MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tháng 01/2018 kết thúc thí điểm, Grab tại Việt Nam sẽ làm gì?

Đầu tư Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển, cung cấp dữ liệu và thông tin và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng là những việc Grab Việt Nam vẫn tiếp tục, dù thời gian chấm dứt thí điểm dịch vụ GrabCar đang đến gần.

Theo Quyết định 24 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), thời hạn kết thúc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng sẽ hết hạn vào tháng 01/2018.

Nhấn mạnh đến 3 công việc sẽ vẫn được tiếp tục thực hiện trước và sau thời điểm 01/2018, đại diện Grab cho biết công ty luôn làm việc rất chặt chẽ với các cơ quan chức năng để mang đến những giải pháp vận chuyển thông qua công nghệ.

Dữ liệu và thông tin cũng là một nội dung được đại diện Grab Việt Nam nhắc đến. Theo đó, Grab “sẽ tiếp tục cung cấp dữ liệu và thông tin cho các cơ quan chức năng để góp phần cải thiện giao thông, đồng thời phối hợp để góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của người dân Việt Nam thông qua việc cải thiện cách thức di chuyển” - bà Nguyễn Thu An, Giám đốc Truyền thông Grab Việt Nam cho biết.

Đối với những tài năng công nghệ, đại diện Grab Việt Nam khẳng định Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại TP.HCM sẽ tiếp tục được đầu tư, mang đến cơ hội làm việc và phát triển cho các kỹ sư trong nước.

Theo khảo sát của dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam Q&Me, có sự thay đổi lớn trong thói quen sử dụng taxi của người tiêu dùng Việt Nam sau 3 năm Grab, Uber tham gia thị trường. Cụ thể: 61% người dùng khẳng định họ sử dụng dịch vụ taxi truyền thống ít thường xuyên hơn so với một năm về trước; Taxi truyền thống chỉ vượt mặt ứng dụng gọi xe của Grab/Uber trong hai trường hợp là thời tiết xấu và di chuyển đến sân bay.

Hiện tại, có 7 đơn vị của Việt Nam cùng tham gia cung ứng dịch vụ tương tự như Grab và Uber, trong đó có cả những hãng taxi lớn như Vinasun, Mai Linh, Taxi Group. Trong văn bản trả lời chất vấn về Grab và Uber, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định thực tế này là “sự thay đổi tích cực trong các doanh nghiệp vận tải và công nghệ của Việt Nam”.

Theo Thủ tướng, việc phát triển của loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử là quy luật tất yếu mang tính tích cực theo hướng đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân với chi phí cho các chuyến đi phù hợp hơn, đảm bảo thuận tiện an toàn.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên