Than thiếu lao động kỹ năng, nhưng doanh nghiệp nhỏ Việt Nam toàn tuyển ‘người quen’ vào làm việc
69% doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng do người ứng tuyển thiếu các lao động có kỹ năng. Tuy nhiên, có tới trên 57% doanh nghiệp tuyển "người quen" vào làm việc.
- 29-10-2016Ngân hàng lại ồ ạt tuyển dụng
- 24-10-2016Cách "bẻ khóa" câu hỏi phỏng vấn phổ biến: Vì sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn?
- 21-10-2016Phó Tổng FPT lại gây tranh cãi về câu chuyện: Không tuyển dụng người ngoài 40 vì tướng mạo xấu
Quy luật cơ bản về kinh tế cho rằng ở đâu có cầu thì ở đó có cung. Tuy nhiên, điều này không phải luôn luôn đúng trong thế giới thực. Trên thị trường lao động , các doanh nghiệp đôi khi không có khả năng tìm được những lao động có kỹ năng mà họ cần.
Kết quả cuộc điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) mới đây cho thấy: Có 7,9% số doanh nghiệp ghi nhận rằng họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu của mình.
Trong đó, 69% doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng do người ứng tuyển thiếu các lao động có kỹ năng.
Các nguyên nhân khác bao gồm do đề nghị mức lương quá thấp và điều kiện làm việc không hấp dẫn.
Trong khi đó, chỉ có 3,8% số doanh nghiệp siêu nhỏ cho rằng họ gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động, một tỷ lệ thấp hơn rất nhiều so với 15,6% của nhóm doanh nghiệp nhỏ và 28,4% của nhóm quy mô vừa.
Thêm vào đó, tỷ lệ các doanh nghiệp thuộc khu vực thành thị gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động cao gần gấp đôi so với nhóm các doanh nghiệp ở khu vực nông thôn.
Thực tế chỉ ra rằng các doanh nghiệp quy mô lớn hơn và doanh nghiệp ở khu vực thành thị tuyển dụng nhiều lao động có kỹ năng hơn. Do phần lớn các doanh nghiệp cho rằng nguyên nhân chính của trở ngại trong tuyển dụng lao động là thiếu lao động có kỹ năng, vì vậy có thể suy ra rằng kỹ năng của người lao động chưa đáp ứng được yêu cần của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cuộc điều tra lại cho thấy trình độ đào tạo của người lao động trên thực tế là khá cao.
Báo cáo cho rằng mâu thuẫn này có thể do cầu về lao động có trình độ cao đang vượt quá cung; hoặc giảng dạy tại các cơ sở đào tạo nghề ở cấp cao hơn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động; hoặc có vấn đề trong việc kết nối thông tin giữa người lao động có kỹ năng và các doanh nghiệp có nhu cầu.
Thiếu lao động kỹ năng, nhưng doanh nghiệp toàn tuyển “người quen”
Mặc dù than thiếu lao động kỹ năng, doanh nghiệp có xu hướng tuyển thông thông qua “quan hệ cá nhân” hoặc “do bạn bè/người thân hoặc người lao động khác giới thiệu”, tạm gọi chung 2 kênh này là kênh phi chính thức.
Kết quả điều tra chỉ ra rõ ràng đây là kênh quan trọng nhất để các doanh nghiệp tuyển dụng lao động mới. Mặc dù có sự giảm đi tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng kênh phi chính thức so với điều tra năm 2013, vẫn có tới trên 57% số doanh nghiệp sử dụng kênh này là chủ yếu.
Kênh tuyển dụng phi chính thức là rất quan trọng với bất kỳ doanh nghiệp dù thuộc nhóm quy mô nào. Nhưng tầm quan trọng của kênh tuyển dụng này cao hơn ở các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ với tỷ lệ lần lượt là 57% và 62% sử dụng kênh này để tuyển dụng.
Tỷ lệ doanh nghiệp thuộc nhóm quy mô vừa sử dụng kênh phi chính thức để tuyển dụng lao động là 43%.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp thuộc khu vực thành thị cho thấy rằng họ có mức độ sử dụng hình thức tuyển dụng phi chính thức cao hơn các doanh nghiệp nông thôn.
Phương pháp tuyển dụng lao động quan trọng thứ hai là qua quảng cáo trên báo – chủ yếu được áp dụng bởi doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa.
Cuộc điều tra được thực hiện trên các doanh nghiệp của 10 tỉnh, thành phố trên cơ sở các phương pháp lựa chọn của các vòng điều tra trước, gồm từ 2.500 đến 2.800 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã được điều tra trước đây, kể từ cuộc điều tra năm 2005, nếu vẫn còn hoạt động sẽ được lựa chọn để tiếp tục tiến hành điều tra.
Báo cáo do nhóm nghiên cứu gồm Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển Thế giới, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Đại học Copenhagen và Viện Khoa học lao động và xã hội công bố