Tham lãi lớn, nhà đầu tư bất động sản “ngậm đắng nuốt cay”
Thị trường bất động sản không thiếu trường hợp vì tham lãi lớn không bán lúc sôi động. Đến khi thị trường chững lại, chấp nhận bán lỗ để thoát hàng, tuy nhiên chỉ những trường hợp cá biệt và không đại diện cho toàn bộ thị trường.
- 05-08-2022Phương án mới cho nhà đầu tư tại vùng Tây Bắc Sài Gòn
- 05-08-2022Chuyên gia dự báo gì về bất động sản 2023?
- 05-08-2022Ngỡ ngàng với mức lãi khi bán chung cư cũ
Đầu năm 2021, giá đất ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước được dịp tăng. Trong đó, điển hình phải kể đến đất tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Phước... chỉ trong thời gian ngắn giá đã tăng “phi mã”. Trong cơn sốt, dù lãi vài trăm triệu đồng người có đất cũng không muốn bán ra, vì nghĩ giá tiếp tục tăng thêm, sợ sẽ bán hớ, cuối cùng “ngậm đắng nuốt cay” cắt lỗ
Điển hình, trường hợp anh Quang, nhà đầu tư tay ngang tại Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, sau 5 năm, gia đình anh tiết kiệm được 1,5 tỷ đồng, vì thấy nhiều người bạn của mình đã đầu tư đất từ lâu và có lợi nhuận cao, nên anh Quang bắt đầu tìm hiểu để tham gia thị trường.
“Nhiều người bạn của tôi có kinh tế vững vàng nên đã đầu tư từ lâu, thấy họ cũng có lần lãi, lần lỗ, nhưng chủ yếu là thắng đậm, nên tôi mới nghĩ tới chuyện mua đất. Ban đầu vì cũng không có kinh nghiệm nên tôi nhờ bạn bè tư vấn và đi xem trực tiếp ở nhiều nơi.
Tôi cũng có người quen đang làm môi giới bất động sản tại Bắc Ninh nên tôi tới xem một vài lô đất, thấy giá ở đó cũng hợp lý mà xung quanh nhiều khu công nghiệp. Đặc biệt, thị trường nơi đó khi ấy cũng rất sôi động, nhiều người kiếm được tiền tỷ”, anh Quang kể.
Đến đầu tháng 2/2021, anh Quang được người quen giới thiệu mảnh đất thổ cư rộng 80m2, nằm ở đường ngõ rộng 5m2, có giá 1,5 tỷ đồng, tương đương gần 19 triệu đồng/m2, vừa đủ với số tiền mà anh đang có. Sau khi xem xét kỹ lưỡng về vị trí, pháp lý anh xuống tiền.
Anh Quang cho biết, thời điểm anh mua mảnh đất này thì giá đất tại Bắc Ninh cũng đang có xu hướng tăng mạnh. Chỉ sau thời gian ngắn, cơn sốt bao trùm cả khu vực này. Mảnh đất của anh Quang có những ngày tới 5 - 7 người gọi điện hỏi mua. Khi ấy, mảnh đất đó được định giá 2 tỷ đồng, tương ứng lãi 500 triệu đồng so với điểm xuống tiền. Tưởng rằng mảnh đất được nhiều người quan tâm để thêm có khi lãi tiền tỷ nên anh vẫn không đồng ý bán.
“Ban đầu tôi cứ nghĩ giá tăng nhanh thế này, để thêm thời gian nữa có khi còn được gấp 2 lần. Mục tiêu của tôi cũng chỉ lãi vài trăm triệu nhưng đến khi thấy giá tăng đột biến thì lại chần chừ. Đến đầu tháng 2 vừa rồi, thấy thị trường bắt đầu chậm lại, tôi rao bán mảnh đất suốt mấy tháng trời nhưng không ai mua. Trong khi tôi đang cần tiền mở rộng kinh doanh ”, anh Quang nói.
Đến đầu tháng 7, mảnh đất của anh Tài có 5 - 6 người tới xem, nhưng cũng chỉ trả giá 1,4 tỷ đồng, lỗ 100 triệu đồng so với thời điểm xuống tiền. Vì cần tiền gấp nên anh Quang đành gật đầu bán.
Tương tự, anh Thế Vinh, nhà đầu tư tay ngang tại Hà Nội cho biết, suốt năm 2021, dù dịch bệnh bùng phát khắp nơi nhưng thấy đâu cũng có thông tin sốt đất. Trong tay có 2 tỷ đồng dự định sẽ mở cửa hàng ăn nhưng do dịch bệnh nên việc kinh doanh tạm thời trì hoãn, anh Vinh cầm số tiền này để đầu tư đất, hy vọng kiếm được lời.
Tháng 10/2021, anh Vinh xuống tiền mua lô đất rộng 70m2, với giá hơn 2 tỷ đồng, tương đương gần 30 triệu đồng/m2, tại Bắc Ninh. Chỉ sau khi mua một thời gian ngắn, có người tới trả anh 2,3 tỷ đồng, nhẩm tính lãi khoảng 300 triệu đồng, vì kỳ vọng lớn hơn nên anh không bán chờ tới đầu năm 2022 mở cửa hàng lúc đó bán có khi kiếm thêm được một món.
“Tôi tính đến khi mở cửa hàng mới bán mảnh đất vì nghĩ sẽ lãi thêm, hơn nữa bán ngay lúc đó cầm tiền cũng không để làm gì. Đến khoảng tháng 3 vừa rồi, thấy thị trường bắt đầu hạ nhiệt hơn, tôi rao bán 2,4 tỷ đồng nhưng không có người mua, dần dần giá rao bán tôi cũng phải hạ xuống”, anh Vinh nói.
Rao bán suốt 4 tháng cuối cùng mới đây anh đã tìm được vị trí đẹp để mở cửa hàng nên cũng đành bán lỗ với giá 1,7 tỷ đồng để lấy tiền kinh doanh, tức lỗ 300 triệu đồng.
“Tôi cũng đã tính toán vì thấy thị trường ngày càng chững hơn, bây giờ chấp nhận bán lỗ có khi thoát được, lấy tiền kinh doanh gỡ lại. Để thêm mà thị trường xuống nữa có khi bán lỗ cũng khó”, người này nói.
Anh Nguyễn Văn Hưng, nhà đầu tư bất động sản lâu năm tại Hà Nội cho rằng, thực tế, trên thị trường bất động sản nhiều trường hợp khi lãi không bán vẫn muốn sẽ được nhiều hơn, nhưng khi thị trường chững sẽ chấp nhận bán lỗ để thoát hàng. Thường đây là những nhà đầu tư ít kinh nghiệm, tiềm lực tài chính không cao.
“Còn những người có tiềm lực thật sự, có kinh nghiệm thì giai đoạn này dù chững họ cũng không lung lay, thậm chí có người tiếp tục mua vào. Bởi, giai đoạn này nhiều người bán thì sẽ dễ chọn mảnh đất có vị trí tốt, dễ thương thảo giá cả. Tuy nhiên, giai đoạn hiện tại chấp nhận bán lỗ chỉ có những trường hợp cá biệt, không đại diện cho toàn bộ thị trường”, anh Hưng khẳng định.