MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thành lập Tổ công tác nghiên cứu đầu tư cảng hàng không

Thành lập Tổ công tác nghiên cứu đầu tư cảng hàng không

Thủ tướng quyết định thành lập Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá khả năng khai thác và xã hội hóa đầu tư một số cảng hàng không.

Thủ tướng quyết định thành lập Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá khả năng khai thác và xã hội hóa đầu tư một số cảng hàng không.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1121 ngày 22/9 thành lập Tổ công tác nghiên cứu tổng thể việc đầu tư cảng hàng không. Trước mắt, Tổ đánh giá khả năng khai thác hàng không dân dụng tại sân bay quân sự Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và sân bay quân sự Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), nghiên cứu Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công tư khai thác các cảng hàng không Nà Sản (tỉnh Sơn La), Vinh (tỉnh Nghệ An), Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), Cần Thơ (TP Cần Thơ). Tổ công tác cũng sẽ nghiên cứu đầu tư một số cảng hàng không khác khi có nhu cầu.

Theo Quyết định, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành là Tổ trưởng Tổ công tác. Tổ phó Tổ công tác gồm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng.

Các thành viên Tổ công tác là đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Sơn La, UBND tỉnh Nghệ An, UBND Quảng Nam, UBND tỉnh Ninh Thuận, UBND tỉnh Đồng Nai, UBND TP Cần Thơ.

Thành lập Tổ công tác nghiên cứu đầu tư cảng hàng không - Ảnh 1.

Bộ GTVT xây dựng 6 tiêu chí chính, 22 tiêu chí chi tiết để đánh giá, bổ sung cảng hàng không mới

Đối với các sân bay quân sự Thành Sơn, Biên Hòa, Tổ công tác có nhiệm vụ khảo sát, đánh giá vị trí, vai trò, hiện trạng hạ tầng, đất đai của các sân bay quân sự, đặc điểm địa hình, điều kiện tự nhiên, vùng trời khu vực xung quanh các sân bay. Tổ công tác đánh giá điều kiện, khả năng tổ chức khai thác hàng không dân dụng tại các sân bay, ảnh hưởng tới tổ chức, khai thác, nhu cầu vận tải các cảng hàng không lân cận.

Tổ công tác nghiên cứu tổng thể việc đầu tư cảng hàng không đề xuất phương án đầu tư, tổ chức khai thác trong trường hợp bổ sung quy hoạch các sân bay trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và báo cáo Thường trực Chính phủ việc xem xét chuyển sân bay quân sự thành sân bay lưỡng dụng trong quý 4/2022.

Với sân bay Nà Sản, Vinh, Chu Lai, Cần Thơ, Tổ công tác có nhiệm vụ đôn đốc UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu xây dựng Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công tư khai thác các cảng hàng không thuộc địa phận của địa phương, khảo sát, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, tài sản quản lý bởi các cơ quan, đơn vị tại các cảng hàng không.

Đồng thời, Tổ công tác nghiên cứu, xem xét Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công tư khai thác các cảng hàng không do UBND các tỉnh, thành phố xây dựng.

Ngoài ra, Tổ công tác còn có nhiệm vụ rà soát các đề xuất, kiến nghị của địa phương, cơ quan, đơn vị về bổ sung quy hoạch các sân bay giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Thành lập Tổ công tác nghiên cứu đầu tư cảng hàng không - Ảnh 2.

Hàng loạt địa phương đề xuất bổ sung cảng hàng không vào quy hoạch quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050


Thời gian gần đây, hàng loạt địa phương đề xuất bổ sung quy hoạch cảng hàng không. Mới nhất, UBND tỉnh Kon Tum có công văn gửi Thủ tướng mong muốn đưa sân bay Măng Đen (huyện Kon Plong) vào quy hoạch tổng thể cảng hàng không toàn quốc. Theo Kon Tum, dự kiến công suất thiết kế của sân bay Măng Đen từ 3-5 triệu hành khách một năm, diện tích đất thực hiện dự án khoảng 350 ha. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 4.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2023-2027, theo phương thức PPP.

Trước đó, UBND tỉnh Sơn La và UBND tỉnh Tuyên Quang gửi văn bản kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho phép xây dựng 2 sân bay Mộc Châu (Sơn La) và sân bay Na Hang (Tuyên Quang).

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, từ kết quả nghiên cứu quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ xây dựng 6 tiêu chí chính, 22 tiêu chí chi tiết để đánh giá, bổ sung cảng hàng không mới.

Theo đó, thời kỳ 2021-2030, Việt Nam có 28 cảng hàng không (13 cảng hàng không quốc tế, 15 cảng hàng không quốc nội), tầm nhìn đến năm 2050 là 31 cảng hàng không (14 cảng hàng không quốc tế, 17 cảng hàng không quốc nội).

Trong 28 cảng hàng không hiện tại, khu vực miền Bắc, Bắc Trung bộ có 5 cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh) và 5 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới).

Khu vực miền Trung, Tây nguyên có 4 cảng hàng không quốc tế (Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai) và 4 cảng hàng không quốc nội (Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hoà).

Khu vực miền Nam có 4 cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Long Thành) và 6 cảng hàng không quốc nội (Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Phan Thiết, Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau).

Theo Bảo Nhi

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên