MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thành bại tại margin

Thành bại tại margin

Ký quỹ là nhu cầu tất yếu của nhà đầu tư và hơn ai hết hiểu được cốt lõi vấn đề nằm ở "high risk high return - Lợi nhuận cao đồng nghĩa với rủi ro cao". Nhìn vào TTCK phái sinh với tỷ lệ đòn bẩy lên gần 7 lần cho thấy mọi thứ sẽ được vận hành trơn tru nếu có cơ chế hợp lý và minh bạch.

Nhà đầu tư hẳn không hiếm lần nghe thấy những tin đồn về việc "Full Margin" trong những đợt điều chỉnh của thị trường chứng khoán (TTCK) thời gian qua. Đây là yếu tố tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư và cũng được cho là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán lao dốc từ khoảng 1.200 điểm về 1.000 điểm hồi cuối tháng 1. Vậy bản chất của vấn đề này là gì?

Margin (ký quỹ) là một hoạt động tài trợ vốn cho nhà đầu tư chứng khoán và đặc biệt chỉ dành cho nhà đầu tư trong nước. Cơ chế quản lý được Ủy ban Chứng khoán đưa ra gồm danh mục được phép ký quỹ và tỷ lệ trần margin/vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán (CTCK) là 2 lần.

Tỷ lệ cho vay do CTCK quyết định dựa trên hệ thống đánh giá và quản trị rủi ro của mình (RMC - Risk Management Committee). Thường các tỷ lệ chuẩn được đưa ra là 50%-50% (tỷ lệ tiền nhà đầu tư - cho vay) cho nhóm bluechip, 60% - 40% cho nhóm midcap và dưới 30% cho nhóm pennies. Ngoài ra, các CTCK có 2 yếu tố cần chú ý đó là room (Tổng lượng cho vay đối với 1 mã cổ phiếu không quá 10% vốn chủ sở hữu) và pool (Tổng lượng cho vay không quá 5% lượng cổ phiếu của 1 mã chứng khoán). Hiện tượng hết pool chính là "căng nguồn".

Nếu theo BCTC kiểm toán 2020, lượng margin có thể sẽ tăng thêm 10.000-15.000 tỷ vì các CTCK đang có nhu cầu mở rộng lượng cho vay tuyệt đối lên bằng cách đưa lợi nhuận 2020 vào vốn chủ sở hữu hoặc tăng vốn điều lệ. Vì thế tổng lượng margin của thị trường có thể lên tới khoảng 200.000 tỷ (9 tỷ USD). Cuối tháng 1 vừa rồi, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố lượng margin tổng của thị trường chỉ vào khoảng 85.000 tỷ. Giai đoạn hiện tại chỉ có thể tăng lên khoảng 10-15% của số này, tức dưới 100.000 tỷ.

Vậy vì sao thị trường luôn có tin đồn về việc "full margin" hàng loạt? Điều này được giải thích bằng hiện tượng "kẻ ăn không hết, người lần không ra" do hơn 95% thị phần giao dịch tập trung vào top 30 vốn hóa và lượng margin được phân bổ chủ yếu ở top 10 CTCK lớn.

Trong quá trình đi lên của thị trường từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra, ngoài hiệu ứng của F0 thì công lớn vẫn thuộc về lượng margin bổ trợ nói trên. Đây là một phần không thể thiếu của thị trường. Khi tỷ lệ cho vay đều chạm ngưỡng giới hạn thì TTCK sẽ thiếu chất xúc tác - dòng tiền đầu cơ thuần tuý.

Vào những thời điểm cần tạo nền tảng tâm lý thuận lợi cho thị trường thì lại chịu tác động xấu từ margin, mà bản chất không hề có mối liên hệ tới nền tảng đang tốt lên của vĩ mô và doanh nghiệp nói chung. Điều này tạo ra nhiều tác động không tốt tới TTCK vì không phát huy đúng vai trò là nơi huy động vốn của doanh nghiệp và là nơi phân bổ vốn đầu tư minh bạch an toàn cho nhà đầu tư cả trong nước lẫn ngoài nước. Trọng yếu nhất là giảm uy tín của TTCK Việt Nam với tầm nhìn nâng hạng vào 2023-2024.

Ký quỹ là nhu cầu tất yếu của nhà đầu tư và hơn ai hết hiểu được cốt lõi vấn đề nằm ở "high risk high return - Lợi nhuận cao đồng nghĩa với rủi ro cao". Nhìn vào TTCK phái sinh với tỷ lệ đòn bẩy lên gần 7 lần cho thấy mọi thứ sẽ được vận hành trơn tru nếu có cơ chế hợp lý và minh bạch.

Câu chuyện không cần lo ngại margin căng hay hết nguồn vì độ rộng thị trường luôn tăng bởi bản chất phát triển và gia tăng nhu cầu đầu tư, đầu cơ.. mà là nằm ở cơ chế vận hành, giám sát và giải quyết các điểm tắc nghẽn về nguồn cũng như vận hành của các hệ thống giao dịch như HoSE hiện tại.

Để giải quyết vấn đề này cần nhanh chóng khắc phục sự cố nghẽn lệnh nghẽn sàn tại HoSE và nâng cấp hệ thống để có thể tiến hành được các sản phẩm mới như giao dịch trong ngày. Nếu giải pháp này thuận lợi thì tiếp theo Ủy bán Chứng khoán Nhà nước có thể nâng tỷ lệ trần cho vay margin trên vốn chủ sở hữu lên từ 3 tới 4 lần. Cuối cùng là tăng tỷ lệ cho vay lên cao hơn để thỏa mãn nhu cầu đầu tư và đầu cơ của thị trường. Các thị trường trong khu vực như Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore với mức ký quỹ chỉ từ 5-10% chứ không cao như Việt Nam từ 20 tới 50%.

Huỳnh Minh Tuấn (Giám đốc môi giới hội sở Mirae Asset Việt Nam)

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên