MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh niên 27 tuổi bỏ marketing làm chứng khoán: 2 sai lầm chết tiền, 2 cạm bẫy thường gặp và 10 bài học đắt giá cho F0

13-02-2022 - 22:45 PM | Sống

Mất hơn 2 năm ngồi xem bảng điện và 6 tháng cuối năm 2021 để chuẩn bị, Quang Huy quyết định nhảy việc từ marketing sang chứng khoán.

 Thanh niên 27 tuổi bỏ marketing làm chứng khoán: 2 sai lầm chết tiền, 2 cạm bẫy thường gặp và 10 bài học đắt giá cho F0 - Ảnh 1.

Phạm Quang Huy

Sinh năm 1995

Đang làm việc ở Hà Nội.

Có kinh nghiệm hơn 2 năm trên thị trường chứng khoán.

Hiện đang là broker (người môi giới) ở công ty CPCK VPS.

Từng "chém vào thịt" vì cú rung lắc tháng 7/2021

Năm 2019, mình bắt đầu biết đến và đầu tư chứng khoán. Thời gian đầu tham gia vào thị trường mình cũng muốn vào nhanh, chốt lãi nhanh. Nhưng mình nhận ra nó không hiệu quả, thậm chí còn thiệt hại khi mất tiền và thời gian nên đã thay đổi chiến lược đầu tư. Mình bắt đầu tìm hiểu một cách nghiêm túc, chỉ đưa ra các quyết định khi có kiến thức nhất định về từng mã và về thị trường.

Nhưng đó mới chỉ là lý thuyết. Thị trường có những biến động mà ngay cả những người nhiều kinh nghiệm nhất cũng có thể bất ngờ. Với mình thì cú rung lắc tháng 7/2021 là thời điểm tài khoản bị ảnh hưởng nhất, không chỉ giảm mạnh, mất hết lãi mà còn "chém vào thịt" (tức là mất vào tiền gốc bỏ ra). Vì không chỉ mình mất mà những người mua theo và khách hàng cũng bị tác động tiêu cực nên khá căng thẳng. Để nói về con số chính xác thì không có nhưng khi đó lỗ khoảng hơn 20% là mình cắt.

 Thanh niên 27 tuổi bỏ marketing làm chứng khoán: 2 sai lầm chết tiền, 2 cạm bẫy thường gặp và 10 bài học đắt giá cho F0 - Ảnh 3.

Tất nhiên cảm giác cắt lỗ không phải chuyện vui vẻ gì nhưng sau khi đi xuống thì thị trường luôn có những giai đoạn gọi là uptrend (uptrend là giai đoạn giá thị trường có xu hướng giá tăng). Vì vậy sau khi cắt lỗ phải tìm được mã đang có lời để bù lại và kiếm thêm. Mình đặt ra giới hạn chốt lãi là từ 10 - 15% và luôn thực hiện theo.

Khi có kiến thức, không có gì đáng sợ

Để tâm lý thao túng đầu tư chứng khoán là cái sai ngay từ đầu khi tham gia thị trường. Trong khi đó nhiều người hay để tâm lý tác động, thậm chí họ còn nhìn chứng khoán dưới dạng một trò may rủi, kiếm tiền nhanh và dễ. Không hề! Chứng khoán là một cuộc đấu trí, cần phải đầu tư thời gian, có tâm lý vững vàng, không phải ngày 1 hay ngày 2 là ăn ngay được.

 Thanh niên 27 tuổi bỏ marketing làm chứng khoán: 2 sai lầm chết tiền, 2 cạm bẫy thường gặp và 10 bài học đắt giá cho F0 - Ảnh 4.

Sai lầm thứ 2 mà mọi người có thể mắc phải khi đầu tư chứng khoán là cảm giác ngủ quên trên chiến thắng. Đã đầu tư ai cũng muốn có lãi và khi lãi rồi mọi người thường quên mất thị trường có thể rung lắc bất cứ lúc nào. Mà ngủ quên lúc rung lắc thì kết quả thế nào cũng không khó đoán lắm.

Có một quan điểm mình luôn theo đuổi là điểm mua hợp lý. Chẳng hạn có cổ phiếu rất tốt, của một doanh nghiệp cũng tốt nhưng nếu điểm mua cao quá so với thị trường thì chẳng may nó xuống, mình sẽ bị áp lực về tiền vốn. Vì vậy với những F0, có một điều nhắc mấy cũng không thừa là nhất định phải có kiến thức. Khi có kiến thức sẽ không có gì đáng sợ cả.

 Thanh niên 27 tuổi bỏ marketing làm chứng khoán: 2 sai lầm chết tiền, 2 cạm bẫy thường gặp và 10 bài học đắt giá cho F0 - Ảnh 5.

Môi giới this - môi giới that

Sau khi nhen nhóm vào đầu năm 2021, mình mất 1 năm để cân nhắc về quyết định nhảy việc. Tất nhiên hướng đi mới phải đem lại nhiều thứ hơn. Ngoài thu nhập, giá trị mà mình muốn đạt được là thay đổi suy nghĩ chưa đúng của phần đông nhà đầu tư về chứng khoán như đã đề cập ở trên. Hơn nữa tiềm năng của ngành này còn rất rộng, hiện tại nó mới chỉ ở chân sóng. Dễ hình dung hơn, các thế hệ được xem là đi trước trong ngành chứng khoán ở Việt Nam chỉ khoảng ngoài 40 tuổi, cùng lắm là 50 nên người trẻ hoàn toàn có cơ hội phát triển hơn nữa.

Tất nhiên mình có thể vừa làm việc của mình vừa đầu tư giống như nhiều người bây giờ. Điều này thường sẽ đem lại cảm giác đầu tư chỉ mang tính học hỏi, kiếm thêm chứ không chính thức. Lúc này công việc chính giống như giá đỡ nếu mình ngã nhưng cũng có thể làm giảm sự quyết đoán trong đầu tư. Còn khi xem đầu tư chứng khoán là một nghề, mình phải nghiêm túc hơn rất nhiều và sẵn sàng chấp nhận mọi tình huống có thể xảy ra.

 Thanh niên 27 tuổi bỏ marketing làm chứng khoán: 2 sai lầm chết tiền, 2 cạm bẫy thường gặp và 10 bài học đắt giá cho F0 - Ảnh 6.

So sánh giữa tự đầu tư và cầm tiền của người khác để đầu tư, mình tự tin trong trường hợp 2 hơn. Tất nhiên mình sẽ phải đối mặt với những áp lực nhất định nhưng là tiền của người khác nên mình cẩn thận hơn, có cái nhìn sáng suốt hơn. Thực tế môi giới cũng có this có that. Có người suốt ngày chỉ hối khách mua mua bán bán vì mỗi giao dịch đều đem lại chi phí cho người tư vấn. Vì vậy để khách hàng tin tưởng thì cách duy nhất là trao đi giá trị. Mình đem đến những tin tức chính xác và sớm để khách đặt lệnh hợp lý đồng thời cân bằng được giữa lợi ích của mình và khách hàng.

Khách hàng nghe mình mà đầu tư lỗ. Phải làm sao đây?

Về phía khách hàng, một khi đã đưa tiền cho mình tức là họ đã dành nhiều sự tin tưởng nhưng khi thị trường biến động và thua lỗ, chuyện khách lo lắng là hiển nhiên. Lúc đó mình phải nói thẳng là mã này không được như kỳ vọng đồng thời có động thái an ủi. Trong trường hợp mã chứng khoán này chỉ xuống tạm thời rồi sẽ lên trở lại, mình đưa ra những dữ kiện và luận điểm chứng minh điều đó. Trong trường hợp nó lỗ đến giới hạn đầu tư của mình thì sẽ cắt lỗ và xử lý bằng cách chuyển sang mã mới để bù vào số tiền mà khách đã mất.

Thông thường, khách hàng nữ của mình có tâm lý vào nhanh - ra nhanh để chốt lãi sớm còn khách hàng nam, với khả năng chịu áp lực cao hơn có vẻ bình tĩnh hơn trước biến động thị trường. Chẳng hạn khi gặp "rung lắc", các chị em sẽ nhắn tin hỏi han nhiều hơn.

 Thanh niên 27 tuổi bỏ marketing làm chứng khoán: 2 sai lầm chết tiền, 2 cạm bẫy thường gặp và 10 bài học đắt giá cho F0 - Ảnh 7.

Đầu tư chứng khoán cũng có nhiều cạm bẫy. Đầu tiên là có những công ty bày ra dự án ảo, tung tin lên các phương tiện truyền thông để thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Sau đó họ dùng một đội ngũ đi lập các room chat, room phím hàng để rỉ rả về mã chứng khoán của công ty này nhằm mục đích càng nhiều người mua thì giá cổ phiếu của công ty đó càng lên. Nhà đầu tư F0 không biết nên cứ thế mua vào và cuối cùng bị "úp bô". Cạm bẫy điển hình thứ 2 là đến từ những người môi giới. Trên thị trường bây giờ có rất nhiều đơn vị và cá nhân môi giới. Trong đó có không ít người chưa có nhiều kinh nghiệm lẫn chuyên môn nên chưa thể đưa ra lời khuyên thấu đáo cho khách hàng được.

10 bài học dành cho F0

1. Trang bị đủ kiến thức.

2. Xác định tâm thế đầu tư chứ không phải đầu cơ .

3. Nếu không đủ tự tin vào bản thân, hãy tìm cho mình một người môi giới có tâm và có chuyên môn.

4. Trước khi quyết định mua 1 mã nào đó phải tìm hiểu tất cả thông tin về doanh nghiệp.

5. Nếu đã mua thì không nghi, đã nghi thì không mua. Hãy tin tưởng vào doanh nghiệp.

 Thanh niên 27 tuổi bỏ marketing làm chứng khoán: 2 sai lầm chết tiền, 2 cạm bẫy thường gặp và 10 bài học đắt giá cho F0 - Ảnh 8.

6. Không FOMO (Fear Of Missing Out - hội chứng sợ bỏ lỡ).

7. Luôn luôn có tiền trong tài khoản. Mình thường giữ tỷ lệ 60 - 40, tức là 60% cổ phiếu và 40% tiền trong tài khoản. Lý do là để dự phòng những lúc hàng loạt mã nằm sàn thì mình sẵn sàng có tiền "đi chợ".

8. Giữ 1 cái đầu lạnh và tuân thủ nguyên tắc đầu tư bản thân đặt ra từ đầu.

9. Nên bán khi thị trường "hưng phấn". Định nghĩa về 1 thị trường "hưng phấn" của mình là nếu mọi người tinh ý, cứ khoảng 1 - 2 tháng thì sẽ có nhiều người đăng story, đăng Facebook khoe thì đây chính là thời điểm tốt để chốt lãi.

10. Các room phím hàng chỉ mang tính chất tham khảo.

https://kenh14.vn/thanh-nien-27-tuoi-bo-marketing-lam-chung-khoan-2-sai-lam-chet-tien-2-cam-bay-thuong-gap-va-10-bai-hoc-dat-gia-cho-f0-20220212165643067.chn

Theo Huyền Trang - Design Thành Đạt

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên