Tháng 4, thị trường cao su đón tín hiệu tích cực nào?
Thị trường cao su xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực do sự thay đổi trong triển vọng cán cân cung - cầu cũng như các yếu tố địa chính trị giúp giá dần hồi phục.
- 19-04-2019Trung Quốc có thể vẫn nhập nhiều dầu thô để bổ sung vào dự trữ
- 19-04-2019Thủy sản tuy không còn phong độ cao nhưng vẫn còn nhiều hy vọng
- 19-04-2019Phát hiện 5,5 tấn bánh kẹo và đồ chơi không rõ nguồn gốc đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ
Giá cao su thế giới hồi phục
Sau đợt giảm mạnh hồi tháng 3, giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan có xu hướng phục hồi từ đầu tháng 4. Tại Nhật Bản, giá giao tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa TOCOM hiện là 186,6 yên/kg (tương đương 1,67 USD/kg), tăng 8% so với cuối tháng trước.
Tại Trung Quốc, giá cao su thiên nhiên giao tháng 5 chốt phiên 17/4 giao dịch ở 11.410 nhân dân tệ/tấn (tương đương khoảng 1,7 USD/kg), tăng 0,1%.
Giá cao su RSS3 tại Thái Lan cũng tăng 1,8% so với cuối tháng 3 và chốt phiên 17/4 được chào bán ở 54,07 baht/kg (tương đương 1,7 USD/kg).
Tương tự, tại thị trường trong nước, giá mủ cao su nguyên liệu tại Bình Phước, Tây Ninh, Đắk Lắk tăng nhẹ trong 10 ngày đầu tháng 4. Cụ thể, ngày 10/4, giá thu mua mủ cao su nước tại vườn và tại nhà máy ở Đắk Lắk tăng 7 đồng/độ TSC so với cuối tháng trước, đạt lần lượt 240 đồng/độ TSC và 245 đồng/độ TSC.
Ảnh: Reuters.
Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 4 bình quân đạt 1.420 USD/tấn, tăng từ mức 1.395 USD/tấn của tháng trước.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, khối lượng xuất khẩu cao su tính đến nửa đầu tháng 4 đạt gần 379.000 tấn, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất khẩu cũng tăng 16,2% và đạt hơn 504 triệu USD.
4 lực đẩy cho thị trường cao su
Giá cao su tăng do nguồn cung cao su được dự báo giảm khi Indonesia, Malaysia và Thái Lan, 3 quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới, bắt đầu thực hiện kế hoạch hạn chế xuất khẩu. Theo kế hoạch được thông qua, Indonesia sẽ giảm 98.160 tấn cao su xuất khẩu trong 4 tháng bắt đầu từ ngày 1/4. Tương tự, Malaysia và Thái Lan sẽ lần lượt giảm 15.600 tấn và 126.240 tấn từ ngày 20/5, Jakarta Post cho biết.
Động thái này nằm trong kế hoạch giảm xuất khẩu 240.000 tấn cao su của 3 quốc gia sản xuất cao su lớn nhất châu Á này, ông Kasan Muhri, người đứng đầu cơ quan đánh giá và phát triển thương mại Indonesia cho biết.
Ông Kasan cho biết kế hoạch hạn chế xuất khẩu của Indonesia, Malaysia và Thái Lan có thể giúp giá tăng tiếp lên hơn 1,5 USD/kg, thậm chí chạm mốc 2 USD/kg. Giá cao su toàn cầu hiện loanh quanh ở 1,4 USD/kg, tăng từ mức dưới 1,2 USD/kg hồi cuối năm ngoái.
Một yếu tố hỗ trợ khác là giá dầu trên thị trường thế giới tăng. Giá dầu Brent đang loanh quanh ở sát đỉnh của năm 2019 và chốt phiên 17/4 là 71,62 USD/thùng, tăng 4,7% so với cuối tháng 3. Giá dầu thô giữ xu hướng tăng kể từ cuối tháng 2 do những lo ngại liên quan tới thiếu hụt nguồn cung tại Iran, Venezuela và Libya trong bối cảnh Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ hạn chế sản xuất.
Thị trường cũng giữ tâm lý lạc quan về tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới. Theo số liệu mới nhất, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,4% trong 3 tháng đầu năm nay, ngang với mức tăng trưởng của quý IV/2018 và cao hơn dự đoán của thị trường.
Số liệu gần đây từ cả nguồn tư nhân và chính phủ cho thấy kinh tế Trung Quốc có sự cải thiện trong tháng 3. Trong đó, sản lượng công nghiệp tháng 3 tăng 8,5%, mức tăng nhanh nhất trong 4 năm qua. Doanh số bán lẻ tăng 8,7%, vượt kỳ vọng của giới phân tích, trong khi đầu tư tài sản cũng tăng 6,3% trong cùng kỳ.
Kết quả này có được phần nào nhờ chính sách kích thích của Bắc Kinh, như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng để khuyến khích tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và trung bình.
Cùng với những cải thiện của kinh tế Trung Quốc, tiến triển trong đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng xoa dịu lo ngại nhu cầu tiêu thụ cao su sẽ suy yếu. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 13/4 khẳng định các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc sắp được hoàn tất. Một số nguồn cận tin cũng cho biết hai bên đang đẩy mạnh các cuộc họp trực tiếp nhằm đạt được thỏa thuận vào đầu tháng 5 và lễ ký kết có thể diễn ra ngay vào cuối tháng.
Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên đánh giá rằng các yếu tố cơ bản đang diễn biến theo hướng có lợi cho giá cao su thiên nhiên cả trên thị trường giao ngay và tương lai.
NDH