MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh khoản kém, dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán vẫn lên mức kỷ lục 52.000 tỷ đồng nhờ các công ty ngoại đẩy mạnh bơm vốn

Hơn 1/2 tổng số dư nợ cho vay tăng thêm so với cuối năm 2018 đến từ 3 công ty là HSC, Mirae Asset (tăng hơn 1.400 tỷ đồng mỗi công ty) và KB Securities (tăng 930 tỷ) - bỏ xa so với các công ty khác.

Với đa số các công ty chứng khoán lớn, lãi từ hoạt động cho vay (cấp margin, ứng trước tiền bán...) đang trở thành một trong những nguồn thu quan trọng nhất. Thống kê của chúng tôi cho thấy, đa phần các công ty chứng khoán có thị phần lớn cũng là những công ty có dư nợ cho vay lớn nhất: dẫn đầu lần lượt là SSI, HSC, VCSC và VNDirect.

Tổng cộng 25 công ty có số dư cho vay lớn nhất tại thời điểm 30/6/2019 đạt xấp xỉ 52.000 tỷ đồng - tăng hơn 7.400 tỷ so cuối năm 2018 cũng như tăng 5.000 tỷ so với mức đỉnh cũ thiết lập vào cuối quý 1/2018. Trong nhóm này có 20 công ty chứng khoán có dư nợ từ 1.000 tỷ đồng trở lên. Ngoài Top 25 này, dư nợ cho vay của các công ty còn lại khá nhỏ, chỉ từ vài chục tỷ đến 200 tỷ đồng.

Thanh khoản kém, dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán vẫn lên mức kỷ lục 52.000 tỷ đồng nhờ các công ty ngoại đẩy mạnh bơm vốn - Ảnh 1.

Mặc dù thanh khoản thị trường giảm 30-40% so với cùng kỳ nhưng nhu cầu vay của nhà đầu tư vẫn không hề suy giảm được một số chuyên gia nhận định là do nhu cầu vay của nhóm nhà đầu tư lớn cũng như nhóm các lãnh đạo, cổ đông lớn của các doanh nghiệp niêm yết vẫn rất dồi dào.

Bên cạnh đó, kể từ cuối quý 1/2018 đến nay thì thị trường cũng đã có thêm một loạt doanh nghiệp lớn lên niêm yết như VinHomes, Techcombank, Hải Phát, Cen Land... cũng làm gia tăng đáng kể nhu cầu đi vay của nhà đầu tư nói chung.

Nhóm công ty chứng khoán ngoại tiếp tục tăng tốc

Hơn 1/2 tổng số dư nợ cho vay tăng thêm so với cuối năm 2018 đến từ 3 công ty là HSC, Mirae Asset (tăng hơn 1.400 tỷ đồng mỗi công ty) và KB Securities (tăng 930 tỷ) - bỏ xa so với các công ty khác.

Ngoại trừ HSC thì những công ty chứng khoán có thị phần lớn khác đều như SSI, VNDirect hay MBS, Bản Việt không có sự gia tăng mạnh về dư nợ cho vay. Trước đó, HSC đã mạnh tay giảm dư nợ từ mức 5.000 tỷ cuối quý 1/2018 xuống còn 3.000 tỷ vào cuối quý 2/2018.

Cuối quý 3/2018, dư nợ cho vay của Mirae Asset (MAS) mới chỉ đạt 2.000 tỷ nhưng đến cuối quý 2/2019 đã lên đến 5.000 tỷ đồng - thu hẹp đáng kể khoảng cách so với công ty dẫn đầu là SSI, hiện có dư nợ 6.300 tỷ đồng.

Hiện MAS đang được tập đoàn mẹ Mirae Asset (Hàn Quốc) đầu tư rất mạnh để gia tăng thị phần tại Việt Nam. Cũng trong năm 2018, MAS đã được tăng vốn hơn gấp đôi từ 2.000 tỷ lên 4.300 tỷ đồng - mức vốn điều lệ lớn thứ 2 cũng chỉ sau SSI.

Bên cạnh MAS, một số công ty chứng khoán thuộc sở hữu của các tập đoàn tài chính nước ngoài khác như KB Securities, Yuanta hay KIS cũng đang có những động thái mạnh mẽ nhằm gia tăng hoạt động cho vay. Từ mức dư nợ chỉ 145 tỷ đồng cuối năm 2017, hiện Yuanta cũng nằm trong nhóm có dư nợ lớn nhất với gần 2.000 tỷ đồng.

Thanh khoản kém, dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán vẫn lên mức kỷ lục 52.000 tỷ đồng nhờ các công ty ngoại đẩy mạnh bơm vốn - Ảnh 2.

Kiến Khang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên