Nhiều giải pháp đẩy vốn vào nền kinh tế
Đến hết tháng 7 năm nay, tổng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng cả nước đạt trên 15 triệu tỷ đồng. Các chuyên gia cho rằng, để đưa nguồn vốn này phục vụ đắc lực cho sản xuất, kinh doanh, cần nhiều giải pháp đồng bộ, đảm bảo hài hòa các bên, đồng thời các ngân hàng đẩy mạnh nâng cao chất lượng tín dụng để tạo ra giá trị thực, tăng trưởng bền vững.
- 17-08-2024'Kỳ tích' mới sắp hoàn thành của ngành điện
- 17-08-2024Đề xuất sửa đổi 7 luật để tháo gỡ ngay các vướng mắc cấp bách
- 16-08-2024Đề xuất biện pháp ngăn chặn doanh nghiệp 'ma'
Đẩy mạnh kết nối ngân hàng, doanh nghiệp
Theo Ngân hàng Nhà nước, tới cuối tháng 7/2024, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 14,33 triệu tỷ đồng, tăng 5,66% so với cuối năm 2023, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm nay là 15%.
Riêng tại đầu tàu kinh tế TP.HCM đến cuối tháng 7/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 3,68 triệu tỷ đồng, tăng 11,47% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, để tiếp tục đưa nguồn vốn vào nền kinh tế, trong 7 tháng qua, Thành phố cùng các tổ chức tín dụng đã tổ chức thành công 26 hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Qua đó đã đối thoại, tháo gỡ khó khăn, đồng thời ký kết cho vay vốn với doanh nghiệp, giải ngân gói tín dụng ưu đãi, phát triển dịch vụ ngân hàng.
Đến nay, các tổ chức tín dụng tại Thành phố đã giải ngân 306.414 tỷ đồng cho 97.138 khách hàng là doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã (bằng 60% quy mô các gói tín dụng ưu đãi).
Ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn Thành phố đang phát triển theo hướng tích cực, ngành ngân hàng vẫn đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
"Hiện nay định hướng điều hành của ngân hàng trung ương là tiếp tục hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp trên cơ sở tiết giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm lãi suất cho vay một cách bền vững. Bởi vậy doanh nghiệp cần chủ động mở rộng sản xuất kinh doanh để tăng trưởng và phát triển", ông Nguyễn Đức Lệnh nói.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM tiếp tục gắn kết các quận, huyện, sở ban ngành, hiệp hội để làm tốt nhiều chương trình ưu đãi với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Nâng cao chất lượng tín dụng
Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ - Trưởng khoa Tài chính, Đại học Ngân hàng TP.HCM, để đưa nhanh nguồn vốn vào nền kinh tế, các ngân hàng cần nâng cao chất lượng tín dụng, tạo ra giá trị thực, tăng trưởng bền vững chứ không phải tăng trưởng bằng mọi giá.
Các tổ chức tín dụng cần hạ lãi suất cho vay ở mức thấp nhất có thể, tinh giản quy trình, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt tín dụng. Đối với thủ tục xét duyệt cho vay vốn, nhiều doanh nghiệp do có tình hình tài chính những năm gần đây không tốt nên ngân hàng còn dè dặt để giải ngân. Doanh nghiệp rất cần vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng ngân hàng không thể mạo hiểm cấp tín dụng nhằm hạn chế nợ xấu.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ cho rằng: Trong kỹ thuật cấp tín dụng phải hài hòa cả hai bên. Ngân hàng cần phải đánh giá các quyết định cho vay dựa trên tình trạng hiện tại cũng như triển vọng hồi phục của doanh nghiệp trong tương lai. Còn doanh nghiệp phải đa dạng hóa các kênh huy động vốn. Các thông tin tài chính, thuế, doanh thu, lợi nhuận, sổ sách kế toán của doanh nghiệp cần phải minh bạch, chuyên nghiệp thì việc tiếp cận vốn mới dễ dàng.
Theo đó, các tổ chức tín dụng cần rà soát, linh hoạt hơn khi áp dụng các điều kiện tín dụng, tăng cường kiểm soát rủi ro. Việc nới lỏng, hạ điều kiện, tiêu chuẩn cho vay tuy cần thiết nhưng phải chặt chẽ và có mức độ, tránh hiện tượng đầu cơ tín dụng tạo ra bong bóng tài sản, tiềm ẩn nợ xấu trong tương lai, gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia lưu ý, các tổ chức tín dụng cần cân đối chi phí huy động vốn; triển khai hiệu quả các gói tín dụng đã đề ra cũng như cơ cấu lại nợ và hoạt động cho vay.
Về phía các doanh nghiệp, theo ông Cấn Văn Lực, cần quyết tâm cơ cấu lại hoạt động, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, giải quyết đúng và đủ các cam kết trả nợ. "Chúng ta kiến nghị chính sách phải trúng, đúng và kiên trì. Thứ hai là dứt khoát đẩy mạnh cơ cấu lại, quan tâm hơn đến dòng tiền, rủi ro liên quan đến dòng tiền, tỷ giá, lãi suất. Thứ ba là chủ động tiếp cận các gói hỗ trợ, kênh hỗ trợ theo nghị quyết của Trung ương và địa phương. Việc xanh hóa, số hóa lại càng quan trọng. Đồng thời chúng ta phải sốc lại văn hóa doanh nghiệp", ông Lực chỉ rõ.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như đã áp dụng trong năm 2023. Đó là tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá và giá cả hàng hóa.
Đồng thời, Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động từ việc áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu; nhanh chóng hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
VOV