Thảm cảnh của Adidas: Thua xa cả 1 hãng đồ Trung Quốc, vật lộn tìm lại hào quang
2 năm trước, thương hiệu đồ thể thao này đã phạm sai lầm ở Trung Quốc và họ phải trả giá bằng việc mất thị phần và doanh số đáng kể.
- 20-05-2023Adidas nỗ lực thoát khỏi cơn bĩ cực kéo dài: Định đốt 'núi' giày 1,3 tỷ USD hay thanh lý toàn bộ?
- 01-05-2023Cơn bĩ cực của Adidas: Thích ‘đú’ theo trend để rồi thất bại thảm hại, phải ngậm ngùi quay về làm đồ thể thao
- 27-03-2023Khổ sở vì núi giày tồn kho tỷ USD và vô số cơn gió ngược, bao giờ Adidas mới có thể đuổi kịp Nike?
Để có lãi trở lại, Adidas nói rằng họ đầu tiên phải chấn chỉnh hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc.
2 năm trước, thương hiệu đồ thể thao này đã phạm sai lầm ở Trung Quốc và họ phải trả giá bằng việc mất thị phần và doanh số đáng kể. Hiện tại, khi công ty đang tiến hành cuộc cải tổ mang tầm toàn cầu dưới triều đại CEO Bjorn Gulden, họ bắt đầu tiến hành những hành động thúc đẩy hoạt động thể thao và văn hóa địa phương tại Trung Quốc.
Adidas bắt đầu tài trợ cho các sự kiện được tổ chức bởi chính phủ Trung Quốc và hỗ trợ những chương trình thể thao văn hóa chính thức. Họ cũng tham gia cùng với những ngôi sao thể thao Trung Quốc và phát triển nhiều sản phẩm hơn dành riêng cho người tiêu dùng địa phương.
Nỗ lực chấn hưng tại trung Quốc được Adidas thực hiện khi nhiều công ty Mỹ và châu Âu đang vật lộn với căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như sự nổi lên mạnh mẽ của những đối thủ cạnh tranh địa phương.
“Chúng tôi đã trải qua các giai đoạn thăng trầm nhưng vẫn tiếp tục tiến lên”, theo Adrian Siu – Giám đốc quản lý của Adidas tại trung Quốc. “Chúng tôi ở đây để hỗ trợ chính phủ Trung Quốc nhằm quảng bá thể thao và giúp mọi người có cuộc sống tốt hơn”.
Adidas đang tìm cách phục hồi sau hàng loạt những khó khăn gần đây, gồm cả việc mất đi mối quan hệ hợp tác từng là con gà đẻ trứng vàng với Kanye West và việc đóng cửa hàng ở Nga.
Adidas gặp rắc rối ở Trung Quốc vào năm 2021 khi công ty này cùng với hàng loạt hãng như H&M và Nike cam kết không sử dụng nguồn cotton từ Tân Cương, Trung Quốc. Việc này sau đó khiến Adidas hứng chịu làn sóng tẩy chay và cuối cùng doanh số chịu sự sụt giảm mạnh.
Hàng nghìn người tiêu dùng khi ấy đã công khai chỉ trích Adidas trên mạng xã hội, nói rằng thương hiệu này không tôn trọng Trung Quốc. Và gần 35 người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội Trung Quốc trước đó làm việc với Adidas cũng nhanh chóng quay lưng với thương hiệu này.
Adidas nói rằng họ vẫn duy trì lập trường không lấy nguồn cotton từ Trung Quốc. Nhưng họ sẽ sử dụng hàng loạt nhà cung cấp Trung Quốc – vốn sản xuất quần áo và đồ thể thao cho công ty này.
Năm ngoái, khi dịch Covid-19 khiến Thượng Hải và những thành phố lớn khác bị phong tỏa, doanh số tại Trung Quốc bị giảm mạnh, doanh thu khu vực châu Á của Adidas còn dưới 6 tỷ USD, giảm 1/3 so với mức đỉnh năm 2019.
Với Adidas, chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc là một nhiệm vụ cấp bách khi các đối thủ trong nước đang phát triển nhanh chóng và tìm cách lấy mất thị phần của họ. 2 thập kỷ trước Adidas và Nike đã thống trị thị trường thể thao Trung Quốc nhưng hiện nay, Anta và Li-Ning đang dẫn đầu nhóm những công ty nội địa đe dọa lật đồ những thương hiệu phương tây.
Năm ngoái, Nike và Adidas đã nắm lần lượt 15,35 và 9,7% thị phần đồ dùng thể thao của Trung Quốc so với mức 14,8% và 9,9% của Anta và Li-Ning.
Những đối thủ cạnh tranh ở địa phương đã thành công trong việc lấy nhiều thị phần hơn từ các thương hiệu nước ngoài trong suốt đại dịch, Gulden nói. Nhưng ông còn nói rằng việc chấn hưng Trung Quốc của công ty đang tạo ra kết quả với nhu cầu tăng lên và lượng tồn kho giảm xuống. “Đây là lần đầu tiên tôi thấy điều này trong rất rất nhiều quý”.
Vị lãnh đạo của Adidas thừa nhận rằng công ty sẽ không thể nào giành được mức thị phần ở Trung Quốc như họ từng đạt được. Tuy nhiên, với thị phần đồ thể thao của Trung Quốc dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh trong nhiều năm tới, chỉ gần giữ gần 10% thị phần cũng giúp thúc đẩy doanh thu.
Dưới sự lãnh đạo của Siu – người nắm nhiệm vụ điều hành hoạt động Trung Quốc từ 1 năm trước, Adidas đang thận trọng tìm cách lấy lại hình ảnh.
“Chúng tôi đã tăng cường tập trung vào thể thao bởi chính phủ Trung Quốc muốn khuyến khích người dân tập luyện thể thao nhiều hơn”, Siu nói. Adidas cũng đặc biệt tập trung vào các môn bóng rổ, chạy, trượt tuyết và tennis.
Ngoài tích cực tài trợ cho các sự kiện thể thao lớn của chính phủ, Adidas đã thành lập một trung tâm sáng tạo tại Thượng Hải vào năm 2019 với mục đích thiết kế nhiều sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng Trung Quốc, một thông lệ hiện là tiêu chuẩn cho nhiều thương hiệu phương Tây ở Trung Quốc.
Ông Siu cũng tiết lộ thêm rằng, khoảng 1/3 sản phẩm Adidas được bán tại Trung Quốc sẽ sớm được tạo ra tại địa phương. "Năm 2023 là một năm chuyển đổi" đối với Adidas tại Trung Quốc. Sau hai năm thảm họa, "chúng tôi cần được xem là một thương hiệu đáng kể trở lại”.
Nguồn: WSJ
Nhịp sống thị trường