Thăng trầm với… cam sành
Trong khoảng 10 năm, từ năm 2000 đến 2010, với nông dân các tỉnh, thành miền Tây nói chung và đặc biệt là Hậu Giang, cây cam sành sinh hoa lợi cao, giúp không ít nhà vườn thoát nghèo, địa phương phát triển về kinh tế một cách rõ rệt. Chỉ 1ha đất trồng cam sành, sau 3 năm, nhà vườn có thể thu nhập hơn 100 triệu đồng/lứa trái.
- 13-05-2018Ồ ạt trồng mít Thái siêu sớm: Cẩn trọng "bài học cam sành"
- 25-03-2018Ồ ạt tăng diện tích, cam sành rớt giá liên miên
- 03-02-2018Trung Quốc thu gom, mít lên giá kỷ lục, cam sành xuống 5.000 đồng
Thế nhưng cũng chính cây cam sành là nguyên nhân khiến nhiều nông dân lâm vào cảnh khốn khổ, khi bất ngờ đổ bệnh. Ngành chức năng, chính quyền địa phương chung tay cùng người dân “chống bệnh” cho loại cây trồng sinh “lợi nhuận vàng” nhưng đành bất lực. Nhiều nhà vườn phải thế chấp sổ đỏ vào ngân hàng để vay vốn tái sản xuất.
Năm 2014, UBND tỉnh Hậu Giang đã công bố dịch vàng lá gân xanh gây hại cây cam sành trên địa bàn. Tổng diện tích nhiễm bệnh vào thời điểm công bố dịch lên gần 7.000ha, chiếm 71,3% tổng diện tích trồng, tập trung chủ yếu tại huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy.
Trong đó, diện tích nhiễm nặng, gây hại trên 70% là 1.935ha. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp tỉnh đã khẩn trương phối hợp với các địa phương có diện tích cam sành nhiễm bệnh tiến hành triển khai nhiều giải pháp nhằm khống chế dịch, tránh lây lan, đồng thời hạn chế thiệt hại cho người dân.
Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã phát hành 24.000 tờ bướm và tổ chức 270 cuộc tập huấn, tọa đàm hướng dẫn cho nhà vườn quy trình phòng trừ dịch bệnh, quy trình sản xuất theo hướng bền vững, sạch bệnh và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về giống cây trồng cho nhiều cá nhân là đại diện các đại lý, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh… thế nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa cao.
Nhà vườn Hậu Giang phải đốn bỏ những cây cam sành bị bệnh vàng lá gân xanh vì không có thuốc trị.
Là người gắn bó, trải qua những thăng trầm với cây cam sành, nông dân Châu Minh Tứ (xã Phú Hữu, huyện Châu Thành) cho biết, vào 2005, thấy nhiều người chuyển sang trồng cam sành thu lợi nhuận gấp 10 lần trồng lúa, 5 lần so với xoài, nên gia đình đã chuyển 4 công (4.000m2) vườn xoài trắng sang trồng cam sành. Vào vụ nghịch, giá cam loại 1 từ 30.000 - 33.000 đồng/kg, thấp nhất cũng từ 25.000 đồng/kg nên có lãi lớn. Còn vụ thuận, dù giá cam ở mức 7.000 -10.000 đồng/kg nông dân vẫn có lời.
“Thấy vậy, sau khi đợt cam đầu bị lão hóa, tôi đốn bỏ, vay thêm tiền thuê 20 công đất lúa, lên bờ để trồng cam sành. Tổng chi phí gần 200 triệu, thế nhưng khi cây cam cao hơn đầu người thì bị bệnh vàng lá gân xanh. Làm mọi cách, sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật đắt tiền, nhờ chuyên gia tư vấn, nhưng vẫn không cứu được vườn cam. Giờ không còn vốn tái sản xuất, vợ chồng tôi phải đi làm công nhân trả lãi hằng tháng cho ngân hàng”, ông Tứ, buồn bã.
Theo ngành chức năng các địa phương đồng bằng sông Cửu Long, việc nông dân thu lợi “khủng” từ việc trồng cam sành là đáng mừng nhưng việc trồng ồ ạt, tự phát như trên đã phá vỡ quy hoạch, khó kiểm soát, tạo điều kiện cho bệnh vàng lá gân xanh tồn tại, lây lan,…
Theo đặc tính cây cam sành, sau 5 năm trồng mới cho trái ổn định. Nhưng thực tế cây cam bây giờ chỉ hơn 1 năm là nông dân đã ép cho trái, từ 2 - 3 năm là đã phải đốn bỏ vì cây kiệt sức, chỉ cho trái nhỏ và bị bệnh liên tục. Đặc biệt là do nguồn giống nhà vườn mua trôi nổi, không được kiểm định.
Cách đây 3 năm, khi xã Hiệp Hưng (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) phát động phong trào chuyển đổi cây trồng từ mía sang cây có múi, gia đình ông Hoàng Tuấn Kiệt đã mạnh dạn chuyển đổi 5 công đất mía để trồng gần 1.000 cây cam sành. Nuôi hy vọng “hốt bạc” như nhiều nhà vườn khác, thế nhưng sau đó ông Thọ đang phải đốn bỏ dần diện tích cam trong vườn, bởi những cây cam của gia đình đang cho trái bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh trên 50%.
“Thấy nhiều người dân trong xóm mua cây giống dưới ghe bán dạo thì gia đình cũng mua theo. Giá bán những cây này thường rẻ hơn các điểm bán cây giống tập trung từ 1.000-2.000 đồng/cây. Do bao nhiêu vốn liếng đã đầu tư vào vườn cam, giờ cam bị bệnh không thu lại được gì nên gia đình rất khó khăn”, ông Kiệt, cho biết.
Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang khuyến cáo người dân không nên tiếp tục mở rộng diện tích trồng cam vì khó phòng trừ các loại dịch bệnh và đặc biệt tổ chức tiêu thụ sản phẩm này. Ông Trần Hồng Đức, Phó phòng NN&PTNT huyện Châu Thành - địa phương có diện tích trồng cam sành lớn nhất tỉnh (gần 4.000ha), cho biết: “Trên địa bàn huyện, có nhiều hộ nông dân vì chạy theo xu hướng làm giàu, trồng cam sành không đúng quy hoạch vùng, không tìm hiểu kĩ về nguồn gốc cây giống, thổ nhưỡng và không tuân theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, dẫn đến tình trạng cây bị hư hại, không thu lại nguồn vốn, nhiều nhà vườn lâm vào cảnh khó khăn, không thể tái sản xuất…
Chính vì thế rất cần có những động thái tích cực từ ngành chức năng. Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đang triển khai giải pháp bằng việc mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân trồng cam. Thông qua những buổi chuyển giao như vậy sẽ hướng dẫn người dân cách phòng bệnh, lựa chọn cây giống, chăm sóc, cắt tỉa cành, cách thức tiêu hủy những nhánh cây mang mầm bệnh không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Công an nhân dân