MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tham vọng của VNG

Tham vọng của VNG

Từ một công ty phát hành game nhỏ do những người mê chơi game thành lập, VNG đã trở thành kỳ lân đầu tiên tại Việt Nam và bước chân ra thị trường toàn cầu bằng các sản phẩm công nghệ.

Hạ tuần tháng 8/2023 vừa qua, VNG đã trở thành tâm điểm chú ý khi công bố Công ty VNG Limited (nắm 49% cổ phần trực tiếp trong VNG Corporation) đã nộp hồ sơ đăng ký lên Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC), dự kiến IPO cổ phiếu tại sàn chứng khoán Nasdaq.

Thực tế, tham vọng đem chuông đi đánh xứ người vốn được vị thuyền trưởng của VNG ấp ủ từ lâu. Từ năm 2010, trong cuộc phỏng vấn với Forbes, Chủ tịch Lê Hồng Minh từng chia sẻ về "giấc mơ" này, nhưng mãi đến năm 2017, VNG mới ghi nhận hành động thực tế đầu tiên khi ký thỏa thuận sơ bộ với Nasdaq về việc tiến hành IPO.

Hành trình "kỳ lân" của VNG

Sự ra đời của VNG vẫn thường được nhắc đến như một giai thoại của giới đam mê công nghệ, game online.

Hành trình của VNG (tiền thân là Vinagame) khởi nguồn từ việc ông chủ quán net – Lê Hồng Minh thích chơi game. Để thỏa mãn sở thích chơi game của mình, ông Minh đã cùng một vài người bạn thành lập quán cafe internet nhỏ. Nhận thấy được tiềm năng của quán, ông Minh đã quyết định nghỉ việc ở Vina Capital, cùng 4 người bạn lập ra Vinagame (tiền thân của VNG hiện tại) với vốn điều lệ 15 tỷ đồng vào năm 2004.

Tháng 6/2005 là dấu mốc thành công đầu tiên của Vinagame khi ký được hợp đồng với Kingsoft để mang game Võ Lâm Truyền Kỳ về Việt Nam, mở đường cho kỷ nguyên game nhập vai tại Việt Nam. Với việc ghi nhận 300.000 người chơi truy cập cùng một thời điểm chỉ trong vòng 1 tháng ra mắt, Võ Lâm Truyền Kỳ đã đưa Vinagame được đứng trong hàng các nhà phát triển game lớn tại Việt Nam.

Từ thành công của Võ Lâm Truyền Kỳ, công ty của ông Minh tiếp tục phát hành các game khác tại Việt Nam. Đến năm 2006, doanh thu của Vinagame đã đạt 17 triệu USD, gấp 6 lần năm 2005. Đến nay, toàn hệ thống công ty đã phát hành khoảng 170 tựa game và phủ rộng hơn 40 thị trường.

Đến năm 2009, CEO Lê Hồng Minh quyết định đổi tên Vinagame thành CTCP VNG, điều này phần nào đã khẳng định quyết tâm của ông trong việc mở rộng lĩnh vực hoạt động với 4 mảng sản phẩm chính là trò chơi trực tuyến, nền tảng kết nối, thanh toán điện tử và dịch vụ điện toán đám mây.

Theo đó, bên cạnh mảng game, VNG đã đẩy mạnh lĩnh vực nội dung số và giải trí trực tuyến, với hàng loạt các sản phẩm đình đám họ “Zing”như trang âm nhạc trực tuyến Zing MP3, mạng xã hội Zing Me và trang tin tức Zing News.  Hiện nay, Zing MP3 vẫn là một trong những ứng dụng phát nhạc trực tuyến hàng đầu Việt Nam, trong khi Zing News đang bị tạm dừng hoạt động.

Về phần mình, ZingMe là sản phẩm lõi của VNG trong giai đoạn 2009 – 2012. Vào thời kỳ hoàng kim năm 2011, Zing Me thậm chí đã có số lượng khách truy cập đạt 6,8 triệu người, cao gấp 2 lần so với 3,1 triệu người của Facebook vào thời điểm đó. Thế nhưng, do chỉ tập trung vào người dùng là các game thủ nên Zing Me dần trở nên "yếu thế" so với các mạng xã hội khác như Facebook, Instagram,... Đến năm 2020, VNG quyết định đóng cửa mạng xã hội này.

Dù thất bại, song ZingMe đã giúp giới chủ VNG cọ xát và lấy kinh nghiệm để ra mắt Zalo - ứng dụng tin nhắn và gọi điện quen thuộc trên máy tính và di động của người dùng. Thương hiệu này được giới thiệu ra thị trường từ cuối năm 2012 và bùng nổ khi đạt mốc 10 triệu người dùng vào năm 2014, và tiến ra thị trường nước ngoài vào năm 2016. Hiện nay, Zalo là nền tảng nhắn tin phổ biến nhất tại Việt Nam với 75 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.

Theo báo cáo The Connected Consumer quý I/2023 do MMA Việt Nam và Decision Lab công bố, Zalo tiếp tục là ứng dụng nhắn tin được sử dụng nhiều nhất Việt Nam. Cụ thể, Zalo dẫn đầu với tỷ lệ sử dụng là 86%, theo sau là Facebook với 71%, Messenger là 57% và Instagram là 14%. Vào năm 2022, Zalo cũng dẫn đầu tại bảng xếp hạng này. Bên cạnh đó, trong 2 năm liên tiếp (2021 và 2022), Zalo cũng lọt Top 20 ứng dụng được yêu thích nhất trên Apple Store.

Cùng với sự bùng nổ của ứng dụng chat Zalo, đến năm 2016, VNG đã phát triển thêm ZaloPay, đưa ứng dụng này nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những ví điện tử phổ biến hàng đầu tại Việt Nam, riêng năm 2022, ZaloPay cán mốc 10 triệu người dùng thường xuyên. Trên website chính thức, ZaloPay tự giới thiệu đã liên kết với 39 ngân hàng, tổ chức chuyển mạch tài chính, Grab Việt Nam và công ty chứng khoán DNSE.

Tuy nhiên, không phải bước lấn sân nào của VNG cũng mang về "trái ngọt". Điển hình như website thương mại điện tử đầu tiên là 123mua.vn đã nhượng lại cho cho Sen Đỏ - thành viên của Tập đoàn FPT. Trước đó, doanh nghiệp này đã từng phải khai tử ZingDeal và 123.vn. VNG cũng thừa nhận đã rút ra nhiều bài học "xương máu" khi phát triển kinh doanh một cách dàn trải.

Thành danh từ những dự án công nghệ, VNG còn tham gia đầu tư vào một số startup, trong đó có thể kể đến trang thương mại điện tử Tiki, nền tảng cung cấp quà tặng Got It, công ty công nghệ trong lĩnh vực vận tải hàng hóa EcoTruck. VNG còn liên tục rót vốn cho các startup, doanh nghiệp công nghệ ngoài nước nhằm đa dạng danh mục đầu tư, cũng như mở rộng hệ sinh thái sản phẩm, ngành nghề.

Cụ thể, vào năm 2021, VNG đã đầu tư 22,5 triệu USD vào Telio - nền tảng thương mại điện tử B2B đầu tiên của Việt Nam. Đến tháng 2/2022, VNG ghi nhận khoản đầu tư 22,5 triệu USD vào Funding Societies (hoạt động với tên gọi Modalku tại Indonesia). Funding Societies chuyên tài trợ vốn kỹ thuật số, và dịch vụ thanh toán B2B cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trên khắp Đông Nam Á. Sau đó không lâu, VNG đầu tư vào Haegin - một công ty chuyên phát triển các game di động tại Hàn Quốc. Phía VNG mong muốn mở rộng phạm vi kinh doanh trên thị trường quốc tế, hướng tới trở thành một nhà đầu tư chuyên nghiệp trong lĩnh vực Metaverse. Ngoài ra, VNG còn cùng quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures rót 7 triệu USD vào startup thương mại điện tử xuyên biên giới OpenCommerce Group.

Với những bước tiến của mình, năm 2014, VNG được World Startup Report định giá 1 tỷ USD và trở thành kỳ lân đầu tiên của Việt Nam. Đến năm 2019, VNG được quỹ đầu tư Temasek của chính phủ Singapore định giá 2,2 tỷ USD trong một thương vụ rót vốn.

Song tham vọng của giới chủ VNG chưa dừng lại. Trong bản cáo bạch gửi SEC, các nhà sáng lập VNG đặt mục tiêu đưa VNG trở thành một công ty công nghệ toàn cầu có trụ sở chính tại Việt Nam, một công ty có nhiều nhân tài toàn cầu nhưng vẫn mang đậm bản sắc Việt Nam: độc lập, kiên cường, cởi mở và khao khát học hỏi và phát triển.

Theo Khánh An - Huy Ngọc

Nhà đầu tư

Trở lên trên