MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh khoản thị trường giảm sút, dư nợ cho vay margin vẫn tăng 22% trong năm 2019

Mirae Asset là cái tên nổi bật nhất với dư nợ margin cuối năm 2019 lên tới 7.385 tỷ đồng, vượt qua SSI (dư nợ margin 5.359 tỷ đồng) và trở thành CTCK có dư nợ margin lớn nhất thị trường. So với thời điểm cuối năm 2018, dư nợ cho vay của Mirae Asset trong năm qua đã tăng gấp đôi.

Trong năm 2019, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng trưởng gần 8% nhưng diễn biến thị trường nhìn chung tương đối ảm đạm. Điều này được thể hiện qua sự sụt giảm đáng kể về thanh khoản. Số liệu thống kê từ FiinGroup cho biết giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trong năm 2019 chỉ đạt 4.700 tỷ đồng, giảm 29% từ mức 6.500 tỷ đồng trong năm trước đó.

Một điều bất ngờ là mặc dù thanh khoản giảm sút nhưng dự nợ margin toàn thị trường năm qua tăng lên đáng kể. Ước tính dư nợ margin toàn thị trường vào cuối năm 2019 vào khoảng hơn 55.000 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm.

Sự gia tăng dư nợ margin trong năm qua có sự đóng góp không nhỏ từ nhóm CTCK vốn Hàn Quốc. Những năm gần đây, khá nhiều CTCK trong nước đã được các đối tác Hàn Quốc mua lại. Với tiềm lực tài chính hùng hậu, các CTCK này mau chóng tăng vốn lên hàng nghìn tỷ và gây ra áp lực cạnh tranh mạnh mẽ với các CTCK nội trên mọi phương diện, từ chất lượng dịch vụ cho tới số lượng chi nhánh và đặc biệt ở khả năng cung cấp nguồn vốn cho vay (margin).

Thanh khoản thị trường giảm sút, dư nợ cho vay margin vẫn tăng 22% trong năm 2019 - Ảnh 1.

Dư nợ margin của Mirae Asset đã vượt qua SSI trong năm 2019

Trên TTCK Việt Nam hiện có 6 CTCK có vốn Hàn Quốc hiện diện, bao gồm Chứng khoán KIS, Chứng khoán Mirae Asset, Chứng khoán Pinetree, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), Chứng khoán Shinhan Việt Nam và Chứng khoán NH.

Trong đó, Mirae Asset là cái tên nổi bật nhất với dư nợ margin cuối năm 2019 lên tới 7.385 tỷ đồng, vượt qua SSI (dư nợ margin 5.359 tỷ đồng) và trở thành CTCK có dư nợ margin lớn nhất thị trường. So với thời điểm cuối năm 2018, dư nợ cho vay của Mirae Asset trong năm qua đã tăng gấp đôi.

Cũng trong năm 2019, Mirae Asset đã hoàn tất việc tăng vốn lên gần 5.500 tỷ đồng và vượt qua SSI trở thành CTCK có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Ngoài Mirae Asset, trong top 10 CTCK có dư nợ cho vay lớn nhất thị trường năm 2019 còn có 2 gương mặt từ Hàn Quốc góp mặt là KIS (dư nợ 2.846 tỷ đồng) và KBSV (dư nợ 2.349 tỷ đồng).

Áp lực cạnh tranh gia tăng từ "zero fee"

Ngày 15/2/2019, Thông tư 128/2018/TT-BTC (Thông tư 128), thay thế cho Thông tư số 242/2016/TT-BTC quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng thương mại tham gia vào TTCK Việt Nam đã chính thức có hiệu lực.

Một điểm đáng chú ý trong thông tư 128 là giá dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm (áp dụng cho chứng khoán niêm yết và chứng khoán đăng ký giao dịch) chỉ áp dụng mức tối đa 0,5% giá trị giao dịch. Trước đó, theo thông tư 242/2016/TT-BTC, biểu giá tối thiểu được áp dụng là 0,15% và tối đa 0,5%.

Thay đổi này đồng nghĩa với việc sẽ không còn mức giá sàn dịch vụ mua, bán chứng khoán 0,15%, hay các CTCK có thể cạnh tranh lẫn nhau từ việc giảm phí dịch vụ. Kể từ khi ra đời thông tư 128, một số CTCK như VPS, Pinetree…đã tiến hành hạ phí giao dịch, thậm chí miễn phí giao dịch chứng khoán và đã thu hút sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư.

Việc cạnh tranh bằng phí đang gây ra áp lực lớn các CTCK top đầu, điều này có thể thấy rõ khi nhiều công ty đã mất thị phần. Ngược lại, một trong những CTCK "zero fee" là VPS đã lọt vào top 10 thị phần lớn nhất HoSE.

Trong năm 2020, áp lực cạnh tranh ngành chứng khoán được dự báo sẽ còn khốc liệt hơn nữa khi ngày càng có nhiều CTCK vốn ngoại với tiềm lực tài chính hùng hậu hiện diện tại Việt Nam, sẵn sàng cạnh tranh với các CTCK nội trên mọi phương diện.

Thanh khoản thị trường giảm sút, dư nợ cho vay margin vẫn tăng 22% trong năm 2019 - Ảnh 2.

Mirae Asset đã đã đẩy MBS ra khỏi Top 5 và có thể sớm lấy vị trí thứ 4 của VNDirect

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên