Thành phố có đến nửa triệu dân nhưng không thể tiếp cận bằng đường bộ, lý do vì sao?
Iquitos là thành phố lớn nhất trên thế giới mà không thể tiếp cận bằng đường bộ.
- 27-06-2022Nhân viên nhậu say làm "bay màu" dữ liệu cư dân cả thành phố, quan chức thành phố Nhật cúi đầu xin lỗi
- 24-06-2022“Paris phiên bản lỗi” bỏ hoang của Trung Quốc: Từ tham vọng về thành phố hoa lệ giữa lòng châu Á tới cảnh ngán ngẩm hiện tại
- 18-06-2022Cuộc sống của người dân thành phố nóng nhất thế giới: Thường trực “ngâm mình” trong cái nắng 50 độ C, nước trở thành hàng xa xỉ
Là trái tim của vùng rừng Amazon thuộc Peru, Iquitos là một trường hợp đặc biệt trong các thành phố trên thế giới khi không thể tiếp cận bằng đường bộ, dù có dân số khá đông đúc là khoảng nửa triệu người. Hơn nữa, khu vực này đã được định cư hàng nghìn năm bởi người bản địa, các thợ săn và dân du mục.
Ảnh vệ tinh của Iquitos. Thành phố được bao bọc bởi sông và rừng rậm Amazon.
Hiện tại, Iquitos được biết đến là thành phố không thể tiếp cận bằng đường bộ lớn nhất trên thế giới. Theo Amusing Planet, nó là một thành phố cảng quan trọng của Amazon và đô thị trong rừng lớn nhất của Peru.
Iquitos nằm trong lưu vực sông Amazon tại hợp lưu của sông Nanay và Itaya, cách Đại Tây Dương khoảng 3.700km về phía thượng lưu và cách Lima 1.030km về phía Bắc - Đông Bắc. Được bao quanh bởi một bên toàn là sông nước và bên kia là rừng nhiệt đới rậm rạp Amazon, cách duy nhất để đến Iquitos là đường hàng không hoặc di chuyển bằng thuyền, mất cả tuần trôi dọc theo Amazon nóng ẩm.
Với dân số 484.000 người, việc này tạo ra khá nhiều bất tiện.
Khu vực này là nơi sinh sống suốt hàng nghìn năm của người bản địa và du mục săn bắn hái lượm, những người sống trong các khu định cư nhỏ theo mùa gần các con sông, trước khi các nhà truyền giáo châu Âu đến định cư.
Đường thuỷ là tuyến giao thông chủ lực của thành phố.
Tuy nhiên, phải tới thế kỷ 19 thành phố mới bắt đầu trở nên đông đúc khi người ta tìm ra cao su trong khu vực. Hàng ngàn người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới, chủ yếu là những thanh niên độc thân hy vọng kiếm được cơ hội từ khai thác, đã đến và định cư ở đây.
Sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và các ngành phụ trợ đã làm tăng đáng kể nhu cầu về cao su trên toàn thế giới thời gian sau đó. Nhờ ngành cao su thịnh vượng, các hãng xe lớn như Ford đã khai thác cật lực tiềm năng của khu vực và sử dụng đường thuỷ, qua sông Amazon chuyển hàng trực tiếp tới Mỹ và châu Âu và không đoái hoài gì tới việc xây dựng một con đường bộ xuyên khu rừng lớn nhất hành tinh.
Cũng vì thế, thành phố trở thành một "thủ phủ cao su" và thu được kha khá của cải, trở nên đông đúc.
Thành phố vẫn có nhiều dấu tích hơi thở của châu Âu do thời kỳ khai thác để lại.
Từ năm 1880 đến 1914 là thời kỳ hoàng kim của ngành công nghiệp cao su trong thành phố. Tuy nhiên, vinh quang đó không tồn tại được lâu. Khi tin tức về việc bóc lột các cư dân bản địa lộ ra, cùng với sự ra đời của cao su tổng hợp và các đồn điền cao su dễ khai thác hơn ở các nơi khác trên thế giới, thời kỳ huy hoàng trong khai thác cao su tại Iquitos cũng chấm dứt.
Dù không còn những ngày tháng huy hoàng và giàu có, thành phố vẫn lưu lại nhiều dấu tích của hơi thở châu Âu do các thương nhân mang đến. Du khách đến đây có thể chiêm ngưỡng những căn biệt thự kiểu Ý, những lối đi ven sông nhộn nhịp hay Casa de Fierro, một dinh thự nổi tiếng do chính kiến trúc sư Gustave Eiffel thiết kế.
Sau sự sụp đổ của ngành cao su, thành phố có nhiều sự tái sinh bởi các mặt hàng khác, ví dụ như barbasco, một chất diệt khuẩn cho các đồn điền lớn vào thời trước, hay từ 1935 là dầu, giúp Iquitos duy trì các hoạt động kinh tế.
Mặc dù không thể tiếp cận bằng đường bộ, thành phố không phải là không có xe cộ. Xe máy và một loại xe giống xe lam - thống trị đường phố, lao vun vút xung quanh, với khung cảnh được Amusing Planet miêu tả là "ồn ào và hỗn loạn".
Theo số liệu từ nhiều nguồn, thành phố thu hút từ 100.000 đến 200.000 du khách tới tham quan mỗi năm. Iquitos hấp dẫn bởi vẻ thô sơ, các công trình cổ, quang cảnh bên bờ Amazon...
Nguồn: Howlanders, Amusing Planet
Nhịp sống kinh tế