MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thảm cảnh thi thể 34 trẻ em kẹt trong nhà thờ sau động đất, sóng thần ở Indonesia

02-10-2018 - 16:34 PM | Tài chính quốc tế

Thi thể của 34 đứa trẻ được phát hiện bên trong một nhà thờ ở khu vực xa xôi hẻo lánh của đảo Sulawesi, Indonesia ba ngày sau thảm họa kép.

Người phát ngôn Lực lượng Chữ thập đỏ Indonesia cho biết thi thể của 34 trẻ em được tìm thấy bên trong một nhà thờ ở vùng xa xôi hẻo lánh của đảo Sulawesi. Phát hiện đau lòng khiến số người chết trong thảm họa kép ở Indonesia tăng lên 1.234 người. Nhà chức trách lo ngại, số người thiệt mạng có thể tăng lên tới hàng nghìn.

Theo báo cáo ban đầu, những đứa trẻ xấu số thiệt mạng khi đang học lễ trong nhà thờ vào thời điểm công trình này sập xuống trong thảm họa kép ngày 28/9. Nhà chức trách lo ngại số nạn nhân sẽ tiếp tục tăng lên khi những phần khác của công trình được đào mới. Hiện tại, do máy móc hạng nặng không thể tiếp cận khu vực nên công tác cứu hộ có thể kéo dài trong vài ngày.

Truyền thông địa phương cho biết người dân vùng thảm họa ở Indonesia đang phải sống cuộc sống địa ngục, với thi thể người kẹt ở khắp mọi nơi. Những con sóng thần, cao tới 6m, ập vào đất liền sau động đất cuốn trôi nhà cửa, xe cộ và những người dân sống ven biển. Phải tới ngày 2/10, lực lượng cứu hộ mới tiếp cận được những khu vực xa xôi nhất của vùng thảm họa.

Tại thành phố chính Palu, các tình nguyện viên đã chuẩn bị hố chôn tập thể với sức chứa 1.000 người. Từng phần của nó đang được lấp đầy nhưng người ta lo ngại số người thiệt mạng có thể gấp đôi sức chứa của ngôi mộ. Càng tiếp cận các khu vực bị hư hại nặng nề, người ta càng tìm thấy thêm nhiều nạn nhân xấu số của thảm họa kép.

Trong khi đó, ngay cả Palu cũng bị cô lập khi phi cơ quân sự không thể đáp xuống sân bay của thành phố để cung cấp hàng cứu trợ. Mọi người đều rất tuyệt vọng chờ đợi sự giúp đỡ. Trong khi đó, các cửa hàng đã sạch trơn vì tình trạng thiếu lương thực đã làm dấy lên những vụ cướp phá. Các trạm xăng cũng lâm vào tình cảnh tương tự, dẫn tới việc thiếu nhiên liệu trên diện rộng.

Hiện tại, việc thiếu các thiết bị cơ giới hạng nặng khiến nỗ lực đào bới gặp nhiều khó khăn. Những khối bê tông nặng là trở ngại lớn cho việc tìm kiếm người mất tích hoặc dọn dẹp đường xá để đảm bảo cho phương tiện lưu thông. Ở các thị trấn hẻo lánh như Donggala, vấn đề càng trở nên phức tạp hơn cho các nỗ lực cứu hộ và viện trợ.

Trong khi đó, năng lực cảnh báo sóng thần của Indonesia cũng trở thành chủ đề nóng sau thảm họa kép. Cơ quan chuyên trách của quốc gia này đưa ra cảnh báo sóng thần 20 phút sau khi động đất xảy ra, tức là sau khi sóng thần ập vào các khu vực ven biển. Nhà chức trách Indonesia cũng thừa nhận đất nước này không có hệ thống cảnh báo sóng thần kể từ năm 2012.  22 phao cảm biến nằm rải rác trên các vùng biển của Indonesia đã không còn hoạt động.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên