Tham lam khi người ta sợ hãi, một doanh nghiệp Hàn Quốc đã thắng lớn với khoản đầu tư vào May Thành Công và Savimex
Đầu tư vào May Thành Công (TCM), Savimex (SAV) vào thời điểm những doanh nghiệp này rơi vào khủng hoảng. Giờ đã đến lúc E.Land thu về trái ngọt sau nhiều năm đầu tư.
- 12-04-2017Savimex hồi sinh sau 3 năm hiện diện của đối tác Hàn Quốc, cổ phiếu tăng giá gấp đôi chỉ trong hơn 1 tháng
- 04-12-2015Đón “sóng” dệt may: E-Land lãi gấp 10 với khoản đầu tư vào TCM
Dệt may, đồ gỗ là những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Với lợi thế nguồn nhân công giá rẻ, trẻ cũng như được hưởng lợi ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại, đây thực sự là 2 ngành sản xuất kinh doanh đầy tiềm năng và nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh những hoạt động đầu tư trực tiếp (FDI) thì khối ngoại còn tham gia vào lĩnh vực dệt may, đồ gỗ thông qua hoạt động đầu tư gián tiếp, mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam. Điều này có thể thấy rõ nét thông qua trường hợp E.Land – một đại gia trong ngành thời trang, bán lẻ tại Hàn Quốc đang là cổ đông lớn nhất, nắm quyền chi phối tại May Thành Công (TCM) và Savimex (SAV).
E.Land “tham lam” khi mọi người sợ hãi
Khủng hoảng kinh tế những năm 2008 khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn. TCM cũng không ngoại lệ khi kết quả kinh doanh năm đó giảm mạnh và chỉ thoát lỗ nhờ đánh giá lại cách tính khấu hao tài sản.
Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu TCM từ đỉnh cao 111.000 đồng tháng 11/2007 (giá chưa điều chỉnh) đã liên tục lao dốc và giảm xuống chỉ còn khoảng 6.000đ vào đầu năm 2009.
Trong bối cảnh đó, E.Land đã bất ngờ trở thành đối tác chiến lược của TCM. Thông qua 2 đợt phát hành riêng lẻ trong năm 2009, E-Land đã chi 163 tỷ đồng để mua 16,3 triệu cổ phiếu, tương đương 38% cổ phần của TCM.
Sau nhiều đợt nhận thưởng cổ phiếu, mua cổ phần từ các cổ đông công ty, E.land hiện đang nắm giữ 21,3 triệu cổ phiếu TCM (tỷ lệ 43%).
Tương tự là trường hợp của Savimex – một doanh nghiệp chuyên sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ đã gặp nhiều khó khăn khi kinh tế toàn cầu suy thoái đã kéo theo nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ của một số cường quốc sụt giảm và ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của công ty.
Trong lúc khó khăn bủa vây với Savimex, E.Land đã mua lại hơn 4 triệu cổ phần từ các cổ đông hiện hữu của Savimex và trở thành cổ đông lớn nhất của công ty. Do giao dịch được thực hiện thông qua VSD nên mức giá không được công bố, tuy nhiên xét theo thị giá SAV khi đó thì có thể ước tính E.Land đã chi khoảng 70 tỷ đồng cho hơn 4 triệu cổ phiếu SAV (khoảng 17.000 đồng/cp).
Tuy vậy, trong 2 năm đầu tiên hiện diện tại Savimex, KQKD công ty vẫn không những không cải thiện mà còn đi xuống rõ nét với việc liên tiếp thua lỗ.
Đã đến lúc E.Land hưởng “trái ngọt”?
E.Land tham gia đầu tư vào TCM và Savimex với tỷ lệ sở hữu gần như tối đa trong phạm vi cho phép của nhà đầu tư nước ngoài. Điều này giúp E.Land có thể trực tiếp tham gia tham gia vào HĐQT và Ban điều hành cũng như quản lý, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.
Có thể thấy rõ như trường hợp TCM khi đầu ra sản phẩm đang được E.land bao tiêu tới 50% và hoạt động xuất khẩu của TCM chiếm đến 90% tổng doanh thu công ty. Sau sự hiện diện của E.Land, KQKD của TCM đã có sự chuyển biến rõ nét. Từ mức 1.000 tỷ đồng trong giai đoạn khủng hoảng năm 2008 thì đến năm 2016, doanh thu TCM đã lên tới hơn 3.000 tỷ đồng. Lợi nhuận công ty cũng duy trì ổn định quanh mức 100 – 200 tỷ đồng.
May Thành Công (TCM) tăng trưởng ổn định sau sự hiện diện của E.Land
Trong những tháng đầu năm 2017, cổ phiếu TCM đã có cú bứt phá ngoạn mục từ vùng giá 14.000 đồng lên 23.000 đồng. Với mức giá này, giá trị khoản đầu tư của E.Land vào TCM đã lên tới 487 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với vốn đầu tư ban đầu, đó là chưa kể tới khoảng 130 tỷ đồng cổ tức bằng tiền mặt nhận về trong suốt quá trình đầu tư.
Còn với Savimex, sau 2 năm thua lỗ (2014 và 2015), doanh nghiệp này đã có lãi trở lại trong năm 2016. Mặc dù con số lợi nhuận là khá khiêm tốn (2,8 tỷ đồng) nhưng bước đầu đây là những tín hiệu tích cực trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp của E.Land.
Savimex đã có lãi trở lại
Với sự hỗ trợ của E.Land, Savimex đang đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, đặc biệt tại thị trường Mỹ, Hàn Quốc. Theo đánh giá của CTCK BSC, tăng trưởng xuất khẩu của Savimex sang Mỹ sẽ đạt 20% năm 2017, 25% năm 2018. Còn thị trường Hàn Quốc với đầu ra được hỗ trợ bởi E.land dự báo tăng trưởng 5% mỗi năm.
Những tín hiệu tích cực từ hoạt động tái cấu trúc đã giúp cổ phiếu SAV tăng gần gấp đôi trong những tháng đầu năm 2017 và hiện đang ở quanh ngưỡng 11.000 đồng/cp. Nếu so với giá vốn đầu tư ban đầu vào Savimex thì E.Land vẫn đang thua lỗ.
Tuy vậy, việc thua lỗ về giá cổ phiếu chỉ là yếu tố thời điểm và việc hồi sinh Savimex hay TCM mới là thành công lớn của E.Land bởi doanh nghiệp ngoại này đã tận dụng được hệ thống sản xuất, nhân công cũng như những ưu đãi thuế tại Việt Nam.
Cổ phiếu TCM, SAV tăng phi mã trong giai đoạn đầu năm 2017
Trí Thức Trẻ