Thảm kịch 58 người chết trong xe tải ở Anh năm 2000 xảy ra như thế nào?
60 người đã thực hiện hành trình trong nhiều tháng để tới Anh, từ Phúc Kiến, Trung Quốc và kết thúc hành trình với 58 người chết ngạt trong thùng xe tải, chỉ 2 người sống sót...
- 28-10-2019Vụ 39 thi thể trong container: Kẻ buôn người huênh hoang thành tích
- 28-10-2019Ám ảnh cảnh tượng người nhập cư vào Anh tuyệt vọng đục lỗ, chen chúc nhau "giành không khí" trên thùng xe tải
- 28-10-201939 thi thể ở Anh: Cảnh sát tìm thấy gì sau 4 ngày điều tra?
- 28-10-2019Hành trình treo người dưới gầm xe tải và cuộc sống không biết ngày, đêm của người Việt di cư trái phép ở Anh
Từ Trung Quốc tới Bỉ rồi từ đó vào Anh là hành trình gần 8.000 km mà nhiều người di cư bất hợp pháp bất chấp tính mạng thực hiện, bằng cách ngồi sau các thùng xe tải chở hàng. Mới đây, thi thể của 39 người được tìm thấy trong một xe tải container đông lạnh tại hạt Essex, Anh, sau khi đi từ Zeebrugge, Bỉ tới cảng Purfleet của Anh.
Vụ việc này gợi nhớ tới thảm kịch tương tự xảy ra vào năm 2000. Khi đó, 60 người Trung Quốc được phát hiện bên trong một xe tải chở cà chua tại cảng Dover, hạt Kent, phía đông nam nước Anh. 58 người đã chết và chỉ hai người sống sót.
Theo ABC News, 60 người này đã thực hiện hành trình trong nhiều tháng để tới Anh, từ tỉnh Phúc Kiến, miền nam Trung Quốc. Họ nhập cư trái phép tới đây qua đường dây của những kẻ buôn người - được gọi là "đầu rắn" tại Trung Quốc, với khoản phí hàng chục nghìn Bảng để thực hiện ước mơ về một cuộc sống mới tốt hơn ở trời Âu.
Tài xế người Hà Lan của chiếc xe tải này đã đóng lỗ thông hơi bên hông của container trước khi chiếc xe được đưa lên phà tại Zeebrugge (Bỉ), ngắt nguồn khí thở của toàn bộ 60 người bên trong. Graham Perrin, một nhân viên điều tra vụ việc khi đó, cho biết một số người đã chết trong chưa đầy hai giờ, một số khác gắng gượng được 5 giờ.
Ở trên xe, những người này đã cởi bỏ quần áo để hạ thân nhiệt, nhưng sau đó họ bắt đầu phải hít khí CO2 do chính mình thở ra.
"Có vẻ khoảng 90 phút sau khi hành trình bắt đầu và nhận ra tình huống của mình, họ đã cố gắng để báo động", ông Perrin nói với tờ Telegraph. "Khi đó, họ bắt đầu thở chậm đi, nóng bức và đổ mồ hôi. Họ đã cố gắng mở lỗ thông hơi từ bên trong và di chuyển các thùng cà chua về một bên để mở cửa sau".
"Tất cả những người thiệt mạng đều đã ăn cà chua, có lẽ để giữ tinh thần cho mình", ông Perrin nói và cho biết trên người hầu hết các nạn nhân đều chỉ có một ít tiền và một mẩu giấy có ghi số điện thoại.
Hai người sống sót đã kể với nhân viên bệnh viện rằng họ đã "cào lên" thành của thùng xe tải.
"Họ kể rằng bên trong thùng xe tải rất tối, vì vậy họ phải trèo qua thi thể của những người đã chết để cố mở cửa xe", một nguồn tin từ bệnh viện nói với Telegraph. "Họ đập cửa và cố gắng gào thật to, nhưng cuối cùng phải từ bỏ vì kiệt sức. Một trong hai người sống sót kể rằng họ như được gặp thiên thần khi cửa sau của thùng xe được mở".
Chiếc xe đã bị hải quan Anh chặn lại và kiểm tra sau khi họ phát hiện tài xế làm việc cho một công ty vô danh và trả tiền mặt cho suốt hành trình.
"Vào lúc gần nửa đêm, các cán bộ hải quan đã chặn chiếc xe, kiểm tra và phát hiện cảnh tượng kinh hoàng với 58 thi thể bên trong", Mark Pugash, người phát ngôn của Cảnh sát hạt Kent nói với AP vào tháng 6/2000. Wacker bị bắt ngay tại hiện trường. Tài xế này đã bị tuyên án 14 năm tù vào năm 2001 vì tội ngộ sát. Một toà án tại Hà Lan sau đó cũng tuyên án với 7 người có liên quan tới đường dây buôn người này.
Tại phiên tòa xử Wacker, hai người sống sót, Su Di Ke và Ke Shi Guang, nói rằng họ gặp nhau tại sân bay Phúc Kiến và bay tới Bắc Kinh, theo Guardian.
Họ đã di chuyển khắp khắp châu Âu đường dây của các "đầu rắn", đi qua Belgrade ở Serbia, Hungary, Áo và Pháp, tới một nhà an toàn tại Rotterdam, Hà Lan. Họ được một tay buôn người Hà Lan đưa tới một nhà kho và từ đó lên chiếc container định mệnh, ngồi xen kẽ giữa các thùng cà chua cùng 4 thùng nước để sử dụng trên hành trình.
Theo BBC, Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên Hợp Quốc (UN) đã bắt đầu thống kê số lượng người di cư bất hợp pháp như thế này vào năm 2014, khi lượng người di cư từ Trung Đông tới châu Âu tăng đột biến. UN ước tính, từ năm 2014 đến nay, có khoảng 491 người trong số này chết hoặc mất tích tại châu Âu, chủ yếu vì các tai nạn ôtô hoặc tàu. Con số này không bao gồm những người chết tại các trại tị nạn hoặc trại giam, hay 18.500 người chết/mất tích khi băng qua Địa Trung Hải.