MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh long rớt giá thảm hại tại Bình Thuận, vì đâu?

10-10-2018 - 08:30 AM | Thị trường

Nhiều lần gặp tình trạng thanh long rớt giá, nhưng chưa bao giờ người trồng thanh long tại Bình Thuận lại điêu đứng trước tình hình giá thanh long xuống mức thấp nhất hiện nay: 500 đồng đến 1.000 đồng/kg. Rớt giá, ế ẩm, nhiều người dân ở “thủ phủ” thanh long Bình Thuận phải chặt bỏ đi.

500 đồng/kg thanh long vẫn không có người mua

Chặt hết những trái thanh long chín, cũng như còn xanh trên các trụ thanh long để chuẩn bị cho kỳ làm trái mới, bà Trần Thị Tài, ở thôn Nam Trung, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) cho hay, nay đã qua thời điểm thanh long chín rộ, nên lựa những trái đẹp bán cho thương lái mua được 5.000 đồng/kg còn trái xấu, trái xanh chặt bỏ để làm vụ mới.

Mới tuần trước khi thanh long chín đỏ vườn, ban đầu còn bán được 2.000 đồng/kg loại trái đẹp, sau chỉ còn 500 đồng nhưng cuối cùng thương lái cũng không mua nổi. Để tránh hư hại cây, bà Tài phải chặt bỏ hết trái chín dập dồn vào gốc gây làm phân. Kết thúc vụ thanh long này, bà Tài thu hoạch được 3 tấn trái trên 900 trụ và bán được 2,8 triệu đồng. Theo bà Tài vụ thanh long trước bà bán được 13.000 đồng/kg, còn giá cả như thế này là nhà vườn lỗ nặng.

Ban đầu, giá thanh long xuống thấp nhiều nhà vườn chọn giải pháp neo trái trên cây chờ giá, nhưng giá xuống quá thấp, thậm chí không có thương lái mua, nhiều người phải chặt bỏ trái. Ông Lê Tùng ở xã Hàm Cường (Hàm Thuận Nam) có gần 2.000 trụ thanh long. Lứa cuối vụ mùa này, ông Tùng thu hoạch được 3 tấn trái. Trong  những ngày đầu tháng 10 ông Tùng bán được 2 tấn với giá 1.500 đồng/kg, còn 1 tấn trái không có người mua, ông Tùng phải chặt đổ bỏ.

Nhiều nhà vườn điêu đứng mất tiền tỷ khi thanh long không bán được, trong khi chi phí đầu tư quá lớn. Theo một số nhà vườn, mọi khi giá có thấp nhất thì cũng rơi vào khoảng 5.000 đồng/kg, chứ không quá thấp như thế này. Hậu quả của vụ thanh long rớt giá thê thảm này là trên nhiều tuyến đường, góc vườn, hàng đống trái thanh long phải đổ bỏ. Không chỉ nhà vườn phải đổ thanh long, mà các vựa mua thanh long cũng phải đổ bỏ vì không kịp đưa đi tiêu thụ. Chị Hiền, chủ một đại lý mua thanh long xuất khẩu ở huyện Hàm Thuận Nam cho hay, do thanh long quá nhiều, không tiêu thụ kịp, kho chứa cũng đầy nên có thời điểm vựa phải ngưng mua, ngoài ra còn phải đổ bỏ hàng tấn thanh long không tiêu thụ kịp.

Mất giá vì đâu?

Trước tình trạng thanh long mất giá, không tiêu thụ được, có nhiều ý kiến cho rằng do Trung Quốc đột ngột ngưng mua. Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam, Giám đốc Cty TNHH Thanh long Hoàng Hậu  cho rằng, hiện thị trường Trung Quốc vẫn tiêu thụ thanh long Việt Nam. Tình hình thanh long mất giá, không tiêu thụ được vừa qua là do nhiều nguyên nhân, nhưng cốt yếu nhất là do cung vượt cầu. Diện tích thanh long ở tỉnh Bình Thuận và nhiều tỉnh khác đều tăng. Vụ thanh long vừa qua, thanh long hàng mùa (ra hoa tự nhiên) và thanh long làm điện (dùng điện thắp sáng ban đêm kích thích thanh long ra hoa) cùng vào dịp thu hoạch nên sản lượng tăng.

