Thanh khoản tụt áp, khối ngoại liên tiếp bán ròng, nhiều CTCK dự báo thị trường tiếp tục “rơi”
HSC cho biết vùng hỗ trợ mạnh tiếp theo là 890-900 trong trường hợp VnIndex chọc thủng đường MA 200 ngày và được xác nhận sau đó. Nếu có thêm một đợt giảm nữa trong xu hướng điều chỉnh hiện tại thì theo kỳ vọng của HSC đây là đợt giảm thứ 3 và là cuối cùng.
- 27-05-2018Tuần 21-25/5: Khối ngoại bán ròng gần 3.400 tỷ đồng, tâm điểm VIC, VHM và VRE
- 27-05-2018VNIndex giảm mạnh nhưng dòng tiền “nóng” của các quỹ ETF đã quay trở lại
- 26-05-2018Không riêng Việt Nam, outflow toàn cầu đang diễn ra trên diện rộng, vì đâu nên nỗi?
Nối tiếp xu hướng giảm giá từ đầu tháng 4 tới nay, TTCK Việt Nam tiếp tục chịu áp lực bán mạnh trong tuần giao dịch 21 – 25/5. Kết thúc phiên giao dịch 25/5, chỉ số VnIndex dừng tại 963,9 điểm, giảm 7,37% so với tuần trước đó và giảm 2% so với đầu năm. Như vậy, mọi nỗ lực bứt phá của thị trường trong quý 1 đã "tan thành mây khói".
Thanh khoản tuần qua có cải thiện đôi chút với giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE đạt 3.644 tỷ đồng, tăng 7,3% so với tuần trước đó, tuy nhiên đây vẫn là mức rất thấp cho thấy dòng tiền đang đứng ngoài thị trường. Thanh khoản thấp là yếu tố rủi ro không nhỏ cho thị trường lúc này.
Giao dịch khối ngoại cũng là yếu tố không mấy tích cực khi họ tiếp tục bán ròng 2.400 tỷ đồng trên 2 sàn niêm yết. Việc khối ngoại rút ròng vốn nằm trong xu hướng chung của các thị trường mới nổi, cận biên và điều này tạo nên áp lực điều chỉnh trên toàn thị trường.
Về diễn biến các nhóm ngành, cổ phiếu dầu khí sau gần 2 tuần đi ngược xu hướng thị trường nhờ giá dầu tăng giá đã quay đầu giảm cùng xu hướng chung của thị trường. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu lớn thay nhau giảm sàn đột ngột trong phiên càng tạo ra tâm lý thận trọng, hạn chế tham gia của nhà đầu tư và khiến thanh khoản thấp ngay cả những phiên hồi phục. Thị trường tiếp tục bị cuốn vào vòng xoay bắt, cắt và giảm margin là điều lo ngại cho khả năng điều chỉnh kéo dài và dư địa giảm còn lớn.
Với diễn biến kém tích cực của thị trường cơ sở, thị trường phái sinh lại trở nên thu hút dòng tiền tham gia. Thanh khoản liên tiếp đạt kỷ lục mới trong tuần qua; giá trị giao dịch bình quân đạt 8,156 tỷ/phiên, tăng 17% so với tuần trước.
Thanh khoản tụt áp, VnIndex sẽ tiếp tục "rơi"?
Trong bản tin nhận định thị trường, CTCK HSC cho rằng VnIndex đã khép lại tuần giao dịch ngay trên đường MA 200 ngày, do vậy khả năng thị trường chọc thủng ngưỡng này hiện là khá cao. Giá một số cổ phiếu chủ chốt như VCB; BID và SSI đã giảm xuống dưới đường MA 200 ngày trong phiên cuối tuần trước và trong tuần tới có lẽ sẽ có thêm các mã khác nữa. Vấn đề chính gần đây là GTGD thấp đã khiến thiếu vắng lực mua vào ở mặt bằng giá thấp.
Tình hình này trái ngược hẳn với năm 2017 khi mà các đợt điều chỉnh thường không sâu. Sự hồi phục yếu ớt của thị trường có thể là do nhà đầu tư cá nhân vẫn hầu như đứng ngoài, theo đó áp lực bán có lẽ vẫn chưa chấm dứt. Và động thái này của nhà đầu tư cá nhân đơn giản là do lực bán của khối ngoại vẫn khá đều đặn dưới tác động mạnh lên của đồng USD, giá dầu tăng và sự gia tăng nguồn cung cổ phiếu từ một số thương vụ phát hành lớn gần đây.
HSC cho biết vùng hỗ trợ mạnh tiếp theo là 890-900 trong trường hợp VnIndex chọc thủng đường MA 200 ngày và được xác nhận sau đó. Nếu có thêm một đợt giảm nữa trong xu hướng điều chỉnh hiện tại thì theo kỳ vọng của HSC đây là đợt giảm thứ 3 và là cuối cùng. Mặt bằng định giá của thị trường không còn cao trong khi triển vọng lợi nhuận vững vàng, nền kinh tế cũng đang khởi sắc.
Do vậy thị trường điều chỉnh là do tâm lý, xuất phát từ những lo ngại chung đối với các thị trường mới nổi. Theo đó, thị trường Việt Nam cũng nằm trong xu hướng rút vốn chung khỏi các thị trường có mức độ rủi ro cao (so với các thị trường phát triển).
VnIndex đang ở sát MA200 và có nguy cơ xuyên thủng
Cũng có cái nhìn không quá lạc quan, CTCK SHS cho rằng việc bên bán tiếp tục hạ giá trong khi bên mua vẫn chưa có dấu hiệu quay trở lại thị trường rõ nét khiến cho rủi ro thị trường tăng cao. Việc áp lực cung tiếp tục gia tăng trong khi nền tảng thanh khoản thấp có thể khiến thị trường tìm kiếm vùng cân bằng cung - cầu tại các mức giá thấp hơn.
Tuy nhiên, việc các ngưỡng hỗ trợ quan trọng đang ở khá gần như 960 điểm (MA200 ngày) và 940 điểm (MA50) cho chúng ta kỳ vọng về những phiên hồi phục kỹ thuật trong tuần tới. Đây là cơ hội cho nhà đầu tư bán ra cổ phiếu với mức giá tốt hơn, quyết định bắt đáy vào lúc này vẫn khá rủi ro. Dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo (28/5-1/6), VnIndex vẫn có thể hồi phục trở lại nếu test thành công lực cầu trong vùng hỗ trợ trong khoảng 940-960 điểm (MA50 tuần - MA200 ngày).
Trong bản tin nhận định thị trường, CTCK BSC đsanh giá thị trường đang trong quá trình điều chỉnh của xu thế tăng giá kể từ 2016 đến nay, với mức điều chỉnh a-b-c của 5 bước sóng tăng chính, phải chăng VnIndex có thể giảm về 870 điểm. Khả năng này có cơ hội xảy ra khi khối ngoại liên tiếp bán ròng, suy yếu dòng tiền và giảm giá từ cổ phiếu lớn.