MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thẩm định dự thảo Nghị quyết giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%

Theo phương án đề xuất của Bộ Tài chính, giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%), thực hiện đến hết năm 2023.

Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, cơ quan này vừa tổ chức thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.

Đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng GDP quý I/2023 đạt 3,32%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ (kịch bản đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP quý I/2023 là 5,6%).

Thực tế này đang đặt ra nhiều thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023, đòi hỏi cần có thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế để có thể tiếp tục duy trì đà phục hồi.

Thẩm định dự thảo Nghị quyết giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% - Ảnh 1.

Đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%

Vì vậy, để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện cho năm 2023, Bộ Tài chính cho rằng việc tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT như đã áp dụng năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%).

Cho ý kiến về vấn đề này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hoàn toàn đồng tình với việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% vào thời điểm này để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và những biến động kinh tế vĩ mô hiện nay của Việt Nam, việc sử dụng chính sách tài khoá mang tính phổ cập như giảm thuế GTGT là rất phù hợp.

VCCI cũng đồng tình với việc giảm thuế đối với toàn bộ các hàng hoá, dịch vụ thay vì chỉ giảm đối với hầu hết hàng hoá dịch vụ như Nghị quyết 43/2022/QH15. VCCI cũng đề nghị bổ sung thời hạn áp dụng chính sách này đến hết ngày 31-12-2023 tại dự thảo Nghị quyết và quy định theo hướng thời điểm có hiệu lực của chính sách này là 1 ngày sau khi ban hành.

Về phía Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh khẳng định sự cần thiết phải xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT. Thứ trưởng đánh giá nội dung dự thảo cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước; đảm bảo tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết, Bộ Tư pháp đề nghị ban soạn thảo cần đánh giá mang tính định lượng các điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính; bổ sung phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Nghị quyết và rà soát, hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động của chính sách.

Đánh giá tác động của chính sách giảm thuế GTGT, Bộ Tài chính cho biết dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 5,8 ngàn tỉ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 ngàn tỉ đồng.

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách Nhà nước trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên