"Thần dược chốn phòng the" - cái mác mà con người gắn lên động vật để truy cùng diệt tận từ cá, chim đến sư tử và tiếp theo là loài nào?
Theo quan điểm của khoa học hiện đại, tất cả các loại “thực phẩm bổ sung” chẳng qua là thành phần giàu protein chất lượng cao, và cái gọi là giá trị dinh dưỡng cao hơn cũng chỉ là do con người nghĩ ra mà thôi. Dinh dưỡng động vật là hữu hạn trong khi mong muốn của con người là vô hạn.
- 03-10-2020Khoa học cảnh báo rợn người: Thềm băng Nam Cực đang tan chảy, nguy cơ nhấn chìm nhiều quốc gia và không thể phục hồi
- 22-09-2020"Cậu bé băng giá" khốn khổ, đầu đội mưa tuyết trắng xóa đi bộ đến trường lay động MXH ngày trước bây giờ có cuộc sống ra sao?
- 17-09-2020Một khối băng rộng hơn thành phố Paris vừa vỡ ra khỏi Bắc Cực, các nhà khoa học lo sợ đó là một phản ứng dây chuyền
Bong bóng cá Totoaba - Thần dược chốn phòng the
Cá Totoaba thường sống ở thượng nguồn vịnh California, nối giữa Baja California và đất liền Mexico. Chúng có thể dài tới 2,1 mét và chỉ sống tại khu vực biển Mexico. Người dân Trung Quốc phát hiện ra loài cá được cho là "thượng hạng" này từ thập niên 1920.
Mỗi khi cá Totoaba bị bắt, chúng liền bị xẻ thịt và lấy phần bong bóng giá trị nhất. Thịt sẽ được cắt nhỏ và bán cho người dân địa phương. Bong bóng cá được phơi khô rồi gửi về Trung Quốc bán kiếm lời. Số lượng loài cá này trong tự nhiên sụt giảm mạnh từ thập niên 1960 sau khi ngư dân Mexico sử dụng lưới đánh cá loại mới. Năm 1945, họ bắt được 2.220 tấn cá Totoaba thì tới năm 1975 chỉ còn 58 tấn.
Đây là loài cá được người Trung Quốc đánh giá là "thượng hạng".
Vào tháng 1/2019, Trung Quốc công bố một vụ án hình sự, trong đó có hai nghi phạm buôn lậu cá Totoaba đã bị kết án lần lượt 7 và 8 năm tù giam vì tội danh buôn lậu động vật quý hiếm. Điều này có nghĩa là, ít nhất cho đến năm ngoái, thị trường chợ đen vẫn hoạt động ở một góc nào đó của thế giới.
Theo Đông y, bong bóng cá Totoaba có tác dụng tốt cho sức khỏe, giúp bổ thận tráng dương, tu dưỡng cân mạch. Bong bóng cá cũng chứa nhiều chất béo, canxi, sắt và vitamin A. Do nhu cầu với bong bóng cá Totoaba quá lớn nên số lượng loài cá này đang suy giảm nghiêm trọng.
Bong bóng cá Totoaba được xem là thần dược phòng the.
Ngay tại vịnh California của Mexico, ngư dân không khác gì tham gia cuộc chiến săn lùng cá Totoaba. Khoảng 5 năm trước, chính quyền Mexico đã ban bố lệnh cấm bắt cá Totoaba trong khu vực 500 hải lý tính từ vịnh Mexico.
Tại Trung Quốc, bong bóng cá Totoaba phơi khô được bán bí mật tại thành phố Quảng Châu với giá từ 2000 NDT (khoảng 70 triệu đồng) tới 130 nghìn NDT (khoảng 400 triệu đồng). Người Trung Quốc tin rằng bong bóng cá Totoaba có tác dụng làm tráng dương, trẻ hóa làn da, chữa viêm khớp và các chứng khó chịu trong thời kì mang thai.
Số bong bóng cá Totoaba bị đánh bắt và bán sang Trung Quốc được cho là có tác dụng "tráng dương".
Trong một phóng sự của NBC (National Broadcasting Corporation) đã nói về vụ buôn lậu cá Totoaba như sau: “Chúng ta không bao giờ biết được họ đánh bắt bất hợp pháp bao nhiêu con cá, nhưng hoạt động này đã gây ra tác động thảm khốc đến quần thể cá. Cuối cùng, họ sẽ buôn lậu bong bóng cá Totoaba sang Trung Quốc".
Không biết có bao nhiêu con cá Totoaba bị đánh bắt rồi bán với giá cao ngất ngưỡng chỉ vì một số người Trung Quốc gắn mác “tráng dương”.
Bong bóng Totoaba có tráng dương được không? Bất cứ ai am hiểu về khoa học cũng nên biết rằng, giá trị dinh dưỡng của nó chỉ đơn giản là chất đạm và các chất dinh dưỡng có thể dễ dàng tìm thấy ở nhiều loài cá khác. Nhưng đại đa số thì mọi người lại chọn tin vào khả năng tráng dương "thần kỳ" của bong bong cá Totoaba và đó là lý do khiến loài cá này bị đánh bắt đến tận cùng.
Từ an toàn đến nguy cơ bị tuyệt chủng chỉ vì bị gắn mác "tráng dương"
Trước đây, các cuộc thảo luận của mọi người về vấn đề bổ thận và tráng dương luôn thu hút được sự quan tâm. Đa phần, các chuyên gia cho rằng việc tráng dương bổ thận dựa trên chế độ dinh dưỡng.
Theo quan điểm của khoa học hiện đại, tất cả các loại "thực phẩm bổ sung" chẳng qua là thành phần giàu protein chất lượng cao, và cái gọi là giá trị dinh dưỡng cao hơn cũng chỉ là do con người nghĩ ra mà thôi. Dinh dưỡng động vật là hữu hạn trong khi mong muốn của con người là vô hạn.
Sẻ đồng ngực vàng đang đứng trước nguy cơ sắp tuyệt chủng.
Vài năm trước, chim sẻ đồng ngực vàng đã bị người Trung Quốc ăn thịt không thương tiếc. Ban đầu, chúng là loài động vật có số lượng an toàn nhưng sau một thời gian đã lọt vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng khiến nhiều người lo lắng.
Cụ thể, năm 2004, sẻ đồng ngực vàng vẫn còn an toàn, nhưng sau đó việc săn bắn chuyển sang giai đoạn đe dọa đến sự tồn tại của giống loài. Đến năm 2008, sẻ đồng ngực vàng được xếp vào loại động vật dễ bị tổn thương. Năm 2013, chúng tiến vào danh sách động vật sắp bị tuyệt chủng, và đến năm 2017, sẻ đồng ngực vàng đã chính thức được Hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế xếp vào nhóm đang có nguy cơ tuyệt chủng, chỉ còn cách tuyệt chủng “một bước chân”.
Sẻ đồng ngực vàng vốn là một loài động vật hoang dã phổ biến ở miền Nam Trung Quốc. Khi mùa đông đến, sẻ đồng ngực vàng sinh sản ở phía Bắc dãy Himalaya sẽ bay ngang qua miền Đông Trung Quốc đến Đông Nam Á để tránh đông.
Vốn dĩ người miền Đông Trung Quốc và sẻ đồng ngực vàng chung sống hòa hợp. Cho đến những năm 1970, một số thương nhân đã truyền tai nhau về việc sẻ đồng ngực vàng có khả năng giúp tráng dương bổ thận. Họ cho rằng, loài chim này có thể bay ngàn dặm từ về phía Nam để tránh đông, nên thịt rất chắc và dẻo, nếu ăn vào sẽ có tác dụng bổ thận tráng dương, khư phong tán hàn (loại bỏ độc tố trong người), mạnh gân cốt, chắc khỏe xương. Từ đây, thảm họa mới thật sự bắt đầu.
Sẻ đồng ngực vàng được nướng và bày bán ở Trung Quốc vào năm 1997.
Từ năm 1980 đến năm 2013, số lượng sẻ đồng ngực vàng đã giảm khoảng 90%. Theo số liệu điều tra, từ năm 2000 đến năm 2013, có 28 vụ săn bắt và giết sẻ đồng ngực vàng, nhiều nhất là ở Quảng Châu và Thiều Quang thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), số lượng sẻ đồng ngực vàng bị săn bắn lên đến hơn 100.000 con. Nhu cầu vô cùng lớn.
Năm 1997, Trung Quốc đã cấm buôn bán sẻ đồng ngực vàng, và giao dịch ngầm từ đây không những không bị hạn chế mà ngày càng phát triển. Ngay cả trong năm 2017, năm mà Hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế cảnh báo sẻ đồng ngực vàng sắp tuyệt chủng thì các hoạt động săn bắn vẫn diễn ra tràn lan.
Trên thực tế, loài chim này bay nhiều, do ít chất béo nên giá trị dinh dưỡng của nó cũng gần giống chim bồ câu, chim cút. Nhưng rốt cục chỉ vì mọi người truyền tai nhau rằng nó có khả năng giúp tráng dương bổ thận nên mới không thể tránh khỏi thảm họa này.
Để đảm bảo “ngoại hình” của sẻ đồng ngực vàng, những con buôn phải làm ngạt chim sống đến chết.
Để đảm bảo “ngoại hình” của sẻ đồng ngực vàng, những con buôn phải làm ngạt chim sống đến chết. Ở Trung Quốc, có quá nhiều loại động vật hoang dã như sẻ đồng ngực vàng đã bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng chỉ vì bị gắn mác “tráng dương”.
Để "tráng dương" con người bất chấp "treo đầu hổ bán xương sư tử"
Từ xa xưa, cao hổ cốt được xem là loại thuốc quý với nhiều tính năng hữu ích. Theo các nhà khoa học, trong xương hổ có chứa một lượng axit amin cao gấp 900 lần các loài xương động vật khác, có tỷ lệ đạm toàn phần rất cao. Với lượng axit amin như vậy nên khi uống vào, nó có khả năng khiến cơ thể khỏe khoắn, hết đau xương, làm mạnh gân cốt.
Trong vòng hơn 80 năm qua, nhiều loài hổ đã bị tuyệt chủng. Ngày nay, hổ là loài động vật được bảo vệ ở cấp độ quốc gia và quốc tế, thế nhưng những vụ săn bắn và buôn bán da, xương vẫn còn tràn lan trong giới giao dịch ngầm.
Chỉ như vậy thôi thì chưa đủ, qua lời truyền miệng của dân gian, thì những tay săn hổ, những người đi lùng kiếm cao hổ cốt còn thêm vào cho loại “biệt dược” này những công dụng mà ai cũng phải “há hốc mồm” đó chính là tráng dương, bổ thận, hồi xuân, tăng cường tuổi thọ… Và chính vì lý do đó là “cơn sốt” cao hổ cốt rộ lên.
Cao hổ cốt không chỉ có thể chữa được bách bệnh mà còn còn có "biệt dược" là tráng dương, hồi xuân.
Hàng chục thập kỷ qua, hổ là loại động vật được giới săn bắt nhắm vào để đem bán sử dụng trong y học cổ truyền. Trong vòng hơn 80 năm qua, nhiều loài hổ đã bị tuyệt chủng. Ngày nay, hổ là loài động vật được bảo vệ ở cấp độ quốc gia và quốc tế, thế nhưng những vụ săn bắn và buôn bán da, xương vẫn còn tràn lan trong thế giới giao dịch ngầm. Kinh khủng hơn, khi hổ không còn nhiều thì giới săn bắn đã đánh tráo lấy xương sư tử hoang dã biến thành xương hổ để bán vào thị trường y học cổ truyền Trung Quốc và Đông Nam Á, tạo ra lợi nhuận khủng.
Khi hổ không còn nhiều thì giới săn bắn đã đánh tráo lấy xương sư tử hoang dã biến thành xương hổ để bán vào thị trường y học cổ truyền Trung Quốc và Đông Nam Á, tạo ra lợi nhuận khủng.
Hơn 1 thập kỷ trước, xương sư tử được xem là không có giá trị và thường xuyên bị người đi săn vứt bỏ. Tuy nhiên, kể từ khi Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) áp dụng lệnh cấm vận trên toàn thế giới đối với việc nuôi hổ vì mục đích thương mại vào năm 2007 thì những con sư tử bắt đầu rơi vào tầm ngắm của thợ săn.
Tại Nam Phi, ước tính trong 3000 sư tử, thì có khoảng 1/4 số lượng được nuôi nhốt để giết lấy thịt, lấy xương để giả làm hổ cốt. Những năm gần đây, nhu cầu về xương sư tử tăng vọt, một bộ xương sư tử có giá từ 3000 - 4000 USD (khoảng 70 - 90 triệu đồng), nhưng một bộ xương hổ có giá lên đến khoảng 20 nghìn USD (khoảng 463 triệu đồng), vì vậy xương sư tử có thể dễ dàng "hô biến" thành xương hổ khi chuyển giao cho người mua ở Châu Á.
Tạm kết
Có thể thấy rằng, khi nào quan niệm y học méo mó về việc tráng dương bổ thận vẫn còn tồn tại, thì loài người vẫn còn bị ý niệm ấy đeo bám, rồi đi hành hạ và truy cùng diệt tận các con vật. Hôm nay là cá Totoaba, sẻ đồng ngực vàng, ngày mai sẽ là tê tê, sư tử,... Một ngày nào đó trong tương lai, câu chuyện của ngày hôm nay vẫn sẽ lặp lại nhưng "nạn nhân" là loài khác.
Sau tất cả, việc bảo vệ động vật hoang dã trong tự nhiên là vấn đề rất cần thiết, không chỉ đem đến sự đa dạng về mặt sinh học, lợi ích nông nghiệp mà còn có thể điều tiết môi trường. Nhìn chung, nếu như ai cũng cố gắng thay đổi quan niệm và hành động một ít thì sẽ góp phần vào việc duy trì giá trị vô giá cho thế hệ tương lai sau này.
(Nguồn: Sina, QQ)
Pháp luật và Bạn đọc