Hiện phía Trung Quốc cũng đã trồng thanh long với diện tích lớn nên thị trường tiêu thụ thanh long Việt Nam ở Trung Quốc sẽ giảm. Thanh long ở Việt Nam lợi thế hơn ở Trung Quốc ở chỗ vào mùa lạnh  Trung Quốc không làm được thanh long. Ông Hiệp cho rằng, nếu thu hoạch vào khoảng nửa tháng trước, các doanh nghiệp sẽ kịp vận chuyển ra cửa khẩu và xuất bán trong dịp Tết Trung thu và Quốc khánh của Trung Quốc (1/10). Đây là thời điểm nhu cầu tiêu thụ cao, giá bán từ 18.000- 20.000 đồng/kg. Còn hiện tại sau lễ Quốc khánh Trung Quốc, một phần nhu cầu tiêu thụ phía nước bạn rất ít, còn về phía các doanh nghiệp xuất khẩu, số lượng xe container đang ở ngoài cửa khẩu chưa quay về kịp để vận chuyển đợt hàng tiếp theo, dẫn đến hàng hóa dồn ứ, giá rớt thảm như hiện nay.

“Về lâu dài sản phẩm thanh long phải tìm thêm các thị trường tiêu thụ khác, chế biến các sản phẩm từ thanh long và phát triển các vườn cây phù hợp tiêu chuẩn VietGap”, ông Hiệp đề xuất.

Ông Phan Văn Tấn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận, cho biết toàn tỉnh hiện có trên 27 ngàn ha thanh long. Cùng thời điểm này vụ thanh long 2017 có mức giá trên 20 ngàn đồng, các nhà vườn có tâm lý chọn thời điểm tiêu thụ thanh long nên vào vụ làm điện sớm. Đến thời điềm cuối tháng 9, đầu tháng 10 sản lượng thanh long đội ngột tăng cao điều này khiến thị trường đảo lộn. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở thu mua, xuất khẩu thanh long cũng bị động về kế hoạch, dẫn đến một lượng lớn thanh long bị ùn ứ cục bộ và giá tụt mạnh thời gian qua.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận thì nguyên nhân giá thanh long giảm sâu là do đa số người trồng thanh long năm nay tập trung giữ lại lứa mùa cuối vụ với hy vọng bán được giá cao như năm 2017 (22.300 đồng/kg) và một số nông dân chong đèn sớm dẫn đến sản lượng tăng đột biến. Từ ngày 25/9 đến 4/10 là thời điểm thu hoạch của lứa mùa có sản lượng lớn nhất trong năm. Với sản lượng thu hoạch quá lớn và thu hoạch trong khoảng thời gian ngắn (trong vòng từ 05 đến 10 ngày) nên các doanh nghiệp không đủ năng lực để tiêu thụ, kể cả thu mua để dự trữ. Do vậy, các doanh nghiệp đã ngưng mua vì đã hết khả năng dự trữ tại các kho lạnh, dẫn đến giá thanh long giảm sâu.

Cùng thời điểm này, sản lượng thanh long các tỉnh như Long An, Tiền Giang cũng đang thu hoạch rộ, nhiều tỉnh trên cả nước cũng đã phát triển diện tích thanh long, cũng tác động đến giá thanh long tại thời điển này. Mặt khác, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ lực thanh long của Việt Nam (80-90%); Tuy nhiên, ngày 1/10/2018 là ngày Lễ Quốc khánh của Trung Quốc nên các cơ quan chức năng của Trung Quốc (Hải quan, Kiểm dịch...) nghỉ lễ nên việc thông quan hàng hóa gặp khó khăn, các thương nhân Trung Quốc cũng nghỉ lễ (trên 10 ngày) nên đã tạm ngừng các hoạt động kinh doanh.

Thống kê của Sở NN&PTNT Bình Thuận cho thấy diện tích thanh long của tỉnh ước đến cuối năm đạt 29.450 ha; ước sản lượng 591.960 tấn; tăng hơn so với năm 2017 khoảng 51.710 tấn. Trên địa bàn tỉnh có 97 cơ sở thu mua, sơ chế, mua bán thanh long, trong đó có 11 doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch thanh long và có 03 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến trái thanh long.


Theo Mạnh Thắng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên