MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tham vọng năng lượng kín tiếng của TNG Holdings

Tham vọng năng lượng kín tiếng của TNG Holdings

Không ồn ã, song sự nổi lên nhanh chóng trong lĩnh vực năng lượng của TNG Holdings là rất đáng chú ý, đặc biệt với cách thức M

TNPower

Công ty TNHH MTV Đầu tư Sao Mộc được thành lập tháng 8/2015, đặt trụ sở tại tòa nhà Martime Bank, 180-192 Nguyễn Công Trứ, Quận 1, TP.HCM.

Như nhiều SPE (Special Purpose Entity) khác, Sao Mộc không có gì nổi bật, với vốn điều lệ vỏn vẹn 1 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn thực phẩm.

Đầu năm 2019, doanh nghiệp này đổi tên thành CTCP Năng lượng TNPower, lĩnh vực kinh doanh chính được đổi thành truyền tải và phân phối điện, hé lộ cuộc chơi mới của giới chủ TNG Holdings, khi mà cơn sốt điện tái tạo bắt đầu nóng dần vào thời điểm đó. Tham vọng năng lượng của TNG Holdings thể hiện rõ hơn khi TNPower tăng mạnh vốn từ 1 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng trong tháng 3 và lên 1.139,9 tỷ đồng vào tháng 12.

Theo giới thiệu từ TNPower, đến năm 2025, doanh nghiệp này đặt mục tiêu trở thành đơn vị tư nhân hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất điện, với công suất phát điện 5.000MW, hoạt động ở cả 4 mảng điện mặt trời, điện gió, điện khí LNG và thủy điện.

"Năm 2021, TNG Holdings Việt Nam đã và đang đầu tư 20.000 tỷ đồng vào năng lượng sạch tại nhiều địa phương trên cả nước cũng như tại các khu công nghiệp, khu đô thị mà TNG Holdings Việt Nam làm chủ đầu tư. 3 nhà máy đầu tiên đã phát điện với công suất 330MW và còn nhiều nhà máy khác đang được xây dựng với tổng công suất 550MW", trích dẫn website của TNG Holdings.

TNPower cho biết đã đưa vào vận hành 3 nhà máy điện mặt trời, là Nhà máy ĐMT Phước Hữu (65MWp) và ĐMT Thuận Nam 19 (61MWp) tại Ninh Thuận; cùng Nhà máy ĐMT quy mô 200MWp ở Đông Nam Bộ.

3 dự án đang triển khai được giới thiệu là Nhà máy điện gió Tây Nguyên (30MW) và Nhà máy điện gió ở Bắc Trung Bộ (50MW) hoạt động trong quý IV/2021; cùng Nhà máy ĐMT tại Ninh Thuận (230MW) dự kiến phát điện trong năm 2022.

Giai đoạn giữa năm 2019, TNPower từng được chấp thuận tìm hiểu dự án điện mặt trời nổi khu vực hồ Mạch Điểu, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi; hay dự án điện mặt trời nổi hồ Phước Hoà, huyện Chơn Thành, Bình Phước có công suất 160MWp, vốn đầu tư 2.972 tỷ đồng. Tại Bình Phước, thành viên TNR Holdings cũng được chấp thuận khảo sát dự án điện mặt trời nổi hồ Suối Gia, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú với công suất 49MWp, vốn đầu tư 800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng như các tập đoàn tư nhân đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực năng lượng như BB Group hay T&T Group, vốn không tự phát triển dự án từ đầu, mà chủ yếu mua lại từ các nhà đầu tư sơ cấp, các dự án năng lượng của TNPower, theo quan sát của Nhadautu.vn, phần nhiều đến từ một "motif" - là các dự án đã được MSB tài trợ vốn từ trước.

Tham vọng năng lượng kín tiếng của TNG Holdings - Ảnh 1.

Dự án điện gió Tài Tâm Hoàng Hải được giới thiệu là của TNPower. Ảnh chụp màn hình website TNPower

Cụ thể, dù TNPower không nêu chi tiết, song không khó để thấy dự án điện gió ở Bắc Trung Bộ mà doanh nghiệp này giới thiệu, chính là dự án điện gió Tài Tâm Hoàng Hải ở Quảng Trị.

Trong tháng 7 vừa qua, dự án này đã được thế chấp tại MSB. Như Nhadautu.vn đã đề cập , nhiều dự án khác của Tài Tâm Group cũng đang "trong tay" nhóm TNG Holdings. Cụ thể, dự án điện gió Tài Tâm Quảng Trị (50MW, vốn 1.800 tỷ đồng) được thế chấp tại MSB vào tháng 8/2021, còn dự án điện gió Thạnh Phú Bến Tre (120MW, vốn 4.996 tỷ đồng) tháng 7/2021 được thế chấp tại chính TNPower.

Với năng lực tài chính không mấy tích cực của Tài Tâm Group, sẽ không bất ngờ nếu bộ đôi dự án điện gió gần 7.000 tỷ đồng nêu trên sẽ tiếp tục "về tay" TNPower trong thời gian tới.

Trong khi đó, dự án lớn nhất của TNPower đã đi vào vận hành chỉ được giới thiệu là điện mặt trời, có vị trí ở Đông Nam Bộ, vốn đầu tư 163 triệu USD, quy mô 240ha, công suất 200MWp, triển khai trong giai đoạn tháng 6/2020-12/2020.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn , ở khu vực Đông Nam Bộ, chỉ có một dự án thỏa mãn các tiêu chí trên, là cụm dự án điện mặt trời Lộc Ninh tại Bình Phước của Tập đoàn Hưng Hải.

Cụm ĐMT Lộc Ninh có 5 nhà máy, từ 1-5. Mỗi nhà máy có công suất 200MW, trừ Lộc Ninh 3 là 150MW.

Cập nhật tới thời điểm hiện tại, các nhà máy Lộc Ninh 1,2,3 đang được thế chấp tại Tập đoàn PowerChina của Trung Quốc, trong khi nhà máy Lộc Ninh 5 vẫn thuộc sở hữu của Hưng Hải Group.

Với nhà máy Lộc Ninh 4, ở diễn biến đáng chú ý, ngày 22/12/2020, 39,2 triệu cổ phần doanh nghiệp dự án đã được chuyển nhượng cho vợ chồng doanh nhân Phan Văn Dũng (Đồng Hới, Quảng Bình).

Vai trò của MSB

Toàn bộ số cổ phần trên cùng dự án ĐMT Lộc Ninh 4, ngay hôm sau, ngày 23/12/2020 đã được mang đi thế chấp tại MSB Chi nhánh Sở Giao dịch.

Đầu năm 2021, MSB tổ chức lễ ký kết gói tín dụng 2.400 tỷ đồng phát triển dự án ĐMT Lộc Ninh 4. Đồng thời, nhà băng này công bố gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng dành riêng cho các dự án năng lượng tái tạo với mức lãi suất ưu đãi nhất.

"MSB mong muốn tìm kiếm các đối tác doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nhằm đồng hành, phát triển bền vững cho cả hai bên cũng như góp phần vào việc phát triển năng lượng sạch của Việt Nam", thông cáo báo chí của sự kiện cho hay.

Tương tự, MSB năm 2019 đã tài trợ dự án ĐMT Phước Hữu (50 MWp) tại Ninh Thuận của CTCP Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang.

Vào tháng 2/2021, Vịnh Nha Trang, CTCP Green Energy Phước Hữu và Tập đoàn Điện lực Việt Nam ký thỏa thuận thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện, từ Vịnh Nha Trang sang cho Green Energy Phước Hữu, hay nói cách khác, Green Energy Phước Hữu mới là "chủ mới" dự án điện mặt trời công suất 50MWp ở Ninh Thuận.

Green Energy Phước Hữu có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, được thành lập trước đó nửa năm, vào tháng 7/2020, với CTCP Đầu tư Phát triển BĐS TNR Holdings Việt Nam sở hữu 50% và vợ chồng doanh nhân Lê Anh Đức nắm 50% còn lại. Chủ tịch HĐQT là ông Lê Anh Đức.

Tháng 4/2021, ông Đinh Thái Chung (SN 1974) đã thay thế đại diện Vịnh Nha Trang trở thành Chủ tịch HĐQT mới của Green Energy Phước Hữu, đồng thời nhận chuyển nhượng 5 triệu cổ phần doanh nghiệp này.

Không chỉ tại dự án năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận, MSB cũng đang là đối tác ruột của của đại gia Đức "Cá Tầm", nhận thế chấp nhiều tài sản lớn của vợ chồng ông chủ Tập đoàn Cá Tầm Group.

Gần đây nhất, vào giữa tháng 9, MSB chi nhánh TP.HCM nhận thế chấp 11 triệu cổ phần của CTCP CLB Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh - chủ đầu tư dự án Cam Ranh City Gate thuộc sở hữu của ông Đức và vợ là bà Hà Thị Phương Thảo. Bản thân dự án này cũng được thế chấp tại MSB TP.HCM.

Trước đó, vào tháng 8/2021, vợ chồng ông Đức cũng thế chấp 1,5 triệu cổ phần CTCP Trần Thái Cam Ranh - chủ đầu tư dự án The Arena Cam Ranh tại MSB TP.HCM. 4,41 triệu cổ phần Trần Thái Cam Ranh cũng đã được CTCP Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang thế chấp tại MSB TP.HCM từ tháng 9 năm ngoái.

Theo HỮU BẬT - KHÁNH AN

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên