MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tham nhũng và khu vực tư

Bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đặt ra yêu cầu phải phòng ngừa tham nhũng trong khu vực tư nhằm hướng tới xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, liêm chính và bền vững. Yêu cầu này cũng cần được nhìn nhận ở cả khía cạnh nội tại và tác động từ bên ngoài.

Bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đặt ra yêu cầu phải phòng ngừa tham nhũng trong khu vực tư nhằm hướng tới xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, liêm chính và bền vững. Yêu cầu này cũng cần được nhìn nhận ở cả khía cạnh nội tại và tác động từ bên ngoài.

Chưa có hướng phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư

Qua rà soát các chỉ số thành phần cho thấy, các DN vẫn phải chịu áp lực lớn từ các khoản chi phí không chính thức trong hoạt động kinh doanh; ứng xử có chuẩn mực đạo đức của các DN trong các hoạt động kinh doanh được đánh giá là còn thấp ( đều xếp thứ 109/ 144 quốc gia trong giai đoạn 2014 – 2015). Việc chưa có hướng tiếp cận về phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư phần nào được nhìn nhận là nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên.

Xét từ khía cạnh nội tại, tham nhũng trong khu vực tư cũng phát sinh từ nguyên nhân tương tự như đối với khu vực nhà nước là vấn đề “ông chủ và người làm thuê”. Cả hai khu vực công và tư đều tồn tại vấn đề “ông chủ và người làm thuê/ chủ sở hữu và người lao động hoặc người dân và những người đại diện cho họ”. Do đó, tình trạng xung đột lợi ích giữa những người làm chủ và người đại diện/ người làm công ăn lương đều có nguy cơ xảy ra. Mục đích của người làm chủ là tối đa hóa lợi ích của xã hội, cơ quan, tổ chức, trong khi không phải lúc nào người đại diện, làm công ăn lương cũng hướng tới mục đích đó mà tìm cách thu vén lợi ích cá nhân. Đây chính là nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng trong khu vực tư.

Đa dạng hành vi tham nhũng trong khu vực tư nhân ở VN

Nghiên cứu gần đây của VCCI phối hợp với Cty DEPOCEN thực hiện đã phần nào phác họa về các dạng hành vi có dấu hiệu tham nhũng trong khu vực tư ở VN hiện nay.

Theo nghiên cứu này, ngoài các hành vi có liên quan trực tiếp đến người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước, thì quan hệ giữa DN với DN cũng có những dấu hiệu tham nhũng. Cụ thể: Khi gặp khó khăn trong việc trực tiếp vay vốn từ ngân hàng, thì có tới 16,57% DN sử dụng dịch vụ trung gian môi giới hay chuyên gia tư vấn vay vốn và chi phí trung bình cho một khoản vay ngân hàng là 2,8% tổng số tiền vay được (trường hợp cao nhất là 10%).

Trong hoạt động đấu thầu, kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 30,45% DN có thực hiện đấu thầu, trong đó chỉ có 7,89% DN thường xuyên hoặc luôn luôn tổ chức, 22,55% chỉ thỉnh thoảng hoặc hiếm khi tổ chức.

Về chế độ đối với người phụ trách kinh doanh hoặc đàm phán hợp đồng của phía khách hàng, có 31,95% DN hoàn toàn không có chính sách này, có tới 28,57% DN áp dụng thường xuyên hoặc rất thường xuyên, khoảng 39,48% DN thỉnh thoảng hoặc hiếm khi áp dụng. Chính sách áp dụng thường là trích tiền mặt 61,5%, mời cơm chiếm 47,3% và còn lại là gửi quà biếu bằng hiện vật, mời đi du lịch hoặc tạo cơ hội việc làm cho người thân.

Các khoản “lại quả” mà các DN thường trích lại cho đối tác phần lớn là dưới 5% giá trị hợp đồng. Có trường hợp mức trích có thể lên tới 10%, đặc biệt là trong ngành dịch vụ được cho là cao hơn so với sản xuất và thương mại. Tương tự như vậy, trong các hợp đồng thuê mướn mặt bằng, các DN đi thuê cho biết họ còn phải trả thêm chi phí không chính thức cho người đại diện của bên cho thuê.

Những “khoảng trống” của pháp luật

Thực tế cho thấy, vẫn còn những “khoảng trống” của hệ thống pháp luật hiện hành về xử lý các hành vi có dấu hiệu tham nhũng trong khu vực tư.

Ở mức độ khái quát, có thể thấy pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng chưa phản ánh được hết những phức tạp phát sinh từ mối quan hệ giữa chủ sở hữu và người đại diện như đã phân tích ở trên trong mô hình quản trị DN hiện nay.

Trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế khi các loại hình kinh doanh ngày càng đa dạng, quan hệ kinh doanh ngày càng phức tạp, hình thức sở hữu ngày càng đan xen, thì những tác động từ các hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của các tổ chức, DN trong khu vực tư đối với nền kinh tế và xã hội nói chung là rất lớn và cần được phát hiện, ngăn chặn, xử lý sớm, tương xứng trước khi gây ra hậu quả thực tế (ví dụ từ các vụ việc liên quan đến sở hữu chéo tại các ngân hàng thời gian qua).

Vì vậy, để giúp thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội nói chung, những khoảng trống của hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến xử lý hành vi tham nhũng trong khu vực tư cần được sớm nghiên cứu và tìm kiếm các giải pháp khắc phục.

Theo Nguyễn Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên