Thanh khoản hệ thống ngân hàng căng thẳng trở lại
Lãi suất liên ngân hàng có nhiều biến động trong tuần cuối tháng 6, có thời điểm lãi suất qua đêm, 1 tuần và 2 tuần cùng lên mức cao 3,7%/năm. NHNN đã có động thái bơm ròng vốn mạnh, qua đó giúp lãi suất hạ nhiệt.
- 01-07-2019Ngân hàng Nhà nước bơm ròng hơn 47.000 tỷ đồng trong tuần cuối tháng 6
- 01-07-2019Thanh khoản hệ thống ngân hàng đột ngột cần hỗ trợ
Theo thống kê của chứng khoán Bảo Việt BVSC, trong tuần cuối cùng tháng 6 (24-28/6), qua kênh tín phiếu, 34.999 tỷ đồng đã được NHNN bơm ròng vào thị trường. Cụ thể, NHNN đã phát hành mới 32.999 tỷ đồng (kỳ hạn 7 ngày với mức lãi suất duy trì ở mức 3%) trong khi có 67.999 tỷ đồng đáo hạn trong tuần.
Trong khi đó, qua kênh OMO, NHNN phát hành mới 12.000 tỷ đồng và chỉ có 21 tỷ đồng của tuần trước đáo hạn.
Như vậy, tổng hợp 2 kênh OMO và tín phiếu, NHNN bơm ròng 46.979 tỷ đồng trong tuần qua. Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, đang có lượng tín phiếu lưu hành là 32.999 tỷ đồng, lượng OMO đang lưu hành tương ứng là 12.000 tỷ. Tính lũy kế từ đầu năm 2019 tới nay, NHNN đã hút ròng tổng cộng 77.507 tỷ đồng.
Việc bơm ròng trở lại của NHNN với khối lượng khá lớn cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng tuần qua có biến động mạnh theo chiều hướng khan hiếm vốn hơn. BVSC cho rằng đây là tín hiệu đáng lưu ý và cần thêm thời gian để quan sát trước khi có nhận định rõ nét hơn về một sự thay đổi trong xu hướng thanh khoản của các ngân hàng thời gian tới.
Thanh khoản hệ thống có dấu hiệu căng thẳng khi lãi suất liên ngân hàng trong tuần có nhiều biến động. Có thời điểm lãi suất qua đêm, 1 tuần và 2 tuần cùng lên mức cao 3,7%/năm, tuy nhiên nhanh chóng hạ nhiệt về cuối tuần và đóng cửa ở mức 3,25% đối với kỳ hạn qua đêm và 1 tuần, 3,5% đối với kỳ hạn 2 tuần.
Việc lãi suất liên ngân hàng bật tăng mạnh đã khiến NHNN có động thái bơm ròng vốn mạnh qua cả 2 kênh OMO và tín phiếu, qua đó giúp lãi suất hạ nhiệt và lùi về mức 3,25% trong phiên cuối tuần.
Theo đánh giá của BVSC, lượng tín phiếu đang lưu hành còn khá lớn (33 nghìn tỷ đồng), có thể đóng vai trò là kênh “dự trữ thanh khoản” cho hệ thống nếu tình hình căng thẳng vốn tiếp tục diễn ra. Bên cạnh đó, NHNN cũng có thể đẩy mạnh trở lại kênh OMO nhằm hỗ trợ cho các ngân hàng trong trường hợp cần thiết.