MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tham vọng mở 200 cửa hàng trên toàn quốc của "Ngôi nhà cà phê"

15-05-2016 - 08:15 AM | Doanh nghiệp

"Chỉ chưa đầy 2 năm, The Coffee House sẽ mở 40 cửa hàng tại Hà Nội và TP HCM. 4 năm tiếp theo, chuỗi F&B này sẽ dần lớn mạnh. Đến 2020, tham vọng của The Coffee House sẽ mở 200 cửa hàng trên toàn quốc", đó là chia sẻ của anh Võ Duy Phú, Giám đốc Marketing của chuỗi cà phê The Coffee House.

Tốc độ tăng trưởng của The Coffee House là điều mà nhiều Startup đáng mơ ước, đặc biệt trong ngành F&B. Ngôi nhà cà phê cho biết sẽ trở thành Startbucks thứ 2 ở Việt Nam, để khi nhắc The Coffee House là nhắc tới một thương hiệu cà phê Việt.

Tuy nhiên, với thị trường cà phê canh tranh khốc liệt hiện nay cùng với những đối thủ đáng gờm, kế hoạch đạt được chuỗi 200 cửa hàng trên toàn quốc chỉ sau 4 năm nữa của The Coffee House còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ.

Bước đi thần tốc của Ngôi nhà cà phê

Anh Võ Duy Phú - Giám đốc Marketing của chuỗi cà phê The Coffee House đã có những chia sẻ với chúng tôi về chiến lược này:

- Chỉ chưa đầy 2 năm, The Coffee House đã mở tới 22 cửa hàng ở VN - con số đáng mơ ước của các Start-up còn non trẻ. Anh có thể chia sẻ chiến lược của công ty trong thời gian vừa qua?

- Trong năm 2014-2015, chúng tôi tập trung vào những cửa hàng với mục tiêu phân phối rộng với mặt bằng được chọn kỹ lưỡng để khách hàng có thể dễ tìm, dễ thấy. Quán cà phê sẽ là một nơi lý tưởng để uống cà phê hàng ngày của khách hàng, thậm chí khách hàng có thể uống nhiều lần trong ngày.

Hiện nay chúng tôi thấy trên thị trường có rất nhiều đối thủ cạnh tranh , nhưng chưa ai có thể đáp ứng 3 tiêu chí cùng một lúc. Thứ nhất là về mặt bằng thoáng rộng giúp khách hàng thoải mái. Thứ 2 là chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ đảm bảo và thứ 3 là giá cả cạnh tranh.

Ví như Starbucks - một thương hiệu nổi tiếng ở nước ngoài, thì họ chỉ đáp ứng được 2/3 tiêu chí. Giá và khẩu vị khá mắc và lạ so với phần lớn người Việt. Còn các đơn vị khác như Highland, Urban Station có giá khá tốt song không gian chưa được đầu tư kỹ lưỡng, chưa năng động.

Tôi so sánh vậy không phải để nói tốt – xấu, ai mạnh - yếu, song chúng tôi thấy được thời cơ của The Coffee House chính là 3 yếu tố: mặt bằng, chất lượng - dịch vụ và giá cả đáng đồng tiền bát gạo.

- Vậy dự định mở rộng của The Coffee House trong thời gian tới là gì?

- Trong năm 2016, chúng tôi đang rất nỗ lực, cố gắng để có thể mở rộng 40 cửa hàng, như vậy chúng tôi sẽ có 10 cửa hàng ở Hà Nội và 30 cửa hàng ở TP HCM.

Kế hoạch đến năm 2020, chúng tôi sẽ có khoảng 200 cửa hàng trên toàn quốc.

- Ngoài Sài Gòn và Hà Nội, anh có định mở thêm ở đâu?

- Tháng 6/2016, chúng tôi sẽ tiên phong mở một cửa hàng tại Biên Hòa. Đây được xem là cơ hội để chúng tôi tiếp cận thị trường tỉnh.

Hiện tại, phần lớn việc quản lý ở tỉnh còn gặp khó khăn nên mục tiêu chính vẫn là 2 thị trường trên.

- Theo anh, thị trường Hà Nội có gì khác biệt hơn so với Sài Gòn mà các chuỗi cà phê thường khó phát triển hơn?

- Khách hàng Hà Nội rất khác và khó hơn so với Sài Gòn.

Cụ thể hơn, người Hà Nội rất thích đi uống ở những quán cà phê thân thuộc, họ sẵn sàng chạy xe 20 cây số đến một quán cà phê mà họ thích. Ngoài ra, họ có yêu cầu khắt khe hơn về sản phẩm, và cần đủ ấm cho mùa đông và thích tán dóc với bạn bè ngoài đường vào mùa hè.

Khách hàng Hà Nội có tần suất đi cà phê thường ít hơn song họ sẵn sàng chi nhiều hơn.

- Ngôi nhà cà phê sẽ chinh phục thị trường khó tính này bằng cách nào?

- Để tiến xa hơn tại thị trường này, The Coffee House sẽ xây dựng không gian quán có không gian mở, kết nối cộng đồng bằng cách nhắm vào văn hóa của Hà Nội.

Hy vọng trong tương lai ngắn, chúng tôi sẽ phục vụ khách hàng Hà Nội các món ăn cũng như tạo thói quen tới quán cà phê làm việc vào ban ngày. Năm 2016, chúng tôi dự kiến có 10 cửa hàng ở thị trường này.

- Theo anh, vấn đề đau đầu nhất của chuỗi cà phê so với quán cà phê thông thường là gì

- Tôi đánh giá sự khó khăn nằm ở việc đảm bảo sự đồng nhất trong phục vụ cũng như chuỗi sản phẩm. Bởi khi mở rộng ra, mức độ phát triển nhanh hơn khả năng của con người thì đương nhiên sẽ có những lỗi trong hệ thống. Và việc đồng nhất cũng phải làm một cách khéo léo không cứng nhắc.

Ví dụ khi khách hàng bước vào, họ sẽ nhận được những túi dịch vụ như cúi chào, cười, mời các đơn hàng. Tuy nhiên, một số khách hàng cảm thấy việc này quá phức tạp, họ muốn đến thẳng quầy. Do đó, việc này phụ thuộc vào từng môi trường cũng như tâm lý của mỗi khách hàng.

- The Coffee House duy trì độ ổn định của chuỗi như thế nào?

- Chúng tôi có được một quy trình đào tạo sự đồng hóa về mặt chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Ngoài ra chúng tôi thường xuyên dành ít nhất 3 ngày trong một tuần để ở cửa hàng. Với số lượng 22 cửa hàng, như vậy, mỗi ngày, chúng tôi đều có mặt ở mỗi cửa hàng khác nhau để trao đổi với khách hàng cũng như hoàn thiện trong cách kinh doanh.

Bên cạnh đó, chúng tôi có những công cụ để thu thập những ý kiến của khách hàng. Hiện nay mỗi tháng chúng tôi nhận được khoảng 5.000 phản hồi của khách hàng và đã có những điều chỉnh nhất định.

- Doanh thu trung bình mỗi ngày của các cửa hàng là bao nhiêu?

- Tôi xin phép chưa thể bật mí về con số này. Tuy nhiên, mỗi tháng, chúng tôi phục vụ được trung bình 300.000 khách hàng với 300.000 nhu cầu khác nhau.

- Ngôi nhà cà phê có dự tính bán gì ngoài cà phê không?

- Ngoài bán lẻ cà phê, chúng tôi đang ấp ủ dự định bán cà phê rang say đóng gói. Chúng tôi tự tin vào chất lượng sản phẩm của mình. Năm 2015, chúng tôi đã đầu tư hợp tác với đối tác 50 ha đất trồng cà phê và có thể sản xuất dòng cà phê Arabica trứ danh.

Đầu năm 2016, chúng tôi cũng vừa có thêm một nhà máy rang say mới.


Live stream với anh Võ Duy Phú - Giám đốc Marketing The Coffee House.

Live stream với anh Võ Duy Phú - Giám đốc Marketing The Coffee House.

Xem toàn bộ video: Live stream với anh Võ Duy Phú - Giám đốc Marketing The Coffee House.

"Nhắc tới The Coffee là nhắc tới thương hiệu cà phê Việt Nam"

- Giá trị vốn hóa của The Coffee House hiện là bao nhiêu?

- Đây là thông tin cần bảo mật, tôi xin phép không tiết lộ.

Tuy nhiên, giá trị của công ty ngày càng lớn mạnh với hy vọng rằng 2020, khi chúng tôi có thể đạt được tổng số 200 cửa hàng trên toàn quốc, giá trị của The Coffee House có thể lên tới triệu đô.

- Khi mở rộng chuỗi cửa hàng, The Coffee House có khó khăn gì về vốn, thưa anh?

- Khi mở rộng chắc chắn chũng ta sẽ có những khó khăn nhất định về vốn. Tuy nhiên, với mô hình của The Coffee House có thể sản sinh dòng tiền nhanh, những mô hình hiện nay có thể bổ sung những cửa hàng mới. Ngoài ra, chúng tôi có được hỗ trợ rất nhiều từ quỹ đầu tư Seedcom , và trong quá trình vừa qua, đơn vị này cũng là đơn vị chính hỗ trợ The Coffee House trong thời gian dài.

- Các chuỗi F&B (Thực phẩm và dịch vụ ăn uống) thường tiến hành nhượng quyền để đẩy nhanh tốc độ, The Coffee House có đi theo con đường này?

- Chúng tôi không đi theo con đường này. Hiện nay, The Coffee House đều tự mở các quán. Lý do chính là mô hình nhượng quyền không cho phép chúng tôi ứng biến, cải biến nhanh được để đáp ứng khách hàng.

Phương châm của chúng tôi là “Delivering Happiness”, nghĩa là trao niềm tin vào khách hàng. Định nghĩa hạnh phúc ở đây là hạnh phúc của khách hàng, và hạnh phúc của nhân viên. Nhân viên hạnh phúc thì khách hàng hạnh phúc.

- Thị trường trong ngành F&B tại Việt Nam đang rất sôi động, song cũng nhiều đơn vị đã thất bại. Anh có chuẩn bị tâm lý cho tình huống này?

- Khi khởi nghiệp bất kỳ một ngành nghề kinh doanh nào đó chúng ta đều ước lượng được những rủi ro mình gặp phải. The Coffee House cũng vậy thôi. Chúng tôi có muôn vàn khó khăn và rủi ro.

Nhưng từ năm 2013-2014, chúng tôi đã ngồi lại với nhau và cố gắng lên kế hoạch thật chi tiết để giảm thiểu rủi ro đó. Và chúng tôi thấy được thị trường cà phê cực kỳ tiềm năng. Ví dụ, top 10 chuỗi cửa hàng cà phê ở Việt Nam cộng lại, chúng ta chỉ có gần 3.000 cửa hàng trên toàn quốc. Nhưng so sánh trên thị trường với Thái Lan (doanh số chỉ bằng 1,5 Việt Nam) thì chỉ cần một chuỗi Cafe Amazon đã có 1.000 cửa hàng.

Thị trường Việt Nam cực kỳ to lớn và đầy tiềm năng. Cái khó khăn ở đây là chúng ta phải làm một chuỗi cà phê mà có giá trị bền vững dành cho khách hàng, nhân viên và cho cả thị trường.

- Anh đánh giá như thế nào về ý kiến cho rằng The Coffe House rất giống Startbucks Việt Nam?

- Bản thân Startbucks là công ty cực kỳ lớn, họ có gần 40 năm trong ngành cà phê và có rất nhiều sáng kiến thay đổi thị trường cà phê này.

The Coffee House cũng có mô hình giống Startbucks nhưng sản phẩm của chúng tôi có giá đáng đồng tiền bát gạo hơn. Việc này giúp người Việt có thể đến hàng ngày và tự hào là chuỗi cửa hàng của Việt Nam đầy năng động, và sẵn sàng cải tiến.

- Theo anh, đâu là yếu tố thành công của một chuỗi cửa hàng cà phê trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt hiện nay?

- Trong chuỗi The Coffee House trong thời điểm này nói riêng và các cửa hàng bán lẻ nói chung, việc am hiểu được tâm lý và thị hiếu khách hàng, chúng ta sẵn sàng lắng nghe ý kiến từ họ, đừng ngại những lời chê trách. Bởi những lời chê trách là một sự đóng góp cho doanh nghiệp mình ngày càng tốt lên.

Yếu tố thứ hai là phải sống thật với giá trị cốt lõi của mình là tạo giá trị riêng.

Cảm ơn anh!

Theo Mỹ Lan

Cafebiz/Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên