Thanh niên 20 tuổi đột quỵ khi tập gym và những lưu ý cho mọi người khi tập thể dục
Tập gym là hoạt động rất tốt để cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bạn tập luyện sai cách, bạn có thể gặp những “cái chết bất ngờ” do đột quỵ, dù cho bạn đang còn trẻ, khỏe ở độ tuổi 20.
Đột tử khi chưa đến 20 tuổi vì chủ quan trên phòng tập
Vào năm 2017 tại Thanh Hóa xôn xao vụ việc một nam sinh lớp 12 đột quỵ trên phòng tập. Theo lời bà H., quản lý phòng tập cho biết: “Khi đến tập, N.A (tên nam sinh xấu số) sức khỏe rất tốt. Qua theo dõi trích xuất từ camera thấy bạn ấy ngã không phải do đang trong quá trình lên xà mà là đang thả lỏng cơ thể.
N.A lên xà đơn được 5 cái rồi đi ra uống nước, sau đó thì quay lại tiếp tục lên xà thêm 5 cái nữa. Khi bạn ấy thực hiện xong động tác lên xà và đang thả lỏng cơ thể thì bất ngờ ngã gục úp mặt xuống sàn. Mọi người trong phòng tập đã nhanh chóng đưa N.A đi cấp cứu nhưng đã không kịp”.
Một vụ việc khác xảy ra gần đây tại tp.HCM, trong lúc đang tập thể hình tại một phòng tập gần nhà, nam thanh niên 17 tuổi (ngụ Bình Chánh, TP.HCM) bất ngờ bị đột quỵ, nhập viện trong tình trạng xuất huyết não nghiêm trọng, may mắn hơn câu truyện trên, cậu được cứu sống ngoạn mục. Rồi trường hợp đang tập gym tại phòng tập, nam thanh niên 23 tuổi, quốc tịch Australia, bị đột quỵ, ngừng tuần hoàn.
Tất cả những trường hợp này đều đột quỵ do tập luyện sai cách, không phù hợp với sức khỏe. Nói để thấy, đột quỵ trên phòng tập, dù rất thấp, nhưng có thể xảy ra với bất kỳ ai, nếu tiếp tục chủ quan và cậy mình trẻ khỏe.
Tại sao xảy ra đột quỵ khi tập gym?
Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não, xảy ra khi một phần não bộ bị tổn thương do tắc mạch máu đi nuôi não, hoặc 2 lý do khác là nhồi máu não hay vỡ mạch máu não làm đột quỵ xuất huyết não. Đây là 2 nguyên nhân chính gây ra những cơn đột quỵ trên phòng tập. Não không được cung cấp oxy, đột ngột ngưng trệ trong vài phút, tế bào não bắt đầu chết dần, có thể tử vong bất cứ lúc nào.
Khi tập luyện, nhu cầu về Oxy đi nuôi cơ thể cao hơn, nhịp tim vì thế cũng đập nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu đó. Nếu tập luyện không thường xuyên, cơ thể không quen với cường độ hoạt động mạnh, rất dễ xảy ra hiện tượng nhịp tim tăng nhanh, huyết áp tăng mạnh, nguy cơ dẫn đến đột quỵ là không hề nhỏ. Nếu có bất kỳ dấu hiệu như: đau đầu, choáng váng, cứng cổ, buồn nôn, người tập cần hạ cường độ tập xuống và nghỉ ngơi để ổn định lại cơ thể.
Những người mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, tăng huyết áp hoặc huyết áp thấp, bệnh về hô hấp, hen suyễn, nghiện rượu bia, thuốc lá là những đối tượng dễ gặp đột quỵ khi tập gym.
Thời điểm tập luyện cũng ảnh hưởng đến nguy cơ bị đột quỵ. Theo nghiên cứu đánh giá của các bác sĩ khoa cấp cứu Bệnh viện Trung ương quân đội 108, 62% bệnh nhân đột quỵ vào sáng sớm từ 5h đến 8h sáng. Đặc biệt, khi thời tiết lạnh sâu hay rét đậm, rét hại các ca bệnh càng tăng cao bất thường.
Nguy cơ đột quỵ tăng cao khi tập luyện vào sáng sớm
Theo TS. Nguyễn Văn Tuyến – Giám đốc Trung tâm đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 tình trạng gia tăng bệnh nhân tim mạch trong mùa lạnh là do cơ chế sinh học, dưới ảnh hưởng của thời tiết lạnh giá, mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp khiến lưu lượng máu đến não giảm 1/5 so với bình thường. Mặt khác, trời lạnh các mạch máu dễ co lại làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch.
Tập luyện an toàn để tránh đột quỵ
Tập luyện trong phòng gym phù hợp hầu hết mọi đối tượng. Tuy nhiên, thể trạng của mỗi người không giống nhau, nên phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe để điều chỉnh lượng bài tập, chế độ dinh dưỡng sao cho hợp lý. Khi tập luyện, người mắc các bệnh trên cần cẩn thận, tránh vận động quá sức, tốt nhất nên có huấn luyện viên quan sát và kiểm tra nhịp tim liên tục để đảm bảo sự an toàn. Dưới đây là những lưu ý dành cho bạn để bạn tập luyện an toàn và hiệu quả hơn:
- Tập luyện thường xuyên, duy trì ít nhất 2-3 buổi một tuần với cường độ tập tăng dần từ nhẹ đến nặng. Việc này giúp cơ thể, đặc biệt là tim làm quen dần với cường độ tập luyện, và dai sức hơn. Không nên tập luyện ngắt quãng, không thường xuyên, vì cơ thể sẽ luôn trong trạng thái mệt mỏi, rất dễ chấn thương.
- Khởi động kỹ từ 15-30p trước khi tập, đặc biệt vào những ngày thời tiết lạnh. Hãy làm ấm cơ thể trước khi vào những bài tập cường độ cao
- Giữ nhịp tim ở vùng an toàn khi tập luyện (<75% nhịp tim tối đa). Bạn có thể sử dụng đồng hồ thông minh của mình hoặc tay vịn trên các máy chạy bộ, đạp xe và cardio toàn thân trên phòng tập.
Công thức tính nhịp tim tối đa: MaxHR của Nam = 202 - (0.55 x tuổi); MaxHR của Nữ = 216 - (1.09 x tuổi)
- Nếu có bất kỳ triệu chứng như choáng váng, đau đầu, buồn nôn, phải hạ cường độ tập hoặc dừng tập ngay, ra hiệu cho những người xung quanh để ý đến bạn, vịn vào trụ cứng cho đến khi bớt choáng và từ từ ngồi xuống. Nếu may mắn, bạn đã vừa trải qua cơn đột quỵ nhẹ khi tập luyện, và nên kết thúc buổi tập ngay.
Tập gym, hay thể dục thể thao là cách cải thiện sức khỏe hiệu quả, quan trọng nhất là phải tập đúng, tập phù hợp với cơ thể để đạt được mục đích và tránh những chấn thương không đáng có. Chúc bạn luôn có sức khỏe thật tốt!
Trí thức trẻ