MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh niên làm việc ở thành phố, chỉ kiếm 200k/ngày, không xu tiết kiệm: Nếu bước đầu tiên đã đi sai, những bước sau cũng càng đi càng lệch

29-11-2020 - 21:53 PM | Sống

Thanh niên làm việc ở thành phố, chỉ kiếm 200k/ngày, không xu tiết kiệm: Nếu bước đầu tiên đã đi sai, những bước sau cũng càng đi càng lệch

Nền móng không tốt, xây nhà to đến mấy cũng có lúc đổ sập. Tiền tiết kiệm không chỉ là một con số nằm trong tài khoản ngân hàng, nó cũng đóng vai trò như nền móng cuộc đời của bạn.

01.

Anh Quân tự nhốt mình trong phòng, thẻ tín dụng và điện thoại di động vứt lăn lóc. Lúc này, anh vừa bị công ty đuổi việc, trong khi đang nợ ngân hàng rất nhiều tiền. Vợ anh đã đưa con về nhà mẹ đẻ, đang đòi ly hôn. Anh hoàn toàn hai bàn tay trắng.

Anh từng có suy nghĩ muốn bỏ mình, nhưng lại không dám. Đối với những người thất bại, họ luôn không đủ tự tin để đưa ra lựa chọn quyết định số phận.

Sau khi tuyệt vọng một hoặc hai ngày, anh Quân lại phiền não vì một vấn đề khác, đó là kế sinh nhai hiện tại. Nếu không lựa chọn thế giới bên kia, vậy thì phải sống, mà sống thì phải ăn. Trong khi cả nhà chẳng còn gì cả.

Anh Quân lang thang ngoài đường, mong xin được một chút gì đó bỏ vào bụng. Nhưng đàn ông sức dài vai rộng đi xin ăn, chẳng ai động lòng, càng đi chỉ càng đói và kiệt sức. Tình cờ, anh đi qua một công trường. Anh đánh bạo vào bên trong, đi tìm đốc công xin được nhận vào làm. 

Đốc công cũng thương tình cho anh nên cho vào khuân vác, đến cuối ngày được nhận tiền công luôn. Tối hôm đó, cầm vài đồng bạc trong tay, ăn một suất cơm bình dân bình thường đến không thể bình thường hơn được nữa, nhưng anh Quân lại vừa ăn vừa muốn khóc.

Đó không chỉ là một bữa cơm, mà còn là dũng khí và hi vọng để tiếp tục sống sót. 

Thanh niên làm việc ở thành phố, chỉ kiếm 200k/ngày, không xu tiết kiệm: Nếu bước đầu tiên đã đi sai, những bước sau cũng càng đi càng lệch - Ảnh 1.

02.

Người ta, một bước sai, cả đời sai. Một đường kẻ lệch từ điểm xuất phát thì càng kéo dài, độ lệch ban đầu lại càng được phóng đại, trở nên to lớn đến mức thay đổi hoàn toàn quỹ đạo vốn có. Cuộc sống cũng vậy.

Ban đầu, anh Quân cũng như bao người trẻ khác, kiếm một công việc bình thường trong thành phố. Thu nhập không cao, nhưng vẫn đủ sống. Đặc biệt là khi anh còn độc thân, không có gánh nặng về tài chính. Dù mỗi ngày chỉ kiếm được khoảng 200 ngàn đồng, anh cũng có thể thoải mái tiêu pha. Một ngày ba bữa gọi đồ ăn ngoài hàng cũng chỉ mất khoảng 100 ngàn tới 150 ngàn đồng là tối đa. 

Cuối tuần gặp gỡ bạn bè, ăn nhậu hoặc lê la hàng quán thì chi tiêu “nhỉnh” hơn một chút. Cuối tháng góp tiền nhà với bạn chung phòng vẫn thoải mái. Thỉnh thoảng các dự án của công ty thành công, anh cũng được phân chia một chút tiền thưởng. Cuộc sống thoải mái này khiến anh Quân yên tâm, không bận tâm suy nghĩ quá nhiều. 

Tư duy của anh luôn là: Sống một ngày tính một ngày, chẳng ai biết chuyện gì xảy ra ngày mai, tính trước cũng vô dụng. Thế nên, anh không hề tính toán, cũng không có suy nghĩ phải tiết kiệm để lo cho tương lai. Anh bị thứ “thoải mái” và “ổn định” đáng sợ này hấp dẫn.

Tới khi những ngày trẻ trung dần trôi qua, bước vào độ tuổi 30, mọi người đều cần kết hôn, lập gia đình và lo cho đời sống người thân. Anh có vợ, rồi có con. Nhưng công việc thì không có tiến triển, sổ tiết kiệm cũng không có giá trị. 

Bấy giờ, anh Quân mới cảm nhận gánh nặng tài chính. Anh học theo người ta đầu tư và chơi cổ phiếu. Ban đầu, anh cẩn trọng “chơi” những khoản nhỏ. Sau một thời gian lời nhiều hơn lỗ, anh dần trở nên tham lam, vay tiền để đầu tư một khoản thật lớn. Chưa vui vẻ được bao lâu thì hậu quả tệ hại đã tới. 

Sai lầm không chỉ đến từ sự bất cẩn, vội vàng mà chủ yếu nằm ở tư duy. Đến một nhà đầu tư lão làng sành sỏi còn có thể đánh giá sai các cơ hội nữa là một người đàn ông vốn không quan tâm thị trường, chỉ mới bắt đầu nghiên cứu một thời gian ngắn, ôm giấc mộng “đổi đời” chỉ sau một đêm.

Sự an nhàn và thoải mái giả tạo trong quá khứ khiến người ta đánh mất lòng cảnh giác. Từ đó phạm phải những sai lầm không đáng có, trở thành điều hối hận cho cả tương lai về sau.

Nhiều người cảm thấy mình không cần tiết kiệm, vì thời gian còn dài. Nhưng họ quên mất rằng, tiết kiệm không chỉ là con số hiển hiện trong tài khoản ngân hàng, mà còn là nền móng để bạn đưa ra rất nhiều quyết định hệ trọng trong tương lai.

Thanh niên làm việc ở thành phố, chỉ kiếm 200k/ngày, không xu tiết kiệm: Nếu bước đầu tiên đã đi sai, những bước sau cũng càng đi càng lệch - Ảnh 2.

03.

Đến độ tuổi 30, hầu như ai cũng phải đối diện với một nỗi sợ mang tên Ổn Định. Chúng ta không còn trẻ để tiếp tục trốn tránh và trì hoãn những trách nhiệm phải gánh vác trên vai. Đó là trách nhiệm với bản thân và với những người xung quanh. 

Đó không phải ổn định mang tính giả tạo, mà là sự ổn định bền vững về tâm trí, tài chính và sự trưởng thành. 

Ổn định về tài chính khiến chúng ta tự giác nhìn xa hơn một chút, đằng sau nhu cầu về cái ăn, cái mặc thông thường, còn có nhu cầu để sở hữu một khoản tiết kiệm phòng thân.

Còn có nhu cầu đầu tư và phát triển chính mình, gia tăng giá trị bản thân, đón nhận các cơ hội thăng tiến. Còn có nhu cầu báo hiếu và phụng dưỡng cha mẹ lớn tuổi…

Ổn định về tâm trí và đạt được sự trưởng thành khi chúng ta học được cách quản lý cảm xúc và tinh thần bên trong. 

Chúng ta học cách đối nhân xử thế, nhìn nhận các mối quan hệ xung quanh, gánh vác bổn phận và trách nhiệm hiện có, quen với sự cô đơn hoặc tiếp nhận một mối quan hệ mới được gắn kết bằng mái ấm riêng tư…

Điều đó cần có dũng khí và sự trải đời nhất định. Khi kinh nghiệm được tích lũy dần theo thời gian, bạn sẽ có được ít nhiều vốn sống quan trọng, giúp mình trưởng thành từ bên trong. 

Muốn như vậy, quãng thời gian tuổi trẻ trước đó, bạn phải trải nghiệm, phải tích lũy. Ở tuổi 20, đừng lãng phí thanh xuân với những công việc mà bạn tự định nghĩa là “ổn định”, những công việc ngồi máy lạnh, bàn giấy cả ngày, thực hiện nhiệm vụ lặp đi lặp lại như một cái máy. Không có thử thách, không có cơ hội rèn luyện kỹ năng, cũng không có bước đệm để phát triển và thăng tiến. 

Thay vì gọi quá trình này là ổn định, đúng hơn, phải gọi đó là sự trì trệ. Ở đó, người trẻ đáng lẽ phải va vấp, phải không ngừng thách thức bản thân, khám phá những sở trường và khuyết điểm của riêng mình, thì họ lại trốn tránh sóng gió, chỉ quanh quẩn trong một “vùng an toàn” nhỏ hẹp.

Khi thời gian và nguồn năng lượng dồi dào cho phép bạn chủ động lao vào những cuộc chơi mới mà bạn không biết tận dụng, đợi khi sức trẻ qua đi, hành trình chinh phục những cơ hội lớn lao của bạn sẽ càng trở nên chông gai và thử thách gấp muôn phần.

Ngay từ bước đi đầu tiên đã rẽ sai hướng, đích đến sẽ cách bạn ngày càng xa xôi.

Phương Thúy

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên