona hôm 25/1. Hơn 1.000 thành viên thủy thủ đoàn cũng bị cách ly mặc dù họ vẫn tiếp tục làm các công việc như chế biến và phục vụ đồ ăn cho khách.

Ông Tsutsui Masato, 70 tuổi có mặt trên chiếc tàu du lịch sang trọng cùng vợ. Họ gần như không có cảm giác gì về dịch bệnh đang hoành hành ở Trung Quốc cho tới khi biết được rằng virus corona đang lây lan như thế nào trên tàu. Một số hành khách thì tỏ ra khó hiểu bởi chỉ có vài trăm người trên con tàu sang trọng 17 tầng được kiểm tra virus bởi họ là những người được cho đã trực tiếp tiếp xúc với hành khách nhiễm bệnh đầu tiên được xác định.

"Bây giờ, tôi không tin rằng người Nhật đang cố gắng ngăn chặn dịch bệnh lây lan bằng cách cách ly chúng tôi. Kế hoạch này có gì đó không ổn", bà Gay Courter, 75 tuổi, một tiểu thuyết gia người Mỹ, chia sẻ.

Ở thời điểm hiện tại, dù đã lây lan trên diện rộng nhưng có nhiều điều người ta vẫn chưa biết về cách lây truyền của loại virus này. Thủy thủ đoàn đang nỗ lực làm việc để bảo vệ cách hành khách nhưng trớ trêu thay, chẳng có cách nào để biết họ an toàn với virus. "Chẳng ai chắc chắn được điều gì. Chẳng có bằng chứng khoa học nào cho thấy virus sẽ không lây lan trong quá trình xử lý thực phẩm hoặc qua những người giao đồ ăn dù họ có trang bị găng tay cao su đi chăng nữa", bà Courter nói trong lo lắng.

Trong khi đó, một số hành khách khác sợ rằng virus lây lan qua hệ thống thông gió của tàu. Một số người đã chia sẻ những quan ngại của họ tới Đại sứ quán Mỹ ở Tokyo, Nhật Bản. Hôm 9/2, Đại sứ quán đã gửi cho 428 công dân Mỹ có mặt trên tàu một lá thư từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ. Bức thư nói rằng không có bằng chứng nào nói rằng virus corona có thể lây lan giữa các phòng trên tàu thông qua hệ thống thông gió.

Về phần mình, nhân viên truyền thông của Princess Cruises, công ty sở hữu con tàu Diamond Princess, cho biết hệ thống lọc không khí trên tàu đáp ứng được các tiêu chuẩn của những khách sạn, khu nghỉ đương và những sòng bài trên đất liền.

Một tin đồn cho biết Chính phủ Mỹ có thể đang tìm cách để đưa công dân nước này khỏi tàu trước hạn cách ly 14 ngày. Tuy nhiên, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng giao thức y tế an toàn và đáng tin cậy nhất để ngăn ngừa sự lây lan của virus trên tàu du lịch là để các hành khách ở nguyên tại chỗ, giống những gì đang diễn ra với những người trên tàu Diamond Princess.

"Sau khi hết hạn cách ly, công dân Mỹ sẽ được trở về nhà trên các chuyến bay thương mại và họ sẽ không phải cách ly thêm nữa", New York Times dẫn lời quan chức ngoại giao Mỹ cho biết.

Virus corona không phải vấn đề duy nhất với các hành khách trên Diamond Princess. Rất nhiều người có mặt trên tàu mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường và đã không còn thuốc dự trữ. Vào hôm 9/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nhật Bản Kato Katsunobu cho biết các vật tư y tế đã được chuyển đến và đáp ứng nhu cầu cho 100 người. Lượng vật tư khác đủ phục vụ thêm 500 người nữa sẽ tới sau 1 ngày.

Ngoài thuốc men, không khí trong lành đôi khi cũng là điều xa xỉ với những người trên tàu. Hôm 9/2, Montgomerys đi ra boong tàu để hít thở không khí theo quy định. Đây là lần đầu tiên cô Montgomerys bước ra ngoài kể từ khi hoạt động kiểm dịch được tiến hành. Dưới bầu trời xanh, vợ chồng cô Montgomerys đi cách xa những người khác 2m để đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, niềm vui nhỏ nhoi không đủ khỏa lấp những nỗi lo lớn của khách trên tàu. Số lượng người nhiễm bệnh liên tục tăng trong từng ngày khiến nhiều người cảm thấy lo lắng. Không được phép rời khỏi con tàu đang là ổ dịch lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc, nhiều hành khách lo sợ sẽ tới lượt họ nhiễm bệnh.

Thảm cảnh 3.700 người bị giam lỏng trên siêu tàu du lịch: Đếm số xe cứu thương để biết lượng người nhiễm corona - Ảnh 3.

Tham khảo: NYTimes


Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên