MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thâm nhập “hang ổ” của nhóm người giả mạo Family Mart, Cricle K... để lừa tiền xin việc của sinh viên

16-08-2017 - 12:19 PM | Sống

Nhóm đối tượng giả mạo các cửa hàng tiện lợi, chuỗi cafe có thương hiệu... gồm những nam thanh nữ tú ăn mặc lịch sự dưới chỉ đạo một "ông trùm" đã dùng mọi cách, "chém gió" đủ thứ nhằm lừa tiền sinh viên.

"Chỉ có lừa đảo mới bắt đóng tiền cọc"

Dạo một vòng mạng xã hội Facebook, chúng tôi nhận thấy đang có nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi, cafe như Family Mart, Cricle K, Pizza hut, Coffee House... có đăng tuyển ở nhiều vị trí, được sắp xếp công việc ở nơi gần nhà nhất và tuỳ chọn thời gian làm việc với mức lương cực kỳ hấp dẫn dành cho sinh viên .


Một fanpage mạo danh FamilyMart đăng tin tuyển dụng hòng lừa đảo các bạn sinh viên. Ảnh chụp màn hình.

Một fanpage mạo danh FamilyMart đăng tin tuyển dụng hòng lừa đảo các bạn sinh viên. Ảnh chụp màn hình.

Trong vai sinh viên mới lên thành phố nhập học, muốn xin việc làm thêm, chúng tôi liên hệ vào số điện thoại tên Linh, có ghi rõ chức danh Phòng nhân sự trên thông tin tuyển dụng của Family Mart.

Qua trao đổi với chúng tôi, giọng nam thanh niên trong điện thoại chỉ nói ngắn gọn để tránh bị "con mồi" phát hiện. Người này hỏi nơi ở rồi bảo đến địa chỉ gần nhất, chỉ cần mang theo chứng minh nhân dân đến phỏng vấn rồi nhận việc.

Khi được hỏi địa chỉ cửa hàng, nam thanh niên này bảo "cứ đến phỏng vấn rồi sẽ sắp xếp công việc" và không hề nhắc đến chuyện mang theo tiền để "thế chân". Đây là chiêu "dụ" con mồi "cắn câu" của nhóm đối tượng này.

Giống như những sinh viên bị lừa như chúng tôi đã thông tin, người này hẹn chúng tôi đến địa chỉ số 23/7 Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh, TP. HCM) để phỏng vấn ngay cả trong ngày Chủ nhật.


Người phụ nữ làm công việc đăng kí thông tin và thu tiền cọc của sinh viên khi đến xin việc làm thêm.

Người phụ nữ làm công việc đăng kí thông tin và thu tiền cọc của sinh viên khi đến xin việc làm thêm.

Vừa chạy xe máy đến địa điểm trên, chưa kịp nói gì thì 2 thanh niên giữ xe gần đó liền hỏi: "Đến phỏng vấn xin việc phải không, để xe đây giữ rồi vào nhà chỗ tập trung nhiều người đó". Căn nhà 3 tầng khang trang, vừa bước vào chúng tôi khá bất ngờ khi có rất nhiều người đến phỏng vấn, trong số này chủ yếu là sinh viên.

Một cô gái vừa từ trong ngôi nhà này bước ra liền nhắc nhỏ chúng tôi: "Bạn đến xin việc hả? Cẩn thận nhé, đừng có đóng tiền gì cả. Không có chỗ nào tuyển phải bắt đóng tiền trước mới nhận vào làm. Chỉ có lừa đảo mới bắt đóng tiền cọc trước".

Cô gái này cũng cho biết hiện đang là sinh viên đi kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, khi vừa đến nơi cần tuyển dụng, nữ sinh này đã nghi ngờ vì giống công ty lừa đảo. Mặc dù nữ sinh vẫn vào xem thử những người phỏng vấn nói gì. Sau khi đến phần bắt đóng tiền "thế chân", nữ sinh viện lý do từ chối, để không bị "sập bẫy" bọn lừa đảo.

Tung "hoả mù" với chiêu: Sắp xếp nơi làm gần nhà nhất, có nhiều chi nhánh gần chỗ ở

"Hang ổ" của nhóm đối tượng này là căn phòng được kê 4 chiếc bàn trống với khoảng 5-6 người (nam và nữ), ngồi chờ phỏng vấn những người đến xin việc. Khi vừa thấy tôi bước vào, một nam thanh niên (mặc áo xanh, ăn mặc bảnh bao) liền hỏi: "Mới ở quê lên xin việc hả em, ngồi đây đi anh phỏng vấn cho".

Sau đó được yêu cầu đưa chứng minh nhân dân, chúng tôi bảo quên mang theo nhưng nam thanh niên này vẫn chấp nhận nhận phỏng vấn.


Tại các trung tâm có nguyên 1 đội túc trực sẵn sàng tư vấn, hướng dẫn để lừa đảo sinh viên vào bẫy việc làm để chiếm đoạt tiền.

Tại các trung tâm có nguyên 1 đội túc trực sẵn sàng tư vấn, hướng dẫn để lừa đảo sinh viên vào "bẫy" việc làm để chiếm đoạt tiền.

Giọng nói nhanh và ánh mắt liên tục láo liếc, người này hỏi chúng tôi đã đi làm ở đâu chưa để dễ "chém gió", tạo sự tin tưởng từ "con mồi".

Giả vờ mới quê lên và lần đầu xin việc làm, nam thanh niên này lập tức hỏi rất nhiều câu hỏi như: "Em biết thông tin này từ đâu? Em muốn làm vào thời gian nào, bao nhiêu tiếng bên anh có thể sắp xếp công việc gần nơi chỗ em ở nhất để cho tiện. Ngoài Family Mart, em cũng có thể làm được ở Circle K hoặc siêu thị mini nào cũng được".

Trao đổi về công việc bán hàng tại Family Mart, nam thanh niên cho biết tuỳ theo thời gian làm việc khi làm 2 tháng thử việc mức lương 20.000 đồng/giờ, sau đó ký hợp đồng chính thức là 25.000 đồng/giờ.

"Nếu làm trong 6 tiếng/ngày sẽ có mức lương từ 3,9 triệu – 4,2 triệu đồng và được phụ cấp 800 nghìn đồng tiền đi lại, sắp xếp làm ở gần chỗ em ở. Nếu quyết định làm, công ty sẽ cấp 2 bộ đồng phục miễn phí, nhưng tránh trường hợp nghỉ ngang thì ký quỹ 450.000 đồng để giữ chân. Số tiền này sẽ trả lại vào cuối tháng. Ngày mai có thể đi làm luôn", người phỏng vấn "múa mồm" để lấy lòng tin chúng tôi.

Khi giả vờ "sập bẫy", người này bảo chúng tôi qua một bàn khác ngồi đăng ký thông tin. Tuy nhiên, mặc dù không có cả chứng minh thư nhân dân, người phụ nữ (khoảng 25-27 tuổi) vẫn nói qua loa: "Thôi lần sau bổ sung cũng được, bây giờ đóng 450.000 đồng tiền phí đồng phục, thế chân và số tiền này sẽ cộng dồn vào tháng lương đầu tiên".


Ngay sau đó, các bạn sinh viên sẽ trải qua phỏng vấn trực tiếp mà không cần hồ sơ.

Ngay sau đó, các bạn sinh viên sẽ trải qua phỏng vấn trực tiếp mà không cần hồ sơ.

Theo người phụ nữ này, sau khi đóng tiền sẽ được phát biên lai hoặc giấy cam kết để đến gặp quản lý cửa hàng ở khu vực xin vào làm chứ không nói rõ địa chỉ. Đây là cách lảng tránh mà nhóm đối tượng này thường xuyên áp dụng để từ chối những câu hỏi về địa chỉ các cửa hàng.

Ngoài ra, khi bị sinh viên hỏi nhiều câu hỏi và tỏ ra nghi ngờ, nhóm người này liền lớn tiếng mời ra ngoài để tránh bị phát hiện có hành vi lừa đảo. Lúc này sẽ có "ông trùm" là một gã đàn ông vẻ ngoài bặm trợn sẽ ra "nắn gân" các nạn nhân.

Tiếp tục đến địa chỉ được cho là quản lý của cửa hàng Family Mart để nhận việc thì đó là một công ty "ma" khác. Tuy nhiên công ty "ma" này tìm đủ lý do để tránh gặp khiến các nạn nhân cảm thấy nản rồi bỏ việc và không thể lấy lại số tiền đã "thế chân".

Xác nhận với chúng tôi, đại diện các chuỗi cửa hàng tiện lợi không hề có liên kết người tuyển dụng nào và đang đau đầu vì các trang giả mạo thương hiệu ở trên mạng để lừa đảo sinh viên xin việc làm thêm. Theo một quản lý chuỗi trà sữa Hot & Cold, nhóm đối tượng lừa đảo thường xuyên chuyển vị trí "hang ổ" nên rất khó để nhờ cơ quan chức năng can thiệp.

Theo Tứ Quý

Trí thức trẻ

Trở lên trên