MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thảm cảnh của những khu đất ‘vàng’ ở thị trường bất động sản đắt nhất thế giới: Hạ giá gần 80% vẫn không ai ‘nhòm ngó’

06-11-2021 - 08:33 AM | Tài chính quốc tế

Thảm cảnh của những khu đất ‘vàng’ ở thị trường bất động sản đắt nhất thế giới:  Hạ giá gần 80% vẫn không ai ‘nhòm ngó’

Các chủ sở hữu mặt bằng bán lẻ đắt đỏ nhất Hồng Kông đang đối mặt với lời cảnh tỉnh: thời kỳ cho thuê cửa hàng giá 1 triệu USD/tháng đã kết thúc.

Theo dữ liệu từ Cushman & Wakefield Plc., giá thuê mặt bằng tại 3 trong số các khu mua sắm cao cấp nhất thành phố này đang ở mức gần thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ. Các chủ sở hữu đang hạ giá gần 80% so với mức cao nhất cách đây 8 năm ở Phố Russell. Dãy mặt bằng ở Causeway Bay tại Đảo Hồng Kông là nơi có giá cho thuê đắt nhất thế giới tính đến số liệu công bố năm 2019.

Những gì đang diễn ra trái ngược hoàn toàn đối với khối tài sản của những gia đình giàu có và nhà đầu tư nhỏ lẻ đứng sau những địa điểm này. Họ từng thu lợi nhờ khách du lịch đại lục chi tiêu mạnh tay vào túi xách, đồng hồ và mỹ phẩm cao cấp. Giờ đây, các cửa hàng từng bán đồng hồ Thụy Sĩ đang trở thành địa điểm bán điện thoại giá rẻ, sau những cuộc bạo loạn năm 2019 và ảnh hưởng của đại dịch.

Kenneth Yau – giám đốc kinh doanh cấp cao của công ty bất đọng sản Midland IC&I Ltd., cho biết: "Hãy tưởng tượng rằng bạn có một cửa hàng ở khu trung tâm như Central, bạn sẽ không muốn cho một công ty bán mặt nạ dưỡng da thuê mặt bằng. Nhưng họ phải chấp nhận môi trường hiện tại."

Thảm cảnh của  nhất thế giới: Giá những khu đất vàng được hạ giá gần 80% nhưng không ai thuê  - Ảnh 1.

Giá thuê mặt bằng tại các khu mua sắm "vàng" ở Hồng Kông.

Khu mua sắm nổi tiếng Tsim Sha Tsui là 3 trong số 10 con phố có mặt bằng thuê đắt nhất châu Á vào năm 2020, theo Cushman & Wakefield. Các khu vực mua sắm sầm uất đã rơi vào trạng thái trì trệ kể từ cuối năm 2013, nhưng đại dịch là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự sụt giảm hiện tại. Giá thuê các cửa hàng cao cấp ở Causeway Bay đã giảm 1 nửa trong quý III so với 2 năm trước.

Tuần trước, Chow Tai Fook Jewellery Group Ltd. thuê một cửa hàng ở Central với giá 500.000 HKD (64.200 USD)/tháng, thấp hơn 50% so với người thuê trước đó. Đầu năm nay, một cửa hàng ở Phố Russell – nơi từng là điểm đến của khách du lịch giàu có từ đại lục, đã được cho thuê với giá khoảng 100.000 HKD/tháng cho một cửa hàng bán phụ kiện điện thoại. Robert Ma – người sở hữu mặt bằng này, nói rằng cửa hàng đang được tiệm bán quần áo nữ thuê lại với giá 300.000 HKD/tháng.

Ma – giám đốc công ty điều hành xe buýt mini Koon Wing Motors, cho hay: "Tôi không nghĩ giá cho thuê sẽ hồi phục nhanh chóng nhưng sẽ tăng dần. Việc này phụ thuộc vào khi nào biên giới mở cửa, đặc biệt là đối với các quận sầm uất như Phố Russell và Tsim Sha Tsui."

Theo Hong Kong Economic Journal, năm ngoái, Prada đã đóng cửa một cửa hàng trên Phố Russell với giá thuê mỗi tháng lên tới 1 triệu USD. Trong khi đó, hãng đồng hồ Thụy Sĩ Swatch đã đẩy nhanh kế hoạch đóng cửa vĩnh viễn các cửa hàng ở Hồng Kông, khi dòng tiền đổ vào hàng xa xỉ quay trở lại đại lục.

Theo Cynthia Ng  - giám đốc điều hành bộ phận dịch vụ bán lẻ tại Colliers International, các chủ mặt bằng bán lẻ cao cấp thường đưa ra mức giá rất cao và các thương hiệu xa xỉ là người thuê. Bà nói, sự sụt giảm dai dẳng của thị trường đã buộc họ phải điều chỉnh.

Yau cho hay, dù nguồn thu từ việc cho thuê giảm mạnh trong những năm gần đây, nhưng các chủ mặt bằng vẫn có thể kiếm tiền nhiều hơn các thập kỷ trước với việc hạ giá.

Thảm cảnh của  nhất thế giới: Giá những khu đất vàng được hạ giá gần 80% nhưng không ai thuê  - Ảnh 2.

Doanh thu của các lĩnh vực bán lẻ, nhà hàng ở Hồng Kông trong 4 năm.

Hồng Kông từng là một điểm đến được ưa thích của khách du lịch đại lục, họ được phép nhập cảnh dù đi du lịch cá nhân hay theo đoàn từ năm 2003. Sở thích chi tiêu cho hàng xa xỉ của nhóm khách hàng này đã thúc đẩy ngành bán lẻ của thành phố, cùng với đó giá thuê cửa hàng cũng tăng vọt.

Song, tác động kép từ biến động chính trị và dịch Covid-19 đã làm tê liệt ngành du lịch, bán lẻ của Hồng Kông. Hiện tại, thành phố đang đàm phán với giới chức Trung Quốc về khả năng mở cửa lại biên giới chung, thỏa thuận đi lại có thể được thông qua vào cuối năm nay hoặc quý I/2022.

Ngay cả khi không có những cuộc biểu tình và đại dịch, Hồng Kông vẫn phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn từ các thành phố ở đại lục. Lĩnh vực hàng xa xỉ ở Trung Quốc đã phát triển rất nhanh chóng, vai trò là "lãnh địa" mua sắm của Hồng Kông đối với người dân đại lục theo đó đã tụt dốc.

Do đó, Ma cho rằng giá thuê mặt bằng sẽ không bao giờ quay trở lại mức đỉnh. Ông nói: "Có nhiều nơi khác ở Trung Quốc cũng phát triển rất nhanh chóng, ví dụ như đảo Hengqin ở Chu Hải. Hồng Kông hiện chỉ là một trong những lựa chọn của họ."

Tham khảo Bloomberg

Vu Lam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên