Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) là thành phố duy nhất của nước ta có đường biên giới giáp cả trên biển và đất liền với Trung Quốc. Đặc biệt, Móng Cái có vị trí quan trọng trong việc giao lưu kinh tế với Trung Quốc khi tiếp giáp với TX. Ðông Hưng là khu kinh tế mở của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Tháng 3/2021, Chính phủ đã phê duyệt bản quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040 với hàng loạt định hướng phát triển về kinh tế, xã hội, giao thông, du lịch...
Dưới đây là viễn cảnh phát triển khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái trong tương lai của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2040 được ứng dụng AI ChatGPT sáng tạo ra.
Theo dự kiến, quy mô dân số khu kinh tế Móng Cái đến năm 2040 khoảng 460.000 - 470.000 người. Trong đó bao gồm dân số quy đổi từ lượng khách du lịch khoảng 8-9 triệu lượt khách/năm. Thành phố Móng Cái sẽ tiếp tục mở rộng đô thị về phía Nam gắn với khu vực Trà Cổ - Bình Ngọc và về phía Tây (các xã Hải Đông, Hải Tiến, Quảng Nghĩa) gắn với đô thị Hải Hà để tạo nên vùng phát triển đô thị, từng bước đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I.
Thiết kế đô thị và định hướng kiến trúc cảnh quan của khu kinh tế Móng Cái được phát triển hiện đại, đặc biệt là khai thác cảnh quan ven biển, các đảo; phù hợp với đặc điểm hoạt động của các khu vực đô thị, công nghiệp, du lịch, nông nghiệp. Tăng cường hệ thống không gian công cộng, quảng trường, không gian cảnh quan tự nhiên, đặc biệt là các khu vực trung tâm đô thị Móng Cái, Hải Hà, các khu vực ven biển Trà Cổ, Vĩnh Thực, Cái Chiên.
Bên cạnh khai thác cảnh quan ven biển, đảo, khu kinh tế Móng Cái cũng phát triển các tuyến sông Kalong, Lục Lầm, Hà Cối, Tài Chi thành các trục sông cảnh quan đi qua khu vực đô thị.
Khu kinh tế Móng Cái được định hướng xây dựng tập trung, cao tầng tại khu vực trung tâm đô thị; xây dựng thấp tầng, mật độ thấp tại các khu vực biển đảo để hài hòa với cảnh quan biển đảo tại khu kinh tế cửa khẩu. Song song với đó là xây dựng các công trình, bố trí tầng cao theo các tuyến địa hình, đảm bảo tôn trọng địa hình tự nhiên, khuyến khích các mô hình nhà ở sinh thái, công trình xanh, thông minh và tiết kiệm năng lượng.
Trong định hướng phát triển khu du lịch quốc gia Trà Cổ, tỉnh Quảng Ninh sẽ phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại khu vực Trà Cổ, Bình Ngọc, đảo Vĩnh Trung - Vĩnh Thực gắn với bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan sinh thái tại khu vực.
Phát triển các sản phẩm du lịch gắn với biển, hệ sinh thái rừng ngập mặn và các khu vực đồi núi. Đồng thời phát triển hệ thống cơ sở lưu trú chất lượng cao, đa dạng về sản phẩm, đa dạng theo các mùa du lịch với số lượng khoảng 25.000 - 30.000 buồng phòng, đất dịch vụ du lịch khoảng 1.500 - 1.800 ha. Phát triển các khu đô thị gắn với các tổ hợp vui chơi giải trí tại khu vực Hải Hòa, Hải Xuân, Bình Ngọc và đảo Vĩnh Trung - Vĩnh Thực để đa dạng sản phẩm dịch vụ du lịch.
Tỉnh Quảng Ninh cũng định hướng khai thác sử dụng khu vực mặt biển của khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái cho các hoạt động kinh tế như hành lang cho hoạt động lưu thông đường thủy, khu trú đậu tàu thuyền, bến, cảng. Ngoài ra bố trí các vùng mặt nước thuận lợi cho các hoạt động du lịch trên mặt nước như lưu trú nổi, vui chơi giải trí, thể thao trên nước.
Trong quy hoạch đến năm 2040 định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu kinh tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh thực hiện đồng bộ quy hoạch giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và đường hàng không. Trong đó, về đường sắt quy hoạch tuyến đường sắt quốc gia Hạ Long - Móng Cái, dự kiến kết nối với tuyến đường sắt Đông Hưng (Trung Quốc); tuyến nhánh kết nối cảng biển Hải Hà. Xây dựng hệ thống các ga tại khu vực Hải Yên, Quảng Thịnh, khu công nghiệp Hải Hà. Dự trữ hành lang phát triển tuyến đường sắt cao tốc song song với đường sắt quốc gia.
Ngoài ra, về đường bộ, bên cạnh việc nâng cấp, cải tạo các tuyến đường hiện hữu, khu kinh tế Móng Cái cũng dự kiến xây dựng mới đoạn tuyến quốc lộ 18 tránh trung tâm huyện Hải Hà, tuyến đường bao biển kết nối các đô thị ven biển từ Hải Hà đến Móng Cái. Xây dựng tuyến đường tuần tra biên giới từ Hải Hòa đến mũi Sa Vĩ.
Đặc biệt, trong quy hoạch về đường hàng không có nêu, Quảng Ninh sẽ nâng cấp, cải tạo, mở rộng sân bay Hồng Kỳ tại khu vực phường Ninh Dương, kết hợp khai thác dân dụng (sân bay taxi) và cứu nạn.
Khu vực các đảo, khu kinh tế Móng Cái được định hướng hạn chế tối đa việc sử dụng xe cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hoạt động giao thông sinh hoạt, dịch vụ du lịch. Xây dựng các cảng, bến kết nối các đảo, các tuyến đường chính đảo kết nối các khu vực, kết nối với các đường nội bộ vào từng khu vực. Bổ sung các tuyến cáp treo kết nối Mũi Ngọc - Vĩnh Thực (Móng Cái) - Cái Chiên (Hải Hà)...
Tỉnh sẽ triển khai nhanh hệ thống giao thông công cộng, thúc đẩy sử dụng hiệu quả phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Dự trữ hành lang phát triển các loại hình phương tiện giao thông công cộng mới: đường sắt đô thị, đường sắt một ray (monorail), taxi nước, thủy phi cơ....