MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thành lập 25 khu công nghiệp trong vỏn vẹn 5 tháng, chuyên gia đánh giá: Rất tốt, nhưng rất chưa đủ để đón đại bàng!

Thành lập 25 khu công nghiệp trong vỏn vẹn 5 tháng, chuyên gia đánh giá: Rất tốt, nhưng rất chưa đủ để đón đại bàng!

Trao đổi với Trí Thức Trẻ, PGS. TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, đây là kết quả tích cực, đáng được biểu dương. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, việc thành lập khu công nghiệp phải đi liền với nhiều yếu tố khác, thì mới có thể thực sự phát huy hiệu quả trong việc thu hút đầu tư.

Trong những năm gần đây, giá bất động sản công nghiệp ở Việt Nam đã có xu hướng tăng, mà theo các chuyên gia là bắt đầu tăng từ ngay trước khi đại dịch xảy ra, vì Việt Nam được cho là một điểm đến hứa hẹn của khi làn sóng di dời hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc, với sự quan tâm của rất nhiều tập đoàn lớn. Theo CBRE Việt Nam, bất động sản công nghiệp sẵn có sẽ là "sống lưng" cho bất kỳ nền kinh tế sản xuất đang phát triển nào, Việt Nam cũng không ngoại lệ. 

Do đó, các địa phương đều có động thái thúc đẩy việc thành lập và đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu công nghiệp trên địa bàn. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 5/2021, Việt Nam đã có 394 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt 121,9 nghìn ha. Trong đó có 286 khu công nghiệp đang hoạt động, các khu công nghiệp này có tỷ lệ lấp đầy đạt 71,8%. Các khu công nghiệp trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho 3,78 triệu lao động trực tiếp.

Tính đến cuối năm 2020, trên phạm vi cả nước có 369 khu công nghiệp được thành lập. Như vậy, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2021, đã có thêm 25 khu công nghiệp được thành lập mới. Con số này là vô cùng ấn tượng khi trong 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam chỉ thành lập thêm 6 khu công nghiệp mới.

Trao đổi với Trí Thức Trẻ về việc thành lập nhanh chóng nhiều khu công nghiệp trên địa bàn cả nước, PGS. TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: "Các địa phương đã nhận diện đúng cơ hội, rằng sẽ có những đợt bùng nổ đầu tư ở Việt Nam. Cái lý của họ rất rõ ràng, là vì Việt Nam đã ký được nhiều hiệp định thương mại tự do tốt. Nếu họ đầu tư vào khu công nghiệp, họ sẽ hưởng lợi".

Thứ hai, theo ông Thiên, dòng dịch chuyển đầu tư trên thế giới đang diễn ra, và Việt Nam đang là một trong những tọa độ được các nhà đầu tư lựa chọn, điều này cũng khá rõ. Vậy nên địa phương hiểu điều đó, nên họ thúc đẩy việc thu hút đầu tư, mà muốn làm thì phải có khu công nghiệp.

Thành lập 25 khu công nghiệp trong vỏn vẹn 5 tháng, chuyên gia đánh giá: Rất tốt, nhưng rất chưa đủ để đón đại bàng! - Ảnh 1.

Ông Thiên đánh giá, đây là kết quả tích cực, đáng được biểu dương. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, việc thành lập khu công nghiệp phải đi liền với nhiều yếu tố khác, thì mới có thể thực sự phát huy hiệu quả trong việc thu hút đầu tư. 

"Chúng ta đừng nên quá sốt ruột việc này, vì các nhà đầu tư chất lượng không cao có thể "tràn" sang ngay, chiếm lấy những khu công nghiệp ấy. Nếu sốt ruột để lập thành tích, mà kéo những nhà đầu tư như vậy vào, thì chưa chắc đã là một điều tốt", ông Thiên nói và khẳng định, việc thu hút đầu tư phải đồng bộ, toàn diện, chứ không phải chỉ có khu công nghiệp.

Làm tổ cho đại bàng, không phải chỉ là làm khu công nghiệp, có điện vào đến bờ rào, đường sát đến tận nơi... "Như thế là tốt, nhưng rất chưa đủ" - ông Thiên đánh giá. "Vì như thế chỉ đảm bảo được việc thu hút bất cứ nhà đầu tư nào, chưa nói đến chất lượng. Còn muốn nói đến chất lượng, chúng ta phải có hàng loạt tiêu chuẩn để mời gọi họ.

Khái niệm làm tổ cho đại bàng rộng hơn rất nhiều, bao gồm cả thể chế, cả kết nối hạ tầng. Mà hạ tầng ở đây phải là hạ tầng quốc gia, chứ không chỉ là khu công nghiệp hay nội tỉnh. Ngoài ra, còn những điều kiện về hỗ trợ nhân lực và đặc biệt là cách lựa chọn nhà đầu tư theo ý đồ chiến lược, phải có tiêu chuẩn, tiêu chí. 

"Nếu không, chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian để chung sống với các dự án trình độ thấp, ô nhiễm môi trường. Đây là điểm mà các tỉnh phải rất lưu ý. Tôi thấy, sự sốt ruột của họ cũng tốt thôi, vì các nhà đầu tư nước ngoài vào tạo việc làm cho người lao động trong tỉnh, thương dân như thế là quá hay. Tạo sản lượng để tăng thành tích của tỉnh lên vượt trội, thì cũng là tốt. Ngân sách tăng lên, cũng tốt thôi. Nhưng cái tốt ấy là tốt ngắn hạn, là không đủ. Thậm chí, còn gây ra những hậu quả dài hạn" - ông Thiên nhấn mạnh.

Thành lập 25 khu công nghiệp trong vỏn vẹn 5 tháng, chuyên gia đánh giá: Rất tốt, nhưng rất chưa đủ để đón đại bàng! - Ảnh 2.

Cũng có những trăn trở về vấn đề khu công nghiệp, ông Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho hay: "Có thể nói mô hình khu công nghiệp hiện nay đã lạc hậu so với trình độ phát triển của thế giới và khu vực". 

Ông Lê Thanh Vân giải thích, hiện nay, Việt Nam tham gia sâu vào các chuỗi giá trị, quy mô khu công nghiệp vài trăm ha, 1.000-1.500 ha đến nay là không còn thích ứng nữa. Mô hình khu công nghiệp hiện nay là một chuỗi cung ứng hoàn hảo. Trong khi các nước có khu công nghiệp quy mô 20.000-30.000 ha, Việt Nam lại nhỏ lẻ vài ba trăm ha. 

"Tôi nhớ không nhầm thì chúng ta chưa có khu công nghiệp quy mô 1.000 ha. Nếu không có mô hình khu công nghiệp mới thì chúng ta khó có thể kêu gọi được làn sóng đầu tư đến Việt Nam, phải tạo lập ra không gian hấp dẫn bằng mô hình mới trong quy hoạch các khu công nghiệp. Và yếu tố nữa là chất lượng nhân sự của bộ máy, hành xử chuyên nghiệp của bộ máy, của cán bộ công chức, viên chức" - ông Lê Thanh Vân nói.

Hoàng An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên