MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tháng 4: Cổ phiếu 'tí hon' tăng 10 lần, nhóm dầu khí bứt phá

Đa số các cổ phiếu vốn hóa lớn biến động giá không quá mạnh.

Do các cổ phiếu vốn hóa lớn biến động với biên độ hẹp và có sự phân hóa mạnh nên các chỉ số kết thúc thị trường đi ngang. VN-Index đứng ở mức 979,64 điểm, giảm 0,11% so với tháng 3. HNX-Index tăng 0,02% lên 107,46 điểm. UPCoM-Index giảm 2,2% và đạt 56,23 điểm.

17/30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường biến động không quá 5%. Cổ phiếu VIC của Vingroup có vốn hóa lớn nhất thị trường và cũng là mã có ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index giảm gần 2%. Tương tự, cổ phiếu cùng họ 'Vin' là VHM của Vinhomes chỉ tăng nhẹ 0,5%.

GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam giảm mạnh nhất với 8,5%. Tuy nhiên, việc GVR giảm giá dường như không mấy tác động đến tâm lý thị trường chung một phần do cổ phiếu này chỉ đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Tháng 4: Cổ phiếu tí hon tăng 10 lần, nhóm dầu khí bứt phá  - Ảnh 1.

Biến động của 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường trong tháng 4

Cổ phiếu dầu khí gây bất ngờ

Tâm điểm của thị trường trong tháng 4 tập trung vào nhóm cổ phiếu dầu khí. Các 'ông lớn' của ngành này bao gồm Tổng Công ty Khí Việt Nam (HoSE: GAS), Tổng công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (HoSE: PVD), Tổng Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS), Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR)...đồng loạt tăng giá mạnh phần nào nâng đỡ thị trường chung.

Trong đó, GAS tăng 15% chỉ sau 1 tháng từ mức 98.200 đồng/cp lên thành 112.800 đồng/cp. PVD tăng 6%. PVS tăng 13,1%... Động lực tăng giá nhóm cổ phiếu dầu khí là kết quả kinh doanh quý I với nhiều điểm tích cực.

Tháng 4: Cổ phiếu tí hon tăng 10 lần, nhóm dầu khí bứt phá  - Ảnh 2.

Biến động giá cổ phiếu GAS trong tháng 4

Về GAS, doanh nghiệp này đạt 3.029 tỷ đồng LNST của cổ đông công ty mẹ tăng 16% so với cùng kỳ, tương đương EPS đạt 1.489 đồng. PVS ghi nhận lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 368,8 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. PVD giảm lỗ so với cùng kỳ, từ 253 tỷ đồng xuống 93.

Cổ phiếu 'tí hon' nhưng mức tăng 'khổng lồ'

Thị trường cũng ghi nhận nhiều cổ phiếu vốn hóa nhỏ, thị giá và thanh khoản thấp nhưng lại có mức tăng giá rất mạnh nhờ kết quả kinh doanh đột biến và trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ cao.

Tháng 4: Cổ phiếu tí hon tăng 10 lần, nhóm dầu khí bứt phá  - Ảnh 3.

8 cổ phiếu tăng giá trên 100%

Đáng kể nhất trong số này chính là cổ phiếu của Công ty Quảng cáo và Hội chợ Thương mại (UPCoM: VNX). Chỉ trong vòng 1 tháng, VNX tăng từ 1.879 đồng/cp lên thành 20.800 đồng/cp tương ứng mức tăng giá là 1.007%. VNX hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo và hội chợ triển lãm thương mại; du lịch kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, thiết bị máy văn phòng… Năm 2018, VNX có doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt 164,8 tỷ và 12,4 tỷ đồng, cao hơn 11% và 41% so với năm trước. EPS đạt 10.177 đồng.

Tháng 4: Cổ phiếu tí hon tăng 10 lần, nhóm dầu khí bứt phá  - Ảnh 4.

Biến động giá cổ phiếu VNX trong tháng 4

Vừa qua, VNX đã chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 50%, tương đương 5.000 đồng/cp. Thời gian thanh toán dự kiến tại ngày 10/5.

Tiếp sau đó, cổ phiếu của Công ty Khoáng sản Viglacera (UPCoM: VIM) cũng ghi nhận mức tăng 303% sau 1 tháng sau giao dịch, từ 5.988 đồng/cp đã leo lên 24.130 đồng/cp. VIM hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoảng sản phục vụ cho ngành gồm sứ và thủy tinh. Năm 2018, VIM có lợi nhuận sau thuế tăng 11 lần so với năm trước, đạt gần 6,8 tỷ đồng; trong khi doanh thu hơn 92 tỷ đồng, cao hơn 10%. Kết quả này vượt 12% kế hoạch doanh thu, nhưng chỉ tương đương 89% chỉ tiêu lợi nhuận. EPS cả năm là 5.410 đồng.

Tháng 4: Cổ phiếu tí hon tăng 10 lần, nhóm dầu khí bứt phá  - Ảnh 5.

Biến động giá cổ phiếu VIM trong tháng 4

Điểm chung của VIM với VNX là hai doanh nghiệp này đều trả cổ tức với tỷ lệ rất cao. Ngày 2/5 tới đây, VIM sẽ chốt quyền chi trả cổ tức năm 2018 bằng tiền với tỷ lệ 52% (1 cổ phiếu được nhận 5.200 đồng).

Theo Bình An

Người đồng hành

Trở lên trên