Thận trọng khi nắm giữ USD
Việc Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ can thiệp, không để tỉ giá biến động quá 2% trong năm nay nên cá nhân và doanh nghiệp nắm giữ USD sẽ không có lợi
- 12-07-2018Chính phủ yêu cầu NHNN xây dựng kịch bản điều hành tỷ giá hạn chế tác động tiêu cực từ tài chính thế giới
- 11-07-2018Tỷ giá trung tâm tiếp tục tăng
- 10-07-2018NHNN tăng tỷ giá trung tâm, giá USD tại ngân hàng thương mại cũng tăng
Sau khi liên tục tăng mạnh trong 2 tuần trước, tỉ giá USD/VNĐ trong và ngoài ngân hàng (NH) những ngày qua bắt đầu hạ nhiệt. Thị trường ngoại tệ đang thiết lập mức giá mới xoay quanh ngưỡng 23.100 đồng/USD.
Dư địa tăng tiếp không còn nhiều
Ngày 11-7, NH Nhà nước công bố tỉ giá trung tâm ở mức 22.647 đồng/USD và giữ nguyên giá bán ngoại tệ cho các NH thương mại là 23.050 đồng/USD. Giá USD trong các NH thương mại phổ biến quanh mức 23.000 đồng/USD mua vào, 23.080 đồng/USD bán ra. Riêng giá USD trên thị trường tự do cũng hạ nhiệt khi được các điểm thu đổi ngoại tệ giao dịch quanh mức 23.190 đồng/USD chiều bán ra. So với cuối tuần trước, giá USD ở các NH thương mại giảm khoảng 20 đồng/USD, còn giá USD tự do giảm 30 đồng/USD. Nếu tính từ đầu năm đến nay, tỉ giá đã tăng gần 1,5%.
Giám đốc khối nguồn vốn một NH có thế mạnh xuất nhập khẩu cho biết các yếu tố tác động đến tỉ giá gần đây như USD trên thị trường quốc tế tăng giá, đồng nhân dân tệ mất giá mạnh so với USD và tác động tâm lý từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung… Ngoài ra, tỉ giá tăng trong 2 tuần qua còn do chênh lệch giữa lãi suất USD và VNĐ trên thị trường liên NH (nơi các NH vay mượn lẫn nhau) kỳ hạn ngắn ở mức thấp, thậm chí bị âm khiến các NH có xu hướng nắm giữ USD nhiều hơn.
Theo các chuyên gia, việc nắm giữ USD từ nay đến cuối năm là không có lợi đối với cá nhân lẫn doanh nghiệp Ảnh: Tấn Thạnh
Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi NH ổn định, thậm chí có xu hướng giảm nhẹ so với vài tháng trước, chứng khoán liên tục lao dốc và thị trường vàng trầm lắng, nhiều người có ý định nắm giữ USD chờ tăng giá. Chị Hạnh (ngụ quận 2, TP HCM) có khoản tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm, nay thấy giá USD tăng khá mạnh chị tính nắm giữ một khoản với kỳ vọng giá tăng thêm. "Tôi đang gửi tiết kiệm cho khoản tiền nhàn rỗi, trong đó có một ít tiền gửi bằng USD nhưng lãi suất 0%. Nay thấy giá USD tăng không biết có nên đầu tư thêm vào ngoại tệ?" - chị Hạnh băn khoăn.
Một số người khác kỳ vọng tỉ giá còn tăng lên trong những tháng cuối năm và nếu nắm giữ thời điểm này có thể có lợi. Trong khi đó, theo giới kinh doanh ngoại tệ, 2 tuần qua người mua USD chủ yếu là đối tượng có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ. Một số người khác chuyển sang nắm giữ USD để bảo toàn vốn do bị tác động bởi yếu tố tâm lý.
Tuy nhiên, TS Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị Kinh doanh Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, cho rằng hiện dự trữ ngoại hối khoảng 63,5 tỉ USD và NH Nhà nước tuyên bố sẵn sàng bán ngoại tệ, cam kết tỉ giá không biến động quá 2% trong năm nay. Tính ra, tỉ giá đã tăng khoảng 1,5% nên dư địa tăng tiếp là không nhiều, người dân dồn vốn vào USD sẽ không có lợi.
Doanh nghiệp chào bán USD giá thấp
Một lãnh đạo NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết dù tỉ giá biến động nhưng đến thời điểm hiện tại, cung cầu ngoại tệ vẫn bình thường. Doanh nghiệp gần như không mua trước (găm giữ) ngoại tệ vì chưa chắc đã có lợi. Bởi từ đầu năm nay, NH Nhà nước đã định hướng tỉ giá biến động không quá 2% và sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp thị trường. Do đó, doanh nghiệp cũng đã tính toán mức biến động của tỉ giá vào giá cả sản phẩm, chọn lựa phương thức mua USD giao ngay.
Thậm chí, có một số doanh nghiệp xuất khẩu đã chào bán USD với giá thấp hơn 80 đồng/USD so với giá bán của các NH thương mại, cho thấy cung cầu ngoại tệ không căng thẳng.
Ông Bùi Quốc Dũng - trợ lý trưởng Ban Kinh tế trung ương, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - cho rằng tỉ giá biến động những ngày qua chủ yếu do yếu tố tâm lý. Bằng chứng là dù NH Nhà nước đã hạ giá bán USD xuống 23.050 đồng/USD, thấp hơn mức giá bán ra của NH thương mại từ 20-30 đồng mỗi USD nhưng không NH thương mại nào đặt mua. "Dù NH thương mại niêm yết giá giao dịch USD khá cao nhưng khi NH Nhà nước sẵn sàng bán thì lại không mua, cho thấy cung cầu ngoại tệ không thiếu và yếu tố tâm lý chi phối rất nhiều" - ông Dũng phân tích.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, thời gian tới, các thương vụ thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước nếu thành công sẽ tiếp tục đem về lượng ngoại tệ lớn cho nhà nước. Cộng thêm nguồn cung ngoại tệ từ xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối… sẽ giúp dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng thêm và giúp NH Nhà nước có đủ nguồn lực can thiệp thị trường, giữ ổn định tỉ giá.
Việt Nam cần giảm giá VNĐ 2%-3%
Tại buổi tọa đàm công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II/2018 ngày 11-7 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR - cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gây ra xáo trộn mô thức thương mại giữa các nước, kéo theo hàng Trung Quốc tạm thời tỏa ra các nước, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, đồng nhân dân tệ yếu đi do Trung Quốc cố tình hạ giá hoặc do nhà đầu tư lo lắng trước các biến động và chủ động rút vốn.
"Việt Nam phải chủ động trong việc nhân dân tệ giảm giá và hàng Trung Quốc có thể nghẽn lại. Vì nhân dân tệ giảm giá, USD tăng càng làm hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn. Nếu mổ xẻ cơ cấu nhập khẩu thì thấy nước ta đa số nhập từ Trung Quốc hàng tiêu dùng nhưng cũng nhập hàng nguyên liệu. Như thế, với giá nhập rẻ mà giá bán ra vẫn giữ nguyên chúng ta vẫn có lợi" - TS Thành phân tích.
Từ đó, ông Thành khuyến nghị Việt Nam nên theo đuổi chính sách tỉ giá mềm dẻo, giảm giá VNĐ so với USD nhưng không giảm mạnh bằng nhân dân tệ. Mức giảm giá có thể chấp nhận được là từ 2%-3%.
Ngoài ra, ông Thành cũng lưu ý phải hạn chế vấn đề tăng thuế để không gây ra tác động mạnh. "Chỉ tiêu lạm phát trong mức 4% khó có khả năng giữ được trong năm nay. Năm sau, tăng trưởng có thể không cao như năm nay nhưng lạm phát có khả năng tăng trên 4%" - TS Thành cảnh báo.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định nếu GDP năm 2018 là 6,7%-6,8% và lạm phát trong 4% thì tuyệt vời nhưng e rằng khó thực hiện. Theo ông, với diễn biến khó lường như hiện nay và với mục đích bảo đảm tăng trưởng kinh tế thì có thể chấp nhận lạm phát cao hơn 4%.
Báo cáo của VEPR cho thấy kinh tế thế giới có những dấu hiệu chững lại trong quý II/2018 nhưng trong nước, quý này lại chứng kiến mức tăng trưởng tích cực với 6,79% - mức tăng quý II cao nhất trong 10 năm. Lạm phát quý II là 4,67%, trong khi lạm phát lõi giữ ổn định 1,37%, phản ánh chính sách tiền tệ thận trọng.
Ph.Nhung
Người lao động