MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Thảm cảnh" ở biên giới Trung Quốc: Hàng nghìn tấn hoa quả thối rữa, vứt bỏ hàng loạt

06-01-2022 - 14:37 PM | Tài chính quốc tế

"Thảm cảnh" ở biên giới Trung Quốc: Hàng nghìn tấn hoa quả thối rữa, vứt bỏ hàng loạt

Hàng trăm xe tải lớn bị ùn ứ ở cửa khẩu biên giới Trung Quốc với Myanmar đã có ảnh hưởng nghiêm trọng tới hàng hóa dễ hỏng như hoa quả.

Hàng nghìn tấn hoa quả bị vứt bỏ

Theo SCMP, hàng nghìn tấn dưa hấu đang bị vứt trên các con đường dọc theo biên giới của Myanmar với vùng tây nam Trung Quốc . Các nhà xuất khẩu địa phương phàn nàn rằng các biện pháp kiểm soát đại dịch Covid-19 nghiêm ngặt đã khiến việc buôn bán hàng dễ hỏng "gần như không thể xảy ra".

Các con đường chính liên kết với thành phố Thụy Lệ ở tỉnh Vân Nam - cửa ngõ chính của Trung Quốc đến Myanmar - vẫn bị ùn tắc với hàng trăm xe tải đang chờ để giải tỏa các trạm kiểm soát.

"Trước đại dịch, chúng tôi từng xuất khẩu hơn 500 xe tải trái cây mỗi ngày sang Trung Quốc, chủ yếu là các loại trái cây nhiệt đới như dưa hấu, dưa mật, xoài,... Hiện nay, mỗi ngày chỉ có chưa tới 10 xe tải được đi qua biên giới", ông Lee Htay, một chủ công ty vận tải, cho hay.

Hoạt động kinh doanh chỉ mới hoạt động trở lại sau 5 tháng đóng cửa biên giới liên quan đến đại dịch, khi Trung Quốc mở lại tuyến đường bộ chính tại thị trấn Wanding ở Thụy Lệ vào ngày 26/11. Nhưng quá trình thông quan chậm chạp ở cả hai bên đã khiến các nhà xuất khẩu thất vọng.

Ông Lee cho biết: "Chúng tôi phải tìm cách xuất khẩu sang các nước khác hoặc bán ở thị trường địa phương, nhưng những việc đó cần có thời gian. Trong hầu hết các trường hợp, chúng tôi chỉ còn cách vứt hết dưa".

 Thảm cảnh ở biên giới Trung Quốc: Hàng nghìn tấn hoa quả thối rữa, vứt bỏ hàng loạt - Ảnh 1.

Những chiếc xe tải đi từ Myanmar xếp hàng dài trên con đường dẫn đến Thụy Lệ. Ảnh: SCMP

Ông cho biết, ít nhất 200 xe tải chở đầy trái cây vẫn bị mắc kẹt trên con đường từ thành phố Mandalay lớn thứ hai của Myanmar đến thị trấn biên giới Muse - con đường chính nối với các vùng Wanding và Jiegao ở thành phố Thụy Lệ của Trung Quốc.

"Một số tài xế đã bỏ cuộc sau nhiều ngày chờ đợi và vứt bỏ hàng hóa đã thối rữa. Họ quay trở lại để vận chuyển những thứ không dễ hỏng, như ngọc bích và gỗ".

Và đại dịch không phải là thách thức duy nhất. Ngoài ra còn có tác động của xung đột vũ trang ở Myanmar.

Wanding chỉ cách thị trấn Pang Hseng ở bang Shan phía bắc Myanmar 50 mét, nơi quân đội chính quyền và các nhóm vũ trang dân tộc Shan đã giao tranh kể từ tháng 8.

Xung đột đã gây ra thương tích và tổn thất tài sản ở Wanding, đồng thời ảnh hưởng đến công việc kinh doanh. Các cư dân năm ngoái được khuyến cáo giảm thiểu các hoạt động ngoài trời và trú ẩn nếu họ nghe thấy tiếng súng.

Tình hình ảm đạm

Theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar, cửa ngõ ở Wanding đã xử lý tổng khối lượng giao dịch khoảng 200 triệu nhân dân tệ (31 triệu USD) vào tháng 12, một tháng sau khi mở cửa trở lại, giảm hơn 40% so với năm 2020.

Đại sứ quán Trung Quốc cho biết, các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt đồng nghĩa với việc các cơ sở biên giới chỉ có thể xử lý khoảng 40 xe tải mỗi ngày.

Thụy Lệ, vốn nổi tiếng với ngọc bích và phát triển mạnh về thương mại xuyên biên giới, đã phải khóa cửa 4 lần trong năm qua.

Bất chấp những lời phàn nàn lan trên mạng xã hội - nói rằng sự kiên nhẫn và tiền tiết kiệm của họ đã cạn kiệt sau hơn 300 ngày bị khóa, các quan chức địa phương cho biết các biện pháp nghiêm ngặt được áp dụng vào tháng 3 sẽ không được nới lỏng và cư dân sẽ tiếp tục bị cấm ra khỏi nhà mà không có lý do chính đáng.

Một nhà nhập khẩu trái cây Trung Quốc ở Thụy Lệ cho biết việc mở cửa Wanding không thực sự có ý nghĩa.

"Tôi không nghĩ rằng tình hình thương mại sẽ cải thiện trong ngắn hạn. Chính quyền Thụy Lệ nói rằng họ sẽ không nới lỏng các biện pháp ngăn chặn Covid-19 và nhập khẩu trái cây và rau quả từ Myanmar rõ ràng không phải là mối quan tâm hàng đầu của họ", một thương nhân cho biết.

Thành phố Thụy Lệ, giáp với Myanmar 3 phía trong gần 170 km, cũng đang phải đối phó với đại dịch.

Tính đến ngày 4/1, Tổ chức Y tế Thế giới đã báo cáo hơn 528.000 trường hợp mắc bệnh Covid-19 được xác nhận và hơn 19.230 trường hợp tử vong ở Myanmar. Cuộc đảo chính quân sự vào tháng 2/2020 đã khiến hệ thống y tế của Myanmar sụp đổ giữa lúc nhiều nhân viên y tế tham gia các cuộc đình công kéo dài.

Thụy Lệ đã trả lại những người nhập cư bất hợp pháp được tìm thấy trong thành phố, đồng thời dựng hàng rào dây thép gai với camera tối tân ở biên giới.

Ngoài Thụy Lệ ở phía tây Vân Nam, thành phố Jinghong phía nam cách đó không xa cũng đang bị ảnh hưởng, sau khi hai trường hợp Covid-19 không triệu chứng được báo cáo vào cuối tháng 12.

Một tuyên bố từ các quan chức địa phương cho biết cả hai đã có liên hệ với cùng một người nhập cư bất hợp pháp, nhưng không có thêm chi tiết nào được đưa ra.

Theo Tất Đạt

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên