MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh khoản tỷ đô, VN-Index giảm mạnh, phiên phân phối đỉnh đã diễn ra?

Thanh khoản tỷ đô, VN-Index giảm mạnh, phiên phân phối đỉnh đã diễn ra?

Tính chung cả ba sàn, giá trị giao dịch ghi nhận trên 27.300 tỷ đồng (~1,1 tỷ USD).

Sau giai đoạn tăng mạnh 5 phiên liên tục, thị trường chứng khoán ghi nhận áp lực điều chỉnh mạnh khiến VN-Index đóng cửa giảm 8 điểm về sát mốc 1.100. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 535 mã giảm, cao hơn đáng kể so với 375 mã tăng. Hầu hết cổ phiếu đều đóng cửa trong sắc đỏ trong khi duy nhất bluechips VCB hay HPG trở thành lực đỡ đóng góp gần 4 điểm tăng cho thị trường. Khối ngoại cũng là điểm trừ khi bán ròng hàng trăm tỷ đồng.

Đáng chú ý, thanh khoản bất ngờ tăng vọt, giá trị giao dịch khớp lệnh trên HoSE đạt 21.000 tỷ đồng, tăng 24% so với phiên trước. Tính chung cả ba sàn, giá trị giao dịch ghi nhận trên 27.300 tỷ đồng (~1,1 tỷ USD).

Thanh khoản tỷ đô, VN-Index giảm mạnh, phiên phân phối đỉnh đã diễn ra? - Ảnh 1.

Theo đánh giá của ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích Chứng khoán DSC , thị trường đã có nhiều chỉ báo cho thấy trạng thái hưng phấn ở mức cao. Đa số các cổ phiếu trên thị trường đều đã có sóng tăng, do đó không còn nhiều dư địa cho dòng tiền lan tỏa theo chiều rộng. Số lượng cổ phiếu nằm trên đường trung bình 20 phiên (xu hướng tăng ngắn hạn) và nằm trên đường trung bình 50 ngày (xu hướng tăng trung hạn) đã đạt mức trên 80%, cao nhất kể từ đầu năm 2023. Ngoài ra vận động kỹ thuật cũng cho thấy đà tăng nóng và thanh khoản dâng cao trong bối cảnh chỉ số chưa vượt qua khu vực cản 1.120 điểm.

“Một phiên giảm điểm bất ngờ từ trạng thái hưng phấn cao kèm theo lực bán áp đảo kết hợp với khối lượng giao dịch vượt trội đã từng là khởi đầu của 3 sóng điều chỉnh gần nhất, gồm phiên 6/12/2022, phiên 1/2/2023, phiên 6/4/2023 " ông Đạt cho hay.

Trạng thái bán ra quyết liệt của dòng tiền lớn đôi khi kích hoạt tâm lý muốn “bắt đáy” của thị trường, tuy nhiên chuyên gia tới từ DSC khuyến nghị nhà đầu tư cần cảnh giác với những hành động mua gom quá vội vàng. Một nhịp điều chỉnh ngắn hạn (dưới 1 tháng) là biến động cần thiết cho sự lành mạnh của đà tăng trung hạn.

Có quan điểm tích cực hơn, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán Agriseco cho rằng nhịp chỉnh của thị trường là cần thiết để cân bằng cung - cầu, trong bối cảnh nhiều mã penny, midcap đã tăng giá khoảng 20-30% trong thời gian trước và dòng tiền đang chưa tập trung vào một nhóm cụ thể nào.

Mặc dù vậy, thị trường sẽ khó chỉnh sâu trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang giảm, dòng tiền tiết kiệm có xu hướng trở lại với kênh chứng khoán. Điều này thể hiện qua số tài khoản mở mới tháng 5 lên mức hơn 100 nghìn tài khoản, cao nhất kể từ tháng 9/2022 và khối lượng lớn tiền gửi tiết kiệm trong nửa cuối 2022 dự kiến sẽ đáo hạn trong quý 2 và nửa cuối năm 2023. Hoạt động sản xuất - thương mại nhiều ngành nghề đang có sự hồi phục.

Ông Khoa kỳ vọng những nhịp điều chỉnh sẽ là cơ hội tốt để giải ngân lại các cổ phiếu có câu chuyện xuyên suốt trong năm nay hoặc có kết quả tăng trưởng trong quý 2 và nửa cuối 2023 như Chứng khoán, Đầu tư công (xây dựng, vật liệu).

Phương Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên