MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thâm hụt thương mại có thực sự tồi tệ như Tổng thống Donald Trump vẫn nghĩ?

25-06-2018 - 09:00 AM | Tài chính quốc tế

Hầu hết các chuyên gia kinh tế không xem sự chênh lệch trong thương mại này là số tiền "đánh mất" vào tay các nước khác. Họ cũng không quá lo lắng về tình hình thâm hụt thương mại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn luôn phàn nàn về tình hình thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước. Ông cho rằng sự mất cân bằng thương mại này là thước đo cho thấy sự yếu kém của chính sách thương mại.

Trong một phát biểu tại Nhà Trắng hồi tháng Ba năm nay, khi cố gắng bảo vệ các mức thuế nhôm thép mà ông đề xuất trước sự chỉ trích từ các nhà lãnh đạo đến từ đảng Cộng hòa ở Quốc hội, Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng: "Trong suốt những năm qua, chúng ta đã mất 800 tỷ USD mỗi năm, không phải nửa triệu USD, không phải 12 xu, mà là 800 tỷ USD/năm trong hoạt động thương mại". Vị tổng thống này còn nói rằng trong số đó, nước Mỹ mất 500 tỷ USD/năm cho Trung Quốc, dù không rõ là ông đang dẫn số liệu nào, khi thâm hụt thương mại hàng năm của Mỹ với Trung Quốc chưa bao giờ vượt quá con số 375 tỷ USD.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế không xem sự chênh lệch trong thương mại này là số tiền "đánh mất" vào tay các nước khác. Họ cũng không quá lo lắng về tình hình thâm hụt thương mại, vì sự mất cân đối trong thương mại chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô, bao gồm tốc độ tăng trưởng tương ứng của mỗi nước, giá trị đồng nội tệ, và tỷ lệ đầu tư cũng như tiết kiệm của nước đó. Chẳng hạn như, thâm hụt thương mại của Mỹ giảm mạnh trong suốt thời kỳ Đại suy thoái, nhưng đó chẳng phải là do nền kinh tế khỏe mạnh mà là do hoạt động tiêu dùng bị chững lại trên cả nước.

Tổng thống Trump lâu nay vẫn cho rằng thâm hụt thương mại cản trở tăng trưởng kinh tế, và giảm thâm hụt thương mại sẽ thúc đẩy hoạt động tạo việc làm ở Mỹ. Kể cả những ai đồng ý với quan điểm này cũng cho rằng có nhiều cách tốt hơn để giảm thâm hụt thay vì đánh thuế, biện pháp có thể phản tác dụng và còn khiến thâm hụt thương mại nới rộng hơn nữa nếu các nước khác áp thuế trả đũa.

"Thâm hụt thương mại là thước đo tồi tệ để đánh giá chính sách kinh tế". Đó là nhận định của ông Lawrence H. Summers, một chuyên gia kinh tế của Đại học Harvard và cũng là cựu Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Ông Summers cho rằng thuế quan thực tế sẽ còn làm trầm trọng hơn tình hình thâm hụt thương mại, vì nó "bào mòn" khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu nhôm thép của Mỹ bằng cách khơi mào các mức thuế trả đũa từ các nước đối tác.

Cơ quan phân tích kinh tế Mỹ hồi đầu năm nay cho biết thâm hụt thương mại của nước này đã tăng lên mức 2,9% GDP trong năm 2017, tăng so với con số 2,7% ghi nhận năm trước đó. Trong đó, thâm hụt thương mại hàng hóa với Trung Quốc tăng lên 375 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2016. Thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ tính chung đang trên đà chạm mức khoảng 330 tỷ USD.

Vì sao Mỹ thâm hụt thương mại nặng với Trung Quốc?

Một "nguồn cơn" rõ ràng dẫn đến tình hình thâm hụt thương mại dai dẳng của Mỹ với Trung Quốc là các mặt hàng tiêu dùng, như hàng điện tử, vật dụng gia đình và rất nhiều thứ khác mà người Mỹ thường mua tại Walmart hay Costco. Tình trạng thâm hụt này đã phình to ra, mà giới phân tích kinh tế nhìn chung đều cho rằng nguyên nhân của việc này là do chính sách phối hợp của Chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy xuất khẩu, bằng cách kìm hãm giá trị của đồng nhân dân tệ và trợ cấp trực tiếp cho nhiều ngành xuất khẩu của nước này.

Khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, Trung Quốc đã tiếp cận được với nhiều thị trường trên thế giới, và đến lượt mình, Bắc Kinh cũng cam kết sẽ mở cửa thị trường trong nước cho các đối tác như Mỹ. Thế nhưng, ông Eswar S. Prasad, một chuyên gia kinh tế tại Đại học Cornell, cho biết Trung Quốc đã không giữ lời hứa, khi không cho phép các nước được dễ dàng tiếp cận thị trường nước này. Không những thế, theo chuyên gia này, suốt một khoảng thời gian dài sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, Bắc Kinh đã tự tạo cho mình một lợi thế tương đối bằng cách kìm hãm giá trị đồng nội tệ.

Ông Prasad và hầu hết các chuyên gia thương mại khác đều cho rằng thâm hụt thương mại song phương không phải là một thước đo tốt cho việc liệu các nước có đang giữ lời hứa của mình về việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, hay liệu có phải một số nước nhất định giỏi hơn các nước khác trong việc đàm phán các thỏa thuận thương mại hay không.

Cách tốt nhất để giải quyết thâm hụt thương mại là gì?

Kể cả Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Trump, trong một báo cáo đầu năm nay, dường như cũng hạ cảnh báo về tình trạng thâm hụt thương mại song phương của Mỹ với các nước. Các thành viên của hội đồng này viết rằng Mỹ đang thâm hụt thương mại hàng hóa và thặng dư thương mại dịch vụ với nhiều đối tác thương mại lớn.

Những chuyên gia có cùng mối quan ngại về tình trạng thâm hụt thương mại với Tổng thống Trump cũng cho rằng có nhiều cách để giải quyết vấn đề này hiệu quả hơn là đánh thuế. Chuyên gia kinh tế Dean Baker nhận định rằng nhắm vào giá trị tiền tệ là con đường tốt nhất. Nếu đồng tiền của các nước khác mạnh hơn so với đồng USD, hàng xuất khẩu của Mỹ sẽ có sức hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng ở những nước này.

Ông Joseph E. Gagnon, một chuyên gia cấp cao của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson lại cho rằng giải pháp tốt nhất cho vấn đề này là giảm thâm hụt ngân sách liên bang đang ngày càng phình to của Mỹ, yếu tố làm gia tăng hoạt động đầu tư nước ngoài ở Mỹ, khi Washington phải tìm đến các nước khác để kiếm tiền trang trải cho những chi tiêu của mình.


Khánh Ly

New York Times

Trở lên trên