Tham vọng đi vào lịch sử
Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.
- 18-04-2024Tăng vọt loại hộ gia đình đặc biệt ở Hàn Quốc
- 18-04-2024Đồng yên liên tục chạm đáy, vì sao Nhật Bản vẫn chưa can thiệp?
- 18-04-2024Time công bố 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới: 3 người từng nhận giải thưởng lớn từ ông Phạm Nhật Vượng
Theo số liệu của Reuters, khoảng 968 triệu cử tri - trong đó có 497 triệu cử tri nam và 471 triệu cử tri nữ - đã đăng ký tham gia cuộc bầu cử này. Họ sẽ bầu ra 543 dân biểu Hạ viện, được gọi là Lok Sabha.
Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ được chia thành 7 giai đoạn và kéo dài một tháng. Phải đến đầu tháng 6, kết quả bầu cử chính thức mới được công bố. Qua đó, có thể thấy khối lượng công việc hậu cần phục vụ cho việc tổ chức cuộc bầu cử này lớn tới cỡ nào.
Lần bầu cử Quốc hội năm nay tạo cơ hội cho Thủ tướng đương nhiệm Narendra Modi thuộc Đảng BJP đi vào lịch sử. Nếu BJP thắng cử, ông Modi có được nhiệm kỳ cầm quyền thứ ba liên tiếp, đồng thời san bằng kỷ lục về thời gian cầm quyền liên tục ở Ấn Độ được Thủ tướng Jawaharlal Nehru lập nên thời lập quốc. Ở lần bầu cử Quốc hội trước, BJP giành được 303 ghế dân biểu. Với đa số áp đảo trong Quốc hội, ông Modi đã yên ổn cầm quyền suốt nhiệm kỳ 5 năm qua.
Đến giờ, mọi dấu hiệu đều cho thấy Đảng BJP sẽ lại thắng lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội năm nay. Ở Ấn Độ, khoảng 80% dân số là người Hindu và sự ủng hộ của họ dành cho Đảng BJP và ông Modi vượt xa so với đối thủ chính trị đáng gờm nhất là Đảng Quốc đại Ấn Độ.
Điều được cả trong lẫn ngoài Ấn Độ quan tâm hiện tại chỉ là Đảng BJP sẽ đạt được kết quả bầu cử oanh liệt như thế nào, ông Modi giờ được tín nhiệm và tin cậy hơn hay kém so với cách đây 5 năm.
Không chỉ nuôi tham vọng đi vào lịch sử Ấn Độ về kỷ lục thời gian cầm quyền liên tục, Thủ tướng Modi còn đề ra hai mục tiêu khác nữa thể hiện sự thay đổi cơ bản toàn bộ đất nước Ấn Độ.
Thứ nhất là Hindu hoá Ấn Độ. Bản chất ý thức hệ chính trị của Đảng BJP là chủ nghĩa dân tộc Hindu. Trong hai nhiệm kỳ Thủ tướng, ông Modi kiên định thực hiện đường lối đề cao chủ nghĩa dân tộc Hindu và làm cho đạo Hindu lấn át hết những tôn giáo khác, đặc biệt Hồi giáo.
Thứ hai là đưa Ấn Độ, đến năm 2047, tức là 100 năm sau khi lập quốc, trở thành nước phát triển trên thế giới. Ông Modi đã sử dụng khái niệm “Nước Ấn Độ mới” để ám chỉ thành quả tạo dấu ấn cầm quyền có tính lịch sử của mình ở Ấn Độ.
Cũng chính vì thế mà Thủ tướng Ấn Độ không chỉ cần thắng cử lần nữa mà còn cả thắng cử vang dội. Nếu thắng cử không được như hồi năm 2019 cũng đồng nghĩa sự chống đối và phản đối nhằm vào ông đang gia tăng, thành quả cầm quyền đã đạt được vẫn chưa thật sự bền vững và việc hiện thực hoá tham vọng làm nên lịch sử cùng với đi vào lịch sử vẫn chưa thể chắc chắn sẽ thành công.
Cho nên, có thể đoán chắc được rằng Đảng BJP sẽ lại thắng cử và ông Modi sẽ được tiếp tục cầm quyền, vẫn rất thú vị khi dõi sát diễn biến và kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử Quốc hội năm nay ở Ấn Độ.
Giáo Dục Thời Đại