Thăm cô giáo cao 65cm "nằm" dạy chữ cho trẻ em nghèo, nhân vật chính trong bộ phim công chiếu ở New York
Mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh quái ác, cả thân hình chỉ cao hơn 60cm, chân không thể di chuyển nhưng Huỳnh Thanh Thảo chưa bao giờ cảm thấy tự ti, oán trách số phận. Nhiều năm qua, Thảo gắn đời mình với lớp học và thư viện miễn phí cho các em nhỏ vì với Thảo, khuyết tật chỉ là bất tiện chứ không phải bất hạnh.
- 18-11-2023Cô giáo được người dân cõng vượt lũ đến trường, nụ cười trong gian khó "gây bão" mạng xã hội
- 17-11-2023Cô giáo bị cuốn vào gầm xe buýt để cứu học sinh: 11 năm sau cuộc sống ra sao?
- 08-11-2023Sắp 20/11, tôi 30 tuổi vẫn chạy xe ôm kiếm tiền qua ngày, nhưng đối diện với thầy cô giáo cũ, tôi vẫn tự hào!
Cô giáo không chân mở lớp học tình thương từ năm 14 tuổi
Khác với những đứa trẻ bình thường, từ khi mới lọt lòng mẹ, do ảnh hưởng của chất độc màu da cam, chị Huỳnh Thanh Thảo (SN 1986) mắc phải căn bệnh xương thủy tinh, mọi sinh hoạt hằng ngày đều do cha mẹ phụ giúp.
Chuyện về Cô Ba Mini với thư viện sách miễn phí cho trẻ em nghèo
Gần 15 năm năm hoạt động, thư viện sách của chị Thảo hiện có khoảng 4.000 cuốn với đủ các thể loại
Men theo đường Tỉnh lộ 2, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ thuộc ấp Ràng (xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM), nơi gia đình chị Thảo đang sinh sống.
Nằm trên chiếc giường nhỏ, chị Thảo loay hoay tìm cho mình một cuốn sách yêu thích để đọc, chốc chốc lại hướng mắt về phía những kệ chất đầy sách rồi mỉm cười. Hơn 10 năm qua, sự ra đời của thư viện Cô Ba Mini đã mang đến cho chị Thảo nhiều niềm vui mới, nhất là được ngắm nhìn các em nhỏ trong xóm tìm đến để đọc sách, chuyện trò.
"Từ nhỏ mình không được đến trường, mọi thứ mà mình biết được đều do mình tự mài mò học, mẹ là người dạy cho mình những con chữ đầu tiên. Dù rất vất vả nhưng khát khao có thể viết được tên cha mẹ, viết tên chính mình là động lực để mình cố gắng. Mình nghĩ, chỉ cần biết chữ thì cơ hội sẽ đến với mình, thế giới sẽ mở ra dù mình chỉ ngồi trên chiếc xe lăn, dù cơ thể mình không giống như người khác", chị Thảo tâm sự.
Từ những con chữ đầu tiên, qua quá trình tích lũy, năm 14 tuổi chị Thảo mở lớp học tình thương để dạy chữ cho các em nhỏ. Đến năm 2009, sau rất nhiều sự hữu duyên, thư viện Cô Ba Mini đã ra đời trong niềm hạnh phúc vỡ òa của chị Thảo.
"Lúc đầu mình chỉ ao ước có được một tủ sách thôi chứ không dám ước mơ có thư viện. Khi được giao lưu trên đài, chị MC hỏi ước mơ hiện tại của mình là gì, mình bộc bạch muốn có một tủ sách để các em nhỏ có thể đến tìm đọc. Sau đó có rất nhiều bạn đã gửi sách, truyện về cho mình, tất cả khoảng 100 cuốn. Mình nhớ khoảnh khắc các em đến rất đông, ngồi quây quần với nhau để đọc sách…, lúc đó mình biết là mình đã đi đúng và mong muốn làm nhiều hơn nữa cho các em", chị Thảo chia sẻ.
"Thao's Library" - Phim về cuộc đời cô Thảo được công chiếu ở Mỹ
Năm 2010, nhân chuyến sang thăm những nạn nhân chất độc da cam, anh Stephen - nhiếp ảnh gia người Mỹ đã chụp rất nhiều ảnh của nạn nhân chất độc da cam và trong đó có tấm ảnh của Thảo. Bức ảnh đã đưa Thảo đến một mối duyên hạnh ngộ khác, đó là quen biết chị Elizabeth Van Meter, một đạo diễn phim của Mỹ. Đoàn làm phim của chị Elizabeth đến Việt Nam quay về cuộc đời Thảo.
Bộ phim "Thao's Library" được công chiếu một số rạp ở New York. Không những người xem trong nước mà còn nhiều bạn bè quốc tế biết đến Thảo. Biết đến hành trình của cô gái bé nhỏ nghị lực với tủ sách miễn phí nơi miền đất thép thành đồng.
Để duy trì thư viện sách được hoạt động một cách hiệu quả, ngoài việc tìm kiếm nguồn sách mới để bổ sung, chị Thảo mong muốn mỗi lần đến thư viện, các em nhỏ phải thật sự thoải mái, xem nơi đây như một trạm dừng chân để chia sẻ, tâm sự cùng nhau. Bởi theo chị Thảo, thư viện Cô Ba Mini không chỉ giúp các em đọc sách mà ở đây còn là một ngôi nhà thu nhỏ, có người bạn lớn đủ thời gian, đủ kiên nhẫn để lắng nghe các em.
Thư viện giống như ngôi nhà nhỏ được rất nhiều em nhỏ tìm đến để cùng chị Thảo chia sẻ, tâm sự
"Mình không có chú trọng là các em sẽ đọc gì, trở thành người tử tế như thế nào nhưng khi các em đến đây có thể tâm sự, lắng lòng mình lại là đủ. Cứ 3 tháng thư viện sẽ tổ chức sinh nhật tập thể cho các em, là dịp để các em nhớ về nhau và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất", chị Thảo chia sẻ.
Với một người ham sống như mình thì không bao giờ có từ "bỏ cuộc"
Năm 2013, để có thể nuôi thư viện, đứa con tinh thần của mình một cách chủ động, chị Thảo quyết định lên TP.HCM để học tập, trau dồi, học khởi nghiệp để tạo được nguồn thu nhập. Sau 3 năm ấp ủ, chỉ còn 1 tháng nữa quán café sách dành cho người khuyết tật của chị Thảo ra đời thì biến cố ập đến. Chị Thảo bị tai nạn giao thông khiến cánh tay trái gãy lìa, máu bầm tụ ở não.
"Nó đã lấy đi gần như mọi thứ của mình từ sức khỏe, ước mơ và cả dự án mà mình đang ấp ủ. Một cô gái ở tuổi 30 đầy nhiệt huyết, hoài bão, chỉ còn 1 tháng nữa là mình bước đầu chạm tới thành công rồi… Ngày mình bị tai nạn, mình phải cố gắng để vượt qua tâm lý trở về lại con số 0. May mắn là mình vẫn còn sống, vẫn còn cơ hội trở về nhà dù không biết sẽ còn sống được bao nhiêu ngày, giờ nữa…", chị Thảo xúc động khi nhớ lại vụ tai nạn 7 năm trước.
Để có thể dần hồi phục, ngoài việc cố gắng tập vật lý trị liệu, chị Thảo còn phải vượt qua nỗi ám ảnh tâm lý, động viên bản thân và cả cha mẹ của mình.
"Mẹ mình ngày nào cũng khóc, mình nói với mẹ nếu cho mình quay ngược thời gian, biết trước mọi thứ mình vẫn quyết định đi. Mình chưa bao giờ cảm thấy hối hận vì cuộc sống không có đủ thời gian để mình tiếc nuối.
Mẹ mình từng rất mặc cảm khi có một người con khuyết tật nên những gì mình làm, mình mong muốn đáp đền cho cha mẹ. Bởi có thể những điều người khác làm được cho cha mẹ như chăm sóc cha mẹ lúc ốm đau, mình không làm được. Đổi lại mình cố gắng để cha mẹ luôn tự hào về mình", chị Thảo chia sẻ.
Sau một thời gian dài kiên trì chữa trị, tuy sức khỏe vẫn còn nhiều hạn chế nhưng chị Thảo vẫn khởi động lại các chương trình thiện nguyện, giúp đỡ mọi người. Dù bắt đầu lại từ con số 0 nhưng chị Thảo lúc nào cũng tràn đầy niềm tin và năng lượng cống hiến.
Dù không thể di chuyển nhưng chị Thảo luôn tìm mọi cách để có thể thực hiện được nhiều hoạt động, dự án thiện nguyện cho trẻ em, người khuyết tật
"Mình không nhìn lại và tiếc nuối những điều mình đã làm hoặc dang dở trong quá khứ. Trong sự bất tiện của bản thân mình vẫn muốn được đi, được giúp đỡ mọi người. Ngoài các em nhỏ thì người khuyết tật, người già là những người mình quan tâm. Bạn chỉ cảm thấy bất hạnh khi bạn không có gì để cố gắng, bạn sẽ thấy nhiều con đường mở trong những cái bất như ý nhất. Chúng ta không thể nào chọn được một cuộc đời khác nhưng chúng ta có thể lựa chọn đi xuyên qua nỗi đau đó, nhất là với một người ham sống như mình thì không bao giờ có từ bỏ cuộc, mình phải tiến lên thôi", chị Thảo nói.
Khuyết tật chỉ bất tiện chứ mình không bất hạnh!
Trải qua những lần "chết hụt", khát khao được sống ngày một lớn dần trong tâm thức của chị Thảo. Dù phải đối diện với muôn vàn khó khăn, bất tiện trong cuộc sống nhưng nụ cười, niềm tin là tài sản quý giá nhất mà chị Thảo có được.
"Hồi nhỏ mình ý thức rõ mình khác biệt với những bạn bè trang lứa. Các bạn có thể chạy nhảy còn mình thì không…, nhưng mình tự đem niềm vui đến cho bản thân. Các bạn đứng nhảy dây còn mình thì nằm nhảy, các bạn chơi dưới đất mình chơi nằm trên giường tự chơi nên chưa bao giờ mình cảm thấy tự ti, chỉ là bất tiện thôi.
Mình không bao giờ dành thời gian để ngồi đó khóc lóc, kể lể về bản thân khó khăn này nọ mà phải luôn tự động viên phải vượt qua. Không biết chữ thì tự tìm cách để học chữ, những gì bây giờ mình có được đều nhờ vào sự tự tin của mình, tự tin ngay cả khi mình vô sản, tiền không có và sức khỏe cũng không", chị Thảo cười hóm hỉnh.
Để có thể lan tỏa được năng lượng tích cực đến với mọi người, ngoài duy trì hoạt động thư viện Cô Ba Mini, chị Thảo còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, giao lưu với các em học sinh, sinh viên.
"Mình đi đến những bạn khuyết tật, mình vui nhất là thay đổi được nho nhỏ trong suy nghĩ của cha mẹ các bạn. Khi đến đó, mình trong trạng thái vui vẻ, tự tin, mình đang ngầm cho cha mẹ các bạn hiểu là khuyết tật nó không phải điều gì đó tồi tệ, nếu cha mẹ cho các bạn ra ngoài, các bạn sẽ có được sự tự tin, hòa nhập vào cộng đồng. Đồng thời mình cũng muốn các bạn hiểu được giá trị luôn nằm trong chính bản thân các bạn", chị Thảo tâm sự.
Nhắc đến cha mẹ của mình, chị Thảo cho biết mọi người hay nói chị mạnh mẽ, kiên cương nhưng với chị, người mạnh mẽ nhất chính là cha mẹ. Bởi hơn ai hết, chị Thảo hiểu được cha mẹ của mình đã phải dũng cảm thế nào để nuôi nấng, chăm sóc cho chị suốt 37 năm qua.
"Sẽ có nhiều người giống mình, nói thương yêu với người ngoài dễ hơn những người trong nhà vì dễ mắc cỡ, không dám nói. Mình mong muốn mình cùng cha mẹ già đi, cùng nhau có được những kỷ niệm đẹp với nhau và lan tỏa niềm vui đó mỗi ngày. Mình hay nói với cha mẹ, nếu lỡ ngày mai con không còn nữa thì cha mẹ vẫn phải tiếp tục tốt, chỉ cần con ở trong tim cha mẹ là đủ rồi", chị Thảo xúc động.
Trong căn nhà nhỏ, nhìn những chồng sách, truyện được sắp xếp ngay ngắn trên kệ tại thư viện Cô Ba Mini, chị Thảo nở nụ cười hạnh phúc. 15 năm nó chỉ là một con số những đối với người có sức khỏe không tốt như chị Thảo, đó là cả một quá trình cố gắng đầy tự hào. Bởi để duy trì một thư viện, ngoài sự quyết tâm, kiên định cần phải có tình yêu bao la.
"Mình phải bao dung với chính những khiếm khuyết, bất như ý của bản thân. Có thể mọi người nhìn thấy mình khuyết tật, ngồi xe lăn, mong manh dễ vỡ nhưng lúc nào mình cũng muốn vượt qua những khiếm khuyết đó. Vì mình nghĩ khuyết tật chỉ là bất tiện thôi chứ không phải bất hạnh, cuộc đời này chỉ thật sự bất hạnh khi chúng ta nhìn cuộc sống với cách bi quan. Chỉ cần mỗi sáng mở mắt thức dậy, mình còn được sống, còn được thở thì đó đã là niềm hạnh phúc", chị Thảo chia sẻ.
Tổ Quốc