Tham vọng của KIDO trên thị trường 10 tỷ USD
Một năm sau khi chuyển giao mảng bánh kẹo, lãnh đạo KIDO đã có dịp trình bày đầy đủ và thấu đáo về quyết định này trong Báo cáo thường niên 2015.
Chính sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng và yêu cầu về sản phẩm và chất lượng ngày càng cao đã khiến KIDO dịch chuyển từ quá trình Chuyển đổi giá trị vốn chỉ tập trung vào giá thành và quy mô, KIDO đã bước sang quá trình Hình thành giá trị, bao gồm phát triển thương hiệu, tiếp thị, bán hàng và phân phối.
Dễ hiểu hơn, là từ chỗ chỉ tập trung đưa sản phẩm ra thị trường (đẩy) trong hơn 20 năm qua, KIDO đã chuyển sang chiến lược thu hút người tiêu dùng (kéo). Mục tiêu là phục vụ người tiêu dùng thường xuyên hơn với nhiều lựa chọn sản phẩm hơn.
Cơ hội trong thị trường thực phẩm thiết yếu
Tại thời điểm này, khi hoạt động chuyển giao mảng bánh kẹo gần như hoàn thành, KIDO cũng đã thiết lập xong nền tảng cho việc thâm nhập vào thị trường mới và chuyển mình thành một tập đoàn kinh doanh Thực phẩm thiết yếu. KIDO cũng không che giấu mục tiêu chiếm một vị trí trong top 3 của thị trường này.
Theo chia sẻ của lãnh đạo KIDO tại Đại hội cổ đông gần đây, quy mô ngành thực phẩm tại Việt Nam hiện nay xấp xỉ 200 ngàn tỷ đồng. Con số này lớn hơn nhiều lần so với quy mô mảng bánh kẹo mà KIDO dẫn đầu trong nhiều năm qua.
Trong đó, nhóm ngành hàng dầu ăn và mỳ gói mà KIDO vừa gia nhập đều có giá trị khoảng 25.000 tỷ đồng và tăng trưởng lần lượt 8% và 5% trong năm 2015, theo số liệu của Euromonitor International. Ngành hàng gia vị và nước chấm quy mô nhỏ hơn (khoảng 20.000 tỷ) cũng tăng trưởng 4% năm ngoái.
Thị trường rộng lớn hơn đồng nghĩa với khả năng tiếp cận nhiều người tiêu dùng hơn. Không chỉ là hơn 90 triệu người tiêu dùng Việt Nam, việc gia nhập thị trường Thực phẩm cho phép KIDO bước ra tận dụng cơ hội ở thị trường 600 triệu người tiêu dùng Đông Nam Á.
Mặc dù vậy tham vọng chinh phục thị trường Thực phẩm của KIDO sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn. Ngay trước mặt họ là các tập đoàn đã xác lập vị thế trên thị trường hay các doanh nghiệp FDI được hậu thuẫn bởi tập đoàn nước ngoài.
Quan trọng hơn, KIDO cần một nguồn vốn lớn và khả năng phân bổ nguồn vốn hiệu quả trong các quyết định đầu tư. Thậm chí ở những giai đoạn nhất định sẽ phải hy sinh lợi nhuận để đạt được quy mô về doanh thu và mục tiêu chiến lược để đảm bảo tăng trưởng trong tương lai.
Tuy nhiên, trong hai năm qua các cổ đông vẫn nhận được lợi nhuận như cam kết kể từ khi cổ phiếu của tập đoàn này niêm yết trên sàn chứng khoán. Để làm được điều này, ngoài lợi nhuận từ thương vụ chuyển giao mảng bánh kẹo, KIDO đã tiếp tục đầu tư, phát triển mảng thực phẩm lạnh, bao gồm sản phẩm kem và sữa chua và thực phẩm đông lạnh.
Ra mắt các sản phẩm kem mới, mở rộng kênh phân phối và tăng đầu tư vào các nhà máy… giúp tập đoàn duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành thực phẩm lạnh với gần 37% thị phần. Năm ngoái, riêng doanh thu kem & sữa chua của KIDO đã tăng trưởng 30% so với năm 2014. Tuy vậy quy mô ngành thực phẩm lạnh lên tới gần 16.000 tỷ đồng và KIDO vẫn còn cơ hội để đầu tư mở rộng và khai thác.
Tại Đại hội cổ đông, KIDO tiết lộ sẽ đầu tư thêm 400 tỷ cho nhà máy tại Bắc Ninh để nâng công suất lên 170% trong năm nay, đồng thời giảm chi phí vận chuyển, phục vụ thị trường nhanh hơn. Điều này sẽ giúp KIDO duy trì khoảng cách khá xa với các đối thủ còn lại trong ngành thực phẩm lạnh.
Thiết lập nền tảng vững chắc cho tăng trưởng
Vị trí dẫn đầu ngành thực phẩm lạnh chính là “khoảng đệm cần thiết” để KIDO thâm nhập sâu hơn vào ngành hàng mới mà không chịu áp lực phải nhanh chóng tạo ra lợi nhuận.
Trong năm 2015, tập đoàn này đã tung ra 5 sản phẩm dầu ăn ở cả 3 phân khúc, trong đó 2 sản phẩm premium (phân khúc có tỷ suất lợi nhuận cao nhất).
Có thể nói quyết định đầu tư vào Tổng công ty Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), đơn vị có thế mạnh và kinh nghiệm về sản xuất đã giúp đẩy nhanh tốc độ hiện diện trong ngành dầu ăn của KIDO. Ngoài ra, việc ký kết thỏa thuận hợp tác với Felda Global Ventures (FGV) của Malaysia cũng giúp đơn vị này chủ động và có lợi thế cạnh tranh về mặt cung ứng nguyên vật liệu trong tương lai.
Trên thị trường mỳ gói đang cạnh tranh khốc liệt, tập đoàn cũng đã giới thiệu một loạt sản phẩm mang thương hiệu Đại Gia Đình, với các hương vị thuần Việt và được người tiêu dùng ưa thích.
Đại Gia Đình sẽ là thường hiệu chung của hàng loạt sản phẩm thực phẩm thiết yếu của KIDO với thông điệp ý nghĩa là giúp gắn kết các giá trị truyền thống gia đình.
Cẩn trọng mở rộng danh mục sản phẩm
KIDO đã thực thi nhanh chóng chiến lược mới nhưng hiệu quả là điều phải chờ đợi, có thể cần thời gian để kiểm chứng. Đó cũng là thời gian để tập đoàn này giải quyết những vấn đề không phải là mới trên thị trường thực phẩm nói chung.
Đó là bài toán tăng trưởng của thị trường dầu ăn. Với kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu tại Vocarimex lên 51%, KIDO có cơ hội để trở thành người dẫn dắt trên thị trường đang có quy mô hơn 1 tỷ USD này. Ở vị thế này, KIDO có thể sẽ lặp lại tình huống đã đối mặt với mảng bánh kẹo trước đây, khi nhu cầu thị trường nhanh chóng bị lấp đầy bởi năng lực sản xuất.
Thị trường mỳ gói lại là một bài toán khác: cạnh tranh. Hiện 3 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này đang nắm giữ trên 70% thị phần. Cơ hội cho KIDO không giống như dầu ăn, đặc biệt khi tốc độ tăng trưởng của thị trường này đang chậm lại trong vài năm gần đây.
KIDO sẽ cần một chiến lược đặc biệt xuất sắc trên thị trường mỳ gói và nó có thể đến từ chính mảng dầu ăn. Cùng với bột mỳ, đây là một trong hai nguyên liệu chính của sản xuất mỳ gói.
Nhưng lựa chọn trước mắt của KIDO vẫn là tập trung phát triển sản phẩm mới, đầu tư vào tiếp thị, bán hàng, logistic và hệ thống phân phối. KIDO cũng cho biết sẽ mở rộng hợp tác,tăng cường nhà cung ứng để đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Với 22 năm kinh doanh trong ngành thực phẩm, KIDO sở hữu những yếu tố mà không nhiều doanh nghiệp có được là sự am hiểu khẩu vị người Việt, kinh nghiệm trong ngành và nền tảng vận hành vững chắc. Đây là điểm tựa để tập đoàn này mở rộng ra các ngành hàng khác trong thị trường thực phẩm rộng lớn.
KIDO hiện có hơn 3.000 tỷ tiền mặt và sẽ có thêm gần 2.000 tỷ từ phần còn lại của mảng bánh kẹo trong năm nay. Một phần trong số này cũng sẽ được dùng để chi trả cổ tức (tổng cộng 30% cho cả năm 2015 và 2016) và mua số cổ phiếu quỹ còn lại (26 triệu với tối đa 30.000 đồng/cổ phiếu) theo như Nghị quyết Đại hội cổ đông năm 2016